Hải Phòng tìm cách hút vốn Nhật

Lãnh đạo Hải Phòng xác định, việc bổ sung nguồn vốn, công nghệ và nhân lực lớn vào nguồn lực hiện có của thành phố là điều cấp thiết để hiện thực hóa mục tiêu trở thành thành phố công nghiệp tầm cỡ khu vực Đông Nam Á đến năm 2030.

Lãnh đạo Tập đoàn Sojitz làm việc với đoàn công tác của Hải Phòng

Lãnh đạo Tập đoàn Sojitz làm việc với đoàn công tác của Hải Phòng

Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng cho thấy, đến năm 2025, địa phương này cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đạt các tiêu chí đô thị loại I. Đến năm 2030, Hải Phòng sẽ trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á. Đến năm 2045, Hải Phòng sẽ là thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.

Chính lãnh đạo thành phố cũng nhìn nhận, các chỉ tiêu đặt ra mang tính thách thức cao. Do đó, việc bổ sung nguồn vốn, công nghệ và nhân lực lớn vào nguồn lực hiện có của thành phố là điều cấp thiết.

Bởi vậy mà trong chuyến đi Nhật Bản của đoàn công tác xúc tiến đầu tư thành phố từ ngày 15/6 - 18/6/2023, Hải Phòng đã thực hiện một chuỗi hoạt động để tiếp cận, giới thiệu về tiềm năng của Hải Phòng và mời gọi các nhà đầu tư lớn của xứ sở mặt trời mọc đến tìm hiểu, đầu tư.

Đáng chú ý, thành phố Hải Phòng hiện đang đề xuất với Chính phủ thành lập khu kinh tế mới, trọng tâm phát triển được xác định tại khu vực cảng Nam Đồ Sơn. Vì vậy, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu đã gặp và đề nghị đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản tích cực phối hợp, hỗ trợ kêu gọi các nhà đầu tư, tiêu biểu là Tập đoàn Sojitz, Tập đoàn Marubeni… quan tâm, nghiên cứu đầu tư vào khu vực trọng điểm này.

Đoàn công tác của Hải Phòng cũng trực tiếp đến làm việc với lãnh đạo của Sojitz - một trong những tập đoàn đa ngành lớn nhất Nhật Bản. Ông Fujimoto Masayoshi, CEO Sojitz cũng đã phải ghi nhận sự chủ động, tích cực và những cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo Hải Phòng.

Nhìn thấy những tiềm năng vượt trội trong môi trường đầu tư của Hải Phòng, ông Fujimoto hứa sẽ sắp xếp, bố trí thời gian đến thăm Hải Phòng sớm nhất trong năm nay. Ông cho biết, Sojitz đang có sự quan tâm đặc biệt đối với Hải Phòng và mong muốn đặt nền móng cho sự hợp tác mật thiết trong tương lai gần.

Không chỉ Sojitz mà gần 150 doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức xúc tiến đầu tư - thương mại, các đơn vị tư vấn đầu tư tại Nhật Bản đã được giới thiệu về một Hải Phòng đầy tiềm năng thông qua hội nghị xúc tiến đầu tư Hải Phòng – Nhật Bản được tổ chức tại thủ đô Tokyo.

Lãnh đạo Hải Phòng trong hội nghị xúc tiến đầu tư Hải Phòng – Nhật Bản tổ chức tại Tokyo

Lãnh đạo Hải Phòng trong hội nghị xúc tiến đầu tư Hải Phòng – Nhật Bản tổ chức tại Tokyo

Theo số liệu thống kê từ Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), 46% doanh nghiệp Nhật Bản (có trụ sở chính tại Nhật Bản) đang hoạt động ở nước ngoài đang cân nhắc mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Việt Nam nói chung và thành phố Hải Phòng nói riêng là một thị trường đang được nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm. Ngoài ra, các tổ chức xúc tiến đầu tư của Nhật Bản cũng đưa ra nhận định, đánh giá Hải Phòng là địa phương có hạ tầng công nghiệp phát triển, nguồn nhân lực dồi dào, chính quyền năng động, nhiệt tình.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng khẳng định, với những thế mạnh nổi trội, Hải Phòng luôn ưu tiên thu hút đầu tư, sẵn sàng tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn mà thành phố có lợi thế cạnh tranh vượt trội, tiềm năng khác biệt.

Các lĩnh vực được ông Châu nhấn mạnh là dịch vụ tổng hợp hiện đại; công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông minh; kinh tế biển, logistics, cảng biển và dịch vụ cảng biển; nông nghiệp sinh thái; các nhóm ngành thúc đẩy kinh tế xanh như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, điện khí, điện gió.

Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức kể từ khi đại dịch bùng phát nhưng khó khăn càng chứng minh tính hiệu quả trong công tác điều hành. Từ 2020, Hải Phòng lọt vào nhóm 10 địa phương đứng đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Hai năm gần đây đều giữ vững vị trí trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước.

Hải Phòng cam kết tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện phát triển các khu công nghiệp mới, thu hút nguồn lao động chất lượng cao và ổn định để đảm bảo hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp.

Trong cuộc làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, lãnh đạo Hải Phòng cũng đề nghị cơ quan này quan tâm đến công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thành phố, thúc đẩy hợp tác giữa các nhà đầu tư Nhật Bản với các trường đại học, cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố.

Hải Phòng mong muốn Đại sứ quán hỗ trợ, kết nối để sớm mở đường bay trực tiếp từ Nhật Bản đến Cảng hàng không quốc tế Cát Bi - Hải Phòng; kết nối thành phố Hải Phòng với tỉnh Chiba (Nhật Bản) để vận dụng những sự tương đồng về địa lý, điều kiện làm tiền đề phát triển.

Đoàn công tác của Hải Phòng cũng đã đến làm việc với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và đề nghị xem xét hỗ trợ hai dự án.

Một là dự án phát triển bền vững khu vực Đông Nam thành phố Hải Phòng thích ứng với biến đổi khí hậu. Dự án này gồm 3 hợp phần: làm đường kết nối đến cảng nước sâu Lạch Huyện; hệ thống thoát nước mưa nước thải ở hai quận Đồ Sơn, Dương Kinh; và nâng cấp hệ thống kè biển ở khu vực Đồ Sơn để thích ứng biến đổi khí hậu. Hai là d ự án đầu tư xây mới, nâng cấp trạm y tế cơ sở tại các quận/huyện: Đồ Sơn, An Lão, An Dương, Tiên Lãng, Kiến Thụy, Vĩnh Bảo.

Những hỗ trợ của JICA sẽ góp phần giúp Hải Phòng phát triển mạnh mẽ hơn nữa, xứng đáng với vị thế là trung tâm kinh tế, động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả Việt Nam.

Hải Phòng hiện có 151 dự án có vốn Nhật Bản, tổng số vốn đầu tư đạt 5,23 tỷ USD, chiếm 20,4% vốn đầu tư FDI toàn thành phố. Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Hải Phòng trước năm 2015, hiện đang là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai tại Hải Phòng với các dự án tiêu biểu như Shin-Etsu (442,25 triệu USD), Rorze International (426 triệu USD), Nipro Pharma (250 triệu USD), Trung tâm thương mại Aeon (200 triệu USD), Kyocera (187,50 triệu USD), Toyoda Gosei,…

Năm 2022, doanh thu của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Hải Phòng đạt 2,2 tỷ USD, giá trị xuất khẩu đạt 3,08 tỷ USD, giá trị nhập khẩu đạt 2,3 tỷ USD. Những lĩnh vực đầu tư chủ yếu gồm sản xuất thiết bị cơ khí, máy điện, thiết bị điện, máy ghi âm, ghi hình, các sản phẩm bằng plastic, cao su...

Tùng Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/hai-phong-tim-cach-hut-von-nhat-1687084784776.htm