Hải Phòng: xử lý tình trạng nuôi trồng thủy sản trái phép trên sông Bạch Đằng

Thời gian gần đây, việc neo thả bè nuôi hàu tự phát ở khu vực biên giới biển TP Hải Phòng diễn biến phức tạp, nhiều người dân thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) chuyển lồng bè vào khu vực cảng biển Hải Phòng nuôi trồng thủy sản bằng cách thả bè cố định với số lượng lớn.

Bên cạnh đó còn tồn tại một số lồng bè nằm rải rác trên các tuyến luồng Phà Rừng, nằm bên trái luồng hàng hải thuộc địa bàn huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) gây nguy cơ gây ảnh hưởng đến hành lang an toàn hàng hải, đường thủy nội địa, vi phạm quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy.

Hoạt động neo thả bè nuôi hàu tự phát ở khu vực biên giới biển TP Hải Phòng diễn biến phức tạp. Ảnh Hải Yến

Hoạt động neo thả bè nuôi hàu tự phát ở khu vực biên giới biển TP Hải Phòng diễn biến phức tạp. Ảnh Hải Yến

Ghi nhận của phóng viên, dọc sông Bạch Đằng, đoạn từ bến Phà Rừng (xã Tam Hưng, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) xuôi về cửa Đình Vũ (phường Đông Hải 2, quận Hải An, Hải Phòng) với chiều dài khoảng 10 km có số lượng lớn bè nuôi trồng thủy sản giăng kín mặt sông, một số bè tiến sát phao tiêu hàng hải. Các bè được làm bằng tre và phao xốp. Diện tích mỗi bè rộng khoảng 3.000 - 4.000 m2. Để tránh bị thủy triều lên xuống rút trôi, các bè được liên kết với nhau bằng hệ thống dây thừng, sau đó cột chặt vào bờ.

Bè nuôi trồng thủy sản giăng kín mặt sông, một số bè tiến sát phao tiêu hàng hải. Ảnh Hải Yến

Bè nuôi trồng thủy sản giăng kín mặt sông, một số bè tiến sát phao tiêu hàng hải. Ảnh Hải Yến

Để đảm bảo an toàn an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường cũng như đảm bảo tuân thủ pháp luật thủy sản, hàng hải, Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng đã có nhiều buổi họp, làm việc với đại diện UBND huyện Thủy Nguyên, UBND TX Quảng Yên, một số cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan về việc nuôi trồng thủy sản không phép trong vùng nước cảng biển Hải Phòng.

Theo ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, quá trình triển khai nhiệm vụ Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng đã nhận được sự phối hợp tích cực của UBND TX Quảng Yên, UBND huyện Thủy Nguyên, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Hải Phòng,…Với sự vào cuộc của các cấp các ngành tại TP Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh cho đến thời điểm hiện tại khoảng hơn 200 lồng bè đã di dời khỏi hành lang an toàn luồng hàng hải Bạch Đằng, Phà Rừng. Còn hơn 100 lồng bè chưa di dời (hơn 70 lồng bè thuộc TX Quảng Yên, hơn 30 lồng bè thuộc địa bàn huyện Thủy Nguyên).

Với sự vào cuộc của các cấp các ngành tại TP Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh cho đến thời điểm hiện tại khoảng hơn 200 lồng bè đã di dời khỏi hành lang an toàn luồng hàng hải Bạch Đằng, Phà Rừng. Ảnh Hải Yến

Với sự vào cuộc của các cấp các ngành tại TP Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh cho đến thời điểm hiện tại khoảng hơn 200 lồng bè đã di dời khỏi hành lang an toàn luồng hàng hải Bạch Đằng, Phà Rừng. Ảnh Hải Yến

“Chúng tôi đã nhiều lần phối hợp với các đơn vị kiểm tra nhưng tại thực địa hầu hết các lồng bè không có chủ nuôi ở đó. Các lồng bè ngoài vi phạm pháp luật hàng hải còn nhiều vi phạm khác như chưa được địa phương cấp phép hoạt động; chưa được giao khu vực biển; vi phạm khu vực biên giới biển, thủy nội địa; vi phạm pháp luật thủy sản, tài nguyên môi trường…Việc xử lý vi phạm hành chính nếu chỉ ở lĩnh vực hàng hải chưa thể toàn diện, triệt để các vi phạm. Bên cạnh đó rất nhiều trường hợp phải cưỡng chế cần lực lượng Công an, Biên phòng, chính quyền địa phương tham gia với số lượng nhân lực, phương tiện lớn. Để xử lý triệt để, toàn diện việc nuôi trồng thủy sản không phép trong vùng nước cảng biển cần sự phối hợp vào cuộc của tất cả các ngành, các cấp như chỉ đạo tại Văn bản số 2301/VP-TL ngày 8/4/2024; Quyết định số 06/2024/QĐ-UBND tỉnh Quảng Ninh ngày 18/1/2024”, ông Nguyễn Anh Vũ thông tin.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch UBND TX Quảng Yên Nguyễn Văn Bắc cho biết, việc xuất hiện số bè nuôi hàu ở địa bàn khu vực biên giới biển Hải Phòng xuất phát từ việc thời gian trước đó, đại đa số bè đang được nuôi hàu tại các địa bàn khác như Quảng Ninh, Thái Bình. Tuy nhiên trong thời gian này, nước ở các khu vực đang nuôi có độ mặn lớn, không phù hợp với đặc tính của con hàu, nên các chủ nuôi đã kéo bè về các cửa sông thuộc địa bàn khu vực biên giới biển của Hải Phòng do ở đây môi trường nước phù hợp với sự sinh trưởng, phát triển của hàu. Đến khoảng tháng 5, tháng 6 khi mưa xuống, nước từ đầu nguồn đổ về nhiều, nước ở các cửa sông sẽ bị ngọt hóa, không còn phù hợp với sự phát triển của hàu, người dân sẽ tiếp tục kéo bè về lại các khu vực nuôi trước đây vì thời điểm này nước ở các khu vực này đã giảm độ mặn. Trước thực trạng các hộ trên địa bàn TX Quảng Yên vi phạm, đã tiến hành lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền và yêu cầu các hội nuôi, kéo ra khỏi vùng nuôi không đúng quy định.

Các bè được làm bằng tre và phao xốp. Ảnh Hải Yến

Các bè được làm bằng tre và phao xốp. Ảnh Hải Yến

Cũng theo ông Bắc, trên địa bàn TX Quảng Yên trước đây không có vùng nước nào được quy hoạch là vùng nuôi trồng thủy sản nên việc nuôi trồng thủy sản của người dân chủ yếu là tự phát. Vừa qua, tỉnh Quảng Ninh đã quy hoạch cho thị xã vùng nuôi trồng thủy sản tập trung nên các phòng, ban chuyên môn đã hướng dẫn người dân làm thủ tục xin cấp phép nuôi trồng cũng như bố trí điểm nuôi. Để bảo vệ môi trường, các hộ dân sẽ phải tuân thủ theo quy định không được sử dụng bè nuôi bằng tre, xốp mà chuyển sang làm bè nuôi bằng nhựa HDPE. Dự kiến trong tháng 5 sẽ bàn giao thực địa cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức. Sau khi đã bàn giao mặt biển cho các hộ dân ổn định sinh kế, thời hiệu gia hạn cho các hộ dân nuôi trồng thủy sản tự phát kết thúc, nếu các hộ không đăng ký nuôi mới và không di chuyển về điểm nuôi tập trung, UBND TX Quảng Yên sẽ giao các phòng, ban chuyên môn kết hợp cùng chính quyền địa phương kiểm tra, lập biên bản xử phạt và buộc tháo dỡ.

Vĩnh Quân - Hải Yến

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hai-phong-xu-ly-tinh-trang-nuoi-trong-thuy-san-trai-phep-tren-song-bach-dang.html