Hải Phòng: Tiết dạy tiếng Anh tích hợp nội dung GD địa phương có gì đặc biệt?
Cô giáo và học sinh Trường THCS Võ Thị Sáu đã lên lớp một tiết dạy học tiếng Anh tích hợp nội dung Giáo dục địa phương để khám phá miền cửa biển Hải Phòng.
Ngày 17/11, Trường Trung học cơ sở Võ Thị Sáu (quận Lê Chân, Hải Phòng) tổ chức chuyên đề dạy học tích hợp với chủ đề “Hành trình khám phá miền cửa biển – DISCOVERING THE COASTAL REGION”.
Tới dự chuyên đề có ông Phạm Việt Anh – Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Lê Chân; lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, đại diện một số đơn vị và đông đảo cán bộ quản lý, giáo viên dạy tiếng Anh các trường trung học cơ sở trên địa bàn quận.
Báo cáo đề dẫn chuyên đề, cô giáo Vũ Thị Kim Oanh – Phó hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Võ Thị Sáu nhấn mạnh: “Việc dạy học theo chủ đề môn tiếng Anh tích hợp nội dung Giáo dục địa phương nhằm góp phần thực hiện mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Qua đó, hình thành, rèn luyện tri thức, năng lực cho học sinh thông qua các đề tài, các bài học, các chủ đề có nội dung thực tiễn, giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất. Trong quá trình dạy học, các kiến thức và kỹ năng thuộc các lĩnh vực, chủ đề được hình thành và phát triển thông qua việc khám phá, tìm hiểu và trải nghiệm thực tế.
Thông qua bài dạy mang đến cho các em học sinh một sân chơi lành mạnh để học sinh phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh trong và ngoài lớp học, là cơ hội để cha mẹ học sinh và các em học sinh thấy được giá trị, ý nghĩa của việc học tiếng Anh: Đó là môn cung cấp cho người học một công cụ giao tiếp quốc tế quan trọng, giúp các em trao đổi thông tin, tri thức khoa học và kỹ thuật tiên tiến, tìm hiểu các nền văn hóa.
Qua đó góp phần tạo dựng sự hiểu biết giữa các dân tộc, hình thành ý thức công dân toàn cầu, từ đó sẽ khơi gợi hứng thú học tập và niềm đam mê nghiên cứu khoa học ở mỗi học sinh, đặc biệt là với môn học Ngoại ngữ, môn học được đánh giá là chìa khóa mở ra cánh cửa đến với hội nhập cho mỗi công dân toàn cầu”.
Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng ấy, năm học 2023- 2024, Trường Trung học cơ sở Võ Thị Sáu đã thực hiện chuyên đề Hành trình khám phá miền cửa biển- DISCOVERING THE COASTAL REGION.
Để chuẩn bị cho chuyên đề, Ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo Tổ Khoa học xã hội và nhóm ngoại ngữ xây dựng kế hoạch, thảo luận hướng triển khai nhiệm vụ cụ thể theo hướng nghiên cứu bài học và tài liệu hướng dẫn chuyên môn, đặc biệt chú trọng đưa các thành tựu công nghệ số vào dạy học và kiểm tra đánh giá để cùng thúc đẩy nâng cao hiệu quả dạy học.
Đồng thời vừa phát huy tinh hoa của phương pháp truyền thống, vừa khai thác được thế mạnh của phương pháp dạy học hiện đại và tích cực.
Chuyên đề “Dạy học tích hợp với chủ đề Hành trình khám phá miền cửa biển - DISCOVERING THE COASTAL REGION” do cô giáo Nguyễn Thị Hương Giang dẫn dắt.
Chuyên đề được xây dựng nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn tiếng Anh với chủ đề dạy học về văn hóa, cảnh đẹp thiên nhiên, lễ hội truyền thống… của thành phố Hải Phòng với 2 tiết dạy học dự án theo chủ đề môn Tiếng Anh và 2 tiết giáo dục địa phương theo hình thức dạy học chủ đề theo khối lớp.
Tại chuyên đề các em học sinh được chia thành 3 đội chơi giới thiệu, quảng bá về thành phố Hải Phòng với các chủ đề Foodtour Hải Phòng; Vịnh Lan Hạ; các làn điệu dân ca, lễ hội của thành phố Hải Phòng.
Ngoài ra các em còn tham gia vào phần thi tìm hiểu kiến thức; thuyết trình; giao lưu với khán giả…
Các em học sinh đã cống hiến hết mình cho chương trình bằng các tiểu phẩm hài hước, sinh động, các tiết mục văn nghệ đặc sắc, với khả năng giao tiếp tiếng anh tốt các em học sinh đã mang đến cho khán giả những phần thi vô cùng ấn tượng và đẹp mắt.
Qua chuyên đề, học sinh được hình thành các kỹ năng, năng lực chung như năng lực tự học, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo, năng lực giao tiếp, năng lực tương tác, làm việc nhóm cùng các năng lực chuyên biệt của môn tiếng Anh như: nghe – nói – đọc - viết, hiểu và sử dụng cấu trúc câu trong giao tiếp cơ bản…; kỹ năng thuyết trình, sử dụng ngôn ngữ, sử dụng công nghệ thông tin qua trình chiếu, sử dụng các phần mềm ứng dụng trong dạy học.
Cũng thông qua chuyên đề, học sinh nhà trường được tìm hiểu, mở rộng và nâng cao kiến thức hiểu biết về mảnh đất và con người Hải Phòng.
Những trải nghiệm mà học sinh được tham gia khi thực hiện chuyên đề giúp các em được phát triển các phẩm chất tốt đẹp: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trách nhiệm…
Các em có lòng tự hào về con người, văn hóa, cảnh đẹp của quê hương đất nước, biết trân trọng và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống, tích cực tuyên truyền quảng bá giới thiệu về hình ảnh đất nước Việt Nam giàu bản sắc, về thành phố phố Hải Phòng tươi đẹp, có bề dày lịch sử văn hóa, năng động, phát triển với bạn bè trên thế giới.
Chuyên đề nhận được sự đánh giá cao của các đại biểu tham dự. Nhiều cán bộ quản lý, giáo viên cũng đóng góp ý kiến về việc triển khai chuyên đề dạy học tích hợp nhằm rút kinh nghiệm cho các nhà trường khi thực hiện sau này.