Hải Phòng tạo sức bật từ hoàn thiện hạ tầng giao thông
Những năm gần đây, điểm sáng đáng chú ý của Hải Phòng là hạ tầng giao thông (HTGT) không ngừng được hoàn thiện, giúp bộ mặt đô thị thêm khang trang, người dân đi lại thuận tiện. Yếu tố này tạo nên sức bật lớn cho thành phố, tăng tính kết nối không chỉ giữa các quận, huyện mà còn hình thành liên kết vùng, góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội.
Đầu tư mạnh mẽ cho các dự án trọng điểm
Con đường mới chạy dài thẳng tắp nối từ cầu Lạng Am đến cầu Nhân Mục thuộc huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) tô đẹp thêm bức tranh phong cảnh tươi đẹp với hai bên là cánh đồng lúa xanh mướt đang lúc trổ đòng. Lãnh đạo TP Hải Phòng từng nhận xét, đây có thể xem là một trong những tuyến đường đẹp nhất huyện Vĩnh Bảo, cũng là công trình giao thông quan trọng ở cửa ngõ phía nam thành phố, giúp nâng cao hiệu quả khai thác tuyến Quốc lộ 10, Quốc lộ 37 đi qua địa bàn huyện. Một điểm đặc biệt hơn, tuyến đường này kết nối đến Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, như một lời tri ân của những người con Đất Cảng hôm nay với các bậc tiền nhân đã có nhiều công lao với đất nước.
Không chỉ tại huyện Vĩnh Bảo, trên khắp địa bàn TP Hải Phòng, không khó để bắt gặp những công trình giao thông mới khánh thành. Có thể kể đến như nút giao nam cầu Bính với kết cấu 3 tầng gồm tầng hầm, tầng mặt và cầu vượt, hay cầu Hoàng Văn Thụ mang hình dáng cánh chim biển, hoàn toàn do các đơn vị trong nước thực hiện từ thiết kế đến thi công. Chia sẻ về định hướng phát triển HTGT của thành phố, ông Nguyễn Đức Thọ, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hải Phòng cho biết, các công trình giao thông ở nội đô giúp giải quyết bài toán ùn tắc, tạo thông thoáng, thuận tiện cho người dân đi lại. Bên cạnh đó, Hải Phòng cũng chú trọng đầu tư những dự án kết nối với các địa phương lân cận để tăng cường liên kết vùng. Cao tốc Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh đã rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển, tạo động lực tăng trưởng cho các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Cùng với đó, các công trình cầu, đường trên tuyến kết nối Hải Phòng với các tỉnh Thái Bình, Nam Định và Hải Dương, Hưng Yên đã và đang được đầu tư để hình thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh.
Đầu tư cho HTGT luôn đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Không chỉ dành phần đáng kể nguồn vốn từ ngân sách địa phương cho các dự án giao thông, Hải Phòng đã thu hút thêm nguồn lực từ các nhà đầu tư, vốn xã hội hóa của doanh nghiệp. Giao thông phát triển giúp kinh tế tăng trưởng, tăng thêm nguồn thu nội địa, từ đó tạo điều kiện cho thành phố tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Là địa phương đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhiều năm gần đây, một trong những yếu tố giúp thành phố có được kết quả này là các giải pháp quyết liệt để giải ngân vốn đầu tư công. Với những dự án giao thông, để hoàn thành nhiệm vụ giải ngân, theo ông Nguyễn Đức Thọ, cần phải bảo đảm đồng thời nhiều yếu tố. Trước hết là công tác chuẩn bị đầu tư chặt chẽ, đầy đủ thủ tục, khâu khảo sát, lập dự án phải chính xác, đồng thời, lựa chọn được nhà thầu đủ năng lực, biện pháp thi công hợp lý, khoa học, bố trí đủ vốn trong quá trình thực hiện. Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, chú trọng vận động, tuyên truyền để người dân đồng thuận, cùng chung tay, góp sức.
Phát triển giao thông mang tầm nhìn dài hạn
Ngoài hệ thống đường bộ, Hải Phòng cũng có nhiều lợi thế trong các loại hình vận tải khác, nổi bật là hàng hải và hàng không. Cùng với cụm cảng Hải Phòng là cửa ngõ thông thương đường biển lớn nhất phía Bắc, một dự án trọng điểm về hàng hải khác đang được triển khai thực hiện là cảng Lạch Huyện. Với lợi thế của cảng nước sâu, đón tàu trọng tải lên đến 100.000 tấn, cảng Lạch Huyện sẽ giúp hàng hóa từ Việt Nam đi trực tiếp đến các nước châu Âu, châu Mỹ, không phải qua điểm trung chuyển. Về hàng không, Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Cát Bi không ngừng được mở rộng, nâng cấp, đạt tiêu chuẩn 4E của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO), có thể đón được máy bay thân rộng, hiện đại nhất hiện nay như Boeing 787, Airbus 350.
Để khai thác hiệu quả, HTGT cần được phát triển đồng bộ. Thời gian tới, bên cạnh tiếp tục đầu tư một số tuyến đường bộ huyết mạch, Hải Phòng cũng hướng đến khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế ở các loại hình vận tải khác. Trong đó, Cảng HKQT Cát Bi đang được nghiên cứu mở rộng quỹ đất, đáp ứng cho nhu cầu vận tải hàng không dự báo sẽ không ngừng gia tăng. Một số loại hình vận tải như đường sắt, đường thủy nội địa dù có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng đóng góp chưa tương xứng. Tuyến đường sắt Hà Nội-Hải Phòng cần được mở rộng kết nối đến cảng Đình Vũ, cảng Lạch Huyện để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa khối lượng lớn. Về đường thủy nội địa, cần khơi thông các tuyến đường thủy quốc gia như Hải Phòng-Hà Nội, nhất là khắc phục hạn chế do tĩnh không thấp ở một số cầu trên tuyến.
Tầm nhìn dài hạn cùng các giải pháp căn cơ, vừa phục vụ nhu cầu trước mắt vừa chuẩn bị cho tương lai lâu dài sẽ giúp Hải Phòng luôn giữ được nhịp tăng trưởng, hướng đến mục tiêu đi đầu cả nước về công nghiệp hóa, hiện đại hóa.