Hải Phòng nỗ lực xúc tiến các sản phẩm thương mại chủ lực
Thay vì chờ thị trường tìm đến, Hải Phòng đang chủ động 'mở đường' bằng loạt hoạt động xúc tiến thương mại bài bản, giúp sản phẩm chủ lực vươn xa hơn...
Chủ động mở đường cho đặc sản vươn xa
Là địa phương có thế mạnh chế biến thủy sản, Hải Phòng sở hữu nhiều đặc sản gắn liền với vùng biển như hải sản, nước mắm Cát Hải, ruốc tôm, ruốc bề bề… Tuy nhiên, nhiều cơ sở sản xuất vẫn hoạt động quy mô nhỏ, thiếu năng lực quảng bá và chưa đủ điều kiện để tham gia hệ thống phân phối hiện đại hoặc phục vụ xuất khẩu.
Trước thực tế đó, Sở Công Thương thành phố Hải Phòng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp xúc tiến thương mại, nhằm đưa sản phẩm chủ lực vươn xa hơn. Cụ thể, Sở đã tổ chức các đoàn công tác nghiên cứu thị trường tại Cần Thơ, nơi được ví như trung tâm tiêu thụ nông thủy sản lớn ở phía Nam, đồng thời hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP tại nhiều tỉnh thành như Khánh Hòa, Bình Phước, Đắk Lắk, Kiên Giang.

Trong thời gian qua, Sở Công Thương thành phố Hải Phòng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp xúc tiến thương mại, nhằm đưa sản phẩm chủ lực vươn xa. Ảnh: Phương Cúc
Song song với đó, các doanh nghiệp Hải Phòng được vận động tham gia hội chợ, triển lãm thương mại tại nhiều tỉnh như Tây Ninh, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Tuyên Quang. Việc đưa sản phẩm ra khỏi “ao làng”, tiếp cận người tiêu dùng toàn quốc và các nhà phân phối lớn, đã góp phần tạo ra thay đổi rõ rệt về nhận diện thương hiệu cho sản phẩm đặc trưng địa phương.
Một trong những đơn vị hưởng lợi từ hoạt động xúc tiến thương mại là Công ty TNHH Quang Hải, chuyên sản xuất nước mắm, ruốc tôm, ruốc bề bề. Anh Phạm Công Hùng – đại diện văn phòng công ty tại Hà Nội cho biết, trước đây sản phẩm chủ yếu tiêu thụ tại chợ truyền thống ở Hải Phòng và vùng lân cận, doanh thu ổn định nhưng khó tăng trưởng. Từ khi tham gia chuỗi hội chợ do Sở Công Thương tổ chức, nước mắm Quang Hải đã vào được hệ thống siêu thị hiện đại.
“Chúng tôi tập trung giữ gìn chất lượng và phương pháp truyền thống, còn việc tiếp cận thị trường mới hay lan tỏa thương hiệu thì thực sự cần sự đồng hành từ cơ quan chuyên môn. Nhờ có hoạt động xúc tiến bài bản của Sở Công Thương, thương hiệu được lan tỏa mạnh mẽ hơn. Khách hàng không chỉ mua vì chất lượng, mà vì họ tin vào câu chuyện, vào tính minh bạch đằng sau sản phẩm”, anh Hùng bày tỏ.
Tăng tốc chuyển đổi, chuẩn hóa chất lượng
Không dừng lại ở việc đưa sản phẩm đi hội chợ, các hoạt động xúc tiến của Hải Phòng hiện đang đi vào chiều sâu với mục tiêu chuyên nghiệp hóa sản phẩm truyền thống. Doanh nghiệp được hỗ trợ tư vấn mẫu mã, nhãn mác, dán tem truy xuất nguồn gốc, kết nối sàn thương mại điện tử và đơn vị logistics, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh trên kệ hàng hiện đại.
Tại Công ty TNHH Quang Hải, công ty đã chủ động, tất cả sản phẩm đều có tem QR truy xuất nguồn gốc và hồ sơ OCOP cấp thành phố. Khi bao bì và thông tin được chuẩn hóa, đối tác siêu thị bắt đầu chủ động tìm đến. Gần đây nhất, tại Hội chợ Xúc tiến thương mại cho các hợp tác xã miền Bắc, gian hàng của công ty thu hút đông đảo khách tham quan nhờ hương vị đậm đà và trưng bày bắt mắt, mang đậm bản sắc biển.

Gian hàng của Công ty TNHH Quang Hải thuộc Liên minh HTX thành phố Hải Phòng nhận được sự quan tâm của người dân Thủ đô. Ảnh: Phương Cúc
"Không chỉ là dịp bán hàng, đây còn là cơ hội để chúng tôi lắng nghe trực tiếp cảm nhận của người tiêu dùng, từ đó hoàn thiện sản phẩm tốt hơn. Đặc biệt, nhiều đơn vị phân phối đã chủ động kết nối sau hội chợ. Điều này một lần nữa cho thấy xúc tiến thương mại đúng hướng sẽ mở ra những cánh cửa lớn cho doanh nghiệp", anh Hùng chia sẻ.
Cùng với hoạt động xúc tiến, công tác quản lý an toàn thực phẩm cũng được đẩy mạnh. Trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025, Sở Công Thương đã hướng dẫn nhiều cơ sở chế biến thực hiện biện pháp đảm bảo vệ sinh. Chi cục Quản lý thị trường cũng tăng cường kiểm tra định kỳ, xử lý nghiêm các vi phạm trong lưu thông và sản xuất thực phẩm.
Đáng chú ý, Hải Phòng đang thúc đẩy đề xuất triển khai hai trung tâm logistics tại Lạch Huyện và Nam Đồ Sơn được kỳ vọng trở thành “cầu nối” xuất khẩu hàng hóa cho khu vực duyên hải Bắc Bộ. Khi các trung tâm này đi vào hoạt động, doanh nghiệp chế biến thủy sản sẽ được hỗ trợ đắc lực trong việc vận chuyển, bảo quản, đưa hàng ra thị trường quốc tế với chi phí tối ưu.
Từ một vùng đất có nhiều sản vật đặc trưng nhưng thường bị giới hạn trong tiêu thụ nội vùng, Hải Phòng đang dần hình thành cách tiếp cận hiện đại, đồng bộ và chuyên nghiệp cho hoạt động xúc tiến thương mại. Không chạy theo số lượng hay phô trương hình thức, thành phố lựa chọn hỗ trợ đúng nhu cầu của doanh nghiệp, từ cải tiến sản phẩm đến kết nối thị trường và chuỗi logistics.
Sự thành công của những đơn vị như Công ty TNHH Quang Hải là minh chứng rõ rệt, khi được tiếp sức đúng cách, sản phẩm truyền thống không chỉ tìm được chỗ đứng trên thị trường nội địa mà còn tiến gần tới giấc mơ xuất khẩu.
Từ những sản phẩm bình dị của làng biển, nước mắm, ruốc tôm, ruốc bề bề Hải Phòng đang bước vào hành trình chuyên nghiệp hóa – nhờ chính sách xúc tiến bài bản từ cơ quan quản lý nhà nước và sự đổi mới mạnh dạn của doanh nghiệp. Khi các sản phẩm truyền thống được chuẩn hóa, kết nối, thương hiệu địa phương sẽ không chỉ hiện diện trên kệ hàng nội địa, mà còn đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.