Hải Phòng sẽ được tổ chức theo mô hình chính quyền đô thị
Sau Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM thì Hải Phòng đang tiến hành những bước cần thiết để tiến tới tổ chức theo mô hình chính quyền đô thị.
(KTSG Online) – Sau Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM thì Hải Phòng đang tiến hành những bước cần thiết để tiến tới tổ chức theo mô hình chính quyền đô thị.
Chiều 9-7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì cuộc họp cho ý kiến về Đề án tổ chức chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng, theo Chinhphu.vn.
Theo đó, Đề án này nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24-10-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 26-11-2019 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết số 45, trong đó giao UBND thành phố Hải Phòng xây dựng Đề án thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị một cấp và hai cấp hành chính.
Trong quá trình xây dựng Đề án, thành phố Hải Phòng đã tổ chức các đoàn công tác đi học tập kinh nghiệm, mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng. Theo đó, sau khi tham khảo kinh nghiệm, mô hình của 3 thành phố trên và các quy định hiện hành, Hải Phòng thống nhất đề xuất tên gọi của Đề án là Đề án tổ chức chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng.
Đề án gồm 4 phần là sự cần thiết, căn cứ pháp lý và cơ sở lý luận, thực tiễn xây dựng Đề án; thực trạng tổ chức, hoạt động của các cấp chính quyền thành phố; định hướng và nội dung tổ chức chính quyền đô thị trong thời gian tới; tổ chức thực hiện.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang giao Bộ Nội vụ phối hợp với thành phố Hải Phòng xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng, trình Quốc xem xét, thông qua trong năm 2024, theo chinhphu.vn.
Theo Đề án, Hải Phòng sẽ không tổ chức HĐND tại 8 quận và 79 phường, bắt đầu thực hiện từ đầu nhiệm kỳ 2026-2031. Khi không còn HĐND quận thì một số nhiệm vụ của HĐND quận sẽ do HĐND thành phố thực hiện như quyết toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách; điều chỉnh dự toán ngân sách trong trường hợp cần thiết; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương.