Hải Phòng: Nhiều giải pháp căn cơ để giáo viên mầm non yên tâm đứng lớp
Ngành giáo dục Hải Phòng thời gian qua đã có nhiều giải pháp căn cơ, chú trọng chăm lo đời sống tinh thần, giải quyết các chế độ, chính sách... để giáo viên mầm non yên tâm đứng lớp.
Từ 6 giờ 30 sáng, cô Phạm Thị Thu Thảo, giáo viên Trường mầm non thị trấn An Dương (huyện An Dương) bắt đầu ngày làm việc của mình và công việc được kết thúc vào khoảng 17 giờ 30 cùng ngày.
Theo cô Thảo, đặc thù của giáo viên mầm non phải đến sớm để vệ sinh lớp học, cho trẻ tập thể dục, tổ chức hoạt động học, hoạt động góc, hoạt động ngoài trời, sau đó cho ăn, trông ngủ trưa. Buổi chiều là củng cố hoạt động trong ngày cho trẻ, dọn dẹp, vệ sinh lớp và ra về.
Ngoài ra, trong lúc trẻ ngủ trưa cô Thảo tranh thủ vừa quan sát, trông nom vừa chuẩn bị đồ dùng ngày mai cho các cháu học hoặc làm đồ chơi bổ sung, soạn giáo án.
Trong mỗi lớp học, trung bình mỗi cô sẽ chăm sóc, giáo dục cho khoảng từ 15 đến 17 cháu. Và các cô chỉ thở phào nhẹ nhõm, yên tâm rời lớp khi trẻ cuối cùng được bố mẹ đón về.
Tương tự cô Nguyễn Thị Phượng, (45 tuổi, giáo viên Trường mầm non Lập Lễ huyện Thủy Nguyên) đã có 21 năm theo nghề. Việc thực hiện đúng theo chế độ sinh hoạt 1 ngày của trẻ tại trường mầm non, đôi lúc cũng khiến cô uể oải. Tuy nhiên tình yêu thương trẻ đã khiến cô vượt qua, vững tâm trong nghề.
Cô Phượng chia sẻ, đối với trẻ mầm non các hoạt động ăn uống, vui chơi, nô đùa đều tiềm ẩn nguy cơ hóc, sặc, xây xát trong khi trường không có nhân viên y tế chuyên trách nên các cô phải thường xuyên xử lý những tình huống hay gặp như quấy khóc, nghịch, lười ăn... Chưa kể, để bảo đảm trẻ tăng cân, phát triển toàn diện thể chất, các giáo viên mầm non phải bỏ nhiều công sức, chăm sóc hơn so với các bậc học khác.
Còn theo cô Đặng Thị Sen, hiệu trưởng Trường mầm non Vạn Hương (quận Đồ Sơn), là cán bộ quản lý trực tiếp nhiều năm nên cô luôn thấu hiểu và đồng cảm với công việc của giáo viên. Nhất là giáo viên mầm non chủ yếu là nữ, trực tiếp đứng lớp, chăm sóc mười mấy trẻ rất vất vả nên cần sự thông cảm của các bậc cha mẹ và chung tay của toàn xã hội để giảm bớt áp lực.
Cũng theo cô Sen, ngành giáo dục nên có các chế độ đặc thù về lương, chính sách đãi ngộ giáo viên để tạo động lực giúp họ theo nghề.
Hải Phòng hướng đến ưu đãi chế độ đãi ngộ phù hợp với giáo viên mầm non
Theo thống kê, Hải Phòng hiện có hơn 9.000 cán bộ, giáo viên mầm non.
Hiểu được tâm tư, nắm bắt những khó khăn, vất vả đặc thù của giáo viên mầm non, suốt thời gian qua, thành phố đã ban hành những chính sách riêng để phát triển giáo dục mầm non, hỗ trợ cán bộ, giáo viên như: chi hỗ trợ đối với lao động hợp đồng ở vị trí nấu ăn trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ về lương theo hệ số 1,86/người/tháng; hỗ trợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và kinh phí công đoàn.
Hội đồng nhân dân thành phố cũng ban hành Nghị quyết số 04 thực hiện Nghị định 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số mức hỗ trợ với tổng kinh phí dự kiến đến năm 2025 gần 44 tỷ đồng. Trong đó hỗ trợ giáo viên mầm non làm việc tại các cơ sở mầm non tư thục, dân lập ở địa bàn có khu công nghiệp 1 triệu đồng/tháng (gấp 1,25 so với Nghị định 105 của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non).
Theo đại diện Phòng Giáo dục Mầm non (Sở Giáo dục và Đào tạo), cách giải quyết căn cơ nhất hiện nay vẫn là có chế độ chính sách phù hợp đối với giáo viên mầm non để họ có thêm động lực công tác.
Cũng theo vị đại diện này, ngoài những chế độ chính sách riêng của thành phố đã đi vào cuộc sống, hiện Sở Giáo dục và Đào tạo đang làm tờ trình về việc ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố về chế độ ưu đãi cán bộ, giáo viên mầm non trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2024-2028.
Trong đó có nhiều nội dung rất thiết thực như: Giáo viên mầm non mới tuyển dụng vào trường mầm non công lập được hỗ trợ 100 triệu đồng; hỗ trợ lương cán bộ, giáo viên mầm non; hỗ trợ cán bộ, giáo viên mầm non khối dân lập, tư thục hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... khi đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng nhận định, giáo viên mầm non có những đặc thù công việc, vất vả riêng so với các bậc học khác rất cần được nhìn nhận, đánh giá đúng. Trong lúc chờ cấp trên xem xét, quyết định, ngành Giáo dục và Đào tạo tích cực thu hút, tuyển dụng giáo viên mầm non để giảm bớt áp lực sĩ số, áp lực công việc cho giáo viên đứng lớp; đồng thời Sở cũng tích cực phối hợp Công đoàn ngành chỉ đạo Công đoàn cơ sở chú trọng chăm lo đời sống tinh thần; giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách; tham gia bảo vệ quyền lợi; quan tâm, nắm bắt tình hình đời sống, tâm tư... Qua đó góp phần động viên, khích lệ để các giáo viên mầm non thêm động lực, yên tâm theo nghề, bám lớp.