Hải Phòng: Xem xét đề xuất ngôi đền thuộc Ngũ linh từ là di tích quốc gia

Đền Bì ở xã Đoàn Lập, huyện Tiên Lãng, Tp.Hải Phòng, thờ vị tướng có công giúp vua Lê Hoàn đánh giặc trên sông Bạch Đằng năm 981 được triều đình sắc phong là Bạt Hải Long Vương.

Trong số 5 ngôi đền thiêng thuộc Ngũ linh từ ở huyện Tiên Lãng, Tp.Hải Phòng, xã Đoàn Lập có 2 ngôi đền là đền Canh Sơn và đền Bì.

Nếu như đền Canh Sơn nổi tiếng với kiến trúc hoàn toàn bằng đá, thì đền Bì được biết đến với nhiều câu chuyện nhuốm màu tâm linh, huyền bí về vị tướng quân dưới triều vua Lê Hoàn.

Căn cứ cuốn "Ngọc phả cổ lục: Tiền Lê Đại Hành vương công thần nhất vị Đại vương" (Ngọc phả về vị Đại vương thời Tiền Lê, triều vua Lê Đại Hành) do Đông các Đại học sĩ Hàn lâm Lễ viện thần Nguyễn Bính soạn vào ngày lành tháng Giêng năm Hồng Phúc nguyên niên (năm 1572), Nội các thần Bộ Lại sao lại vào ngày lành tháng 8 năm Vĩnh Hựu thứ 6 (năm 1740), vị thần Bạt Hải Long Vương thờ ở đền Bì là một vị võ tướng thời vua Lê Hoàn.

Đền Bì ở xã Đoàn Lập, huyện Tiên Lãng, Tp.Hải Phòng, được trùng tu, tôn tạo năm 2017 trên diện tích 2.000m2 (Ảnh: Thái Phan).

Đền Bì ở xã Đoàn Lập, huyện Tiên Lãng, Tp.Hải Phòng, được trùng tu, tôn tạo năm 2017 trên diện tích 2.000m2 (Ảnh: Thái Phan).

Thần tích viết, ông tên húy là Hải, người ở thành Long Biên (nay là thủ đô Hà Nội). Mẹ ông là người họ Đào tên là Nàng Phương. Sinh thời Nàng Phương là một cô gái đẹp, có dung nhan cá lặn chim sa, hoa cười nguyệt thẹn.

Một hôm nàng ra bến Nhị Hà (sông Hồng) tắm thì bỗng nhiên có một con thuồng luồng đến cuốn quanh người khiến nàng sợ hãi bỏ chạy về nhà. Sau đó, nàng mang thai rồi sinh hạ được một người con trai diện mạo khác thường, hình dung khôi ngô tuấn tú "mày Nghiêu, mắt Thuấn, lưng Vũ, vai Thang". Lúc sinh có một dám mây sắc tía ở trên nóc nhà ngưng tụ 3 ngày sau mới tan.

Lớn lên, ông là người học giỏi, thông minh đĩnh ngộ khác thường có tài thao lược, văn võ song toàn lại là người đức độ. Khi vua Lê Hoàn lệnh cho các châu, huyện tiến cử người hiền tài ra giúp nước, ông được tiến cử và được vua trọng dụng phong làm Đô chỉ huy sứ Đại tướng quân.

Đền Bì ở xã Đoàn Lập, huyện Tiên Lãng, Tp.Hải Phòng, thờ Bạt Hải Long Vương có công giúp vua Lê Hoàn đánh bại quân xâm lược trên sông Bạch Đằng (Ảnh: Thái Phan).

Đền Bì ở xã Đoàn Lập, huyện Tiên Lãng, Tp.Hải Phòng, thờ Bạt Hải Long Vương có công giúp vua Lê Hoàn đánh bại quân xâm lược trên sông Bạch Đằng (Ảnh: Thái Phan).

Niên hiệu Thái Bình (năm 981), nhà Tống âm mưu xâm lược nước ta, ông được vua Lê Hoàn phong là Tiết chế Đại tướng quân, kiêm cả thủy bộ, đem quân đi đánh giặc. Thắng trận, ông đưa quân trở về kinh đô, nhà vua mở hội lớn gia phong cho quân sĩ, ban cho ông thực ấp ở trấn Hải Dương. Sau đó, ông từ quan trở về quê sinh sống và dạy dân trồng lúa, mở mang giáo hóa trong vùng.

Khi mất, ông được triều đình sắc phong là Bạt Hải Long Vương và ra lệnh cho người dân địa phương lập đền thờ phụng quanh năm hương khói. Đền Bì thờ ông là 1 trong 5 ngôi đền thuộc Ngũ linh từ của huyện Tiên Lãng, Tp.Hải Phòng, cùng với các đền: Gắm, Để Xuyên, Hà Đới, Canh Sơn.

Đền Bì thờ Bạt Hải Long Vương quay hướng Bắc nằm trên gò đất cao tên gọi là gò Bì. Phía trước đền có một đầm nước rộng lớn gọi là đầm Bì. Nơi đây diễn ra lễ hội đua thuyền rồng để cầu đảo (cầu mưa) mỗi khi hạn hán. Hiện người dân trong vùng vẫn làu làu câu ca: "Lụt lội thì tháo cống Đôi/ Trời làm hạn hán thì bơi đầm Bì".

Ông Đào Văn Bình - Thủ từ đền Bì ở xã Đoàn Lập, huyện Tiên Lãng, Tp.Hải Phòng, cho biết, đầm Bì là nơi diễn ra lễ hội đua thuyền rồng cầu mưa (Ảnh: Thái Phan)

Ông Đào Văn Bình - Thủ từ đền Bì ở xã Đoàn Lập, huyện Tiên Lãng, Tp.Hải Phòng, cho biết, đầm Bì là nơi diễn ra lễ hội đua thuyền rồng cầu mưa (Ảnh: Thái Phan)

Thông tin tới Người Đưa Tin, ông Đào Văn Bình - Thủ từ đền Bì, cho biết, đền được UBND Tp.Hải Phòng xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp thành phố theo Quyết định số 1327/QĐ UBND ngày 25/8/2011.

Năm 2017, do đền xuống cấp nghiêm trọng, có doanh nghiệp tài trợ tiến hành trùng tu, tôn tạo trên khuôn viên rộng hơn 2.000 m2 với nhiều hạng mục: Đền chính, cổng, nhà khách, nhà bia, sân đền, và các công trình phụ trợ.

Đền chính có bố cục mặt bằng kiểu chữ "Đinh" gồm tòa bái đường và hậu cung. Bái đường gồm 5 gian, gian giữa rộng nhất đặt ban thờ. Bộ khung chịu lực của bái đường được kết cấu bởi sáu bộ vì kiểu vì bốn hàng chân cột. Vì nóc, vì nách bái đường được làm thống nhất theo kiểu vì chồng rường giá chiêng.

Hậu cung đền Bì gồm 2 gian nằm dọc và được nối với tiền tế. Hệ thống khung chịu lực của hậu cung đền được tạo thành bởi ba bộ vì. Ba bộ vì này có sự tương đồng và thống nhất về chất liệu, kết cấu, kiểu dáng với sáu bộ vì của tòa bái đường.

"Vừa qua, đoàn công tác của các sở, ngành liên quan Tp.Hải Phòng và huyện Tiên Lãng đến đền Bì khảo sát để xem xét xây dựng hồ sơ đề xuất Trung ương công nhận là Di tích cấp quốc gia. Đây là điều người dân địa phương mong mỏi từ lâu để phát huy giá trị di tích. Qua đó, thu hút hơn nữa du khách thập phương", ông Đào Văn Bình - Thủ từ đền Bì, chia sẻ.

Ngô Quang Thái

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/hai-phong-xem-xet-de-xuat-ngoi-den-thuoc-ngu-linh-tu-la-di-tich-quoc-gia-204241222162030629.htm