Hải quan: Bao bì cũ không làm thay đổi xuất xứ điều thô nhập khẩu

Trước phản ánh về việc nhập khẩu điều thô từ châu Phi dùng bao bì cũ có xuất xứ khác, Cục Hải quan cho biết, việc kiểm dịch thực vật và xác minh xuất xứ là hai hoạt động độc lập. Cơ quan này cũng hướng dẫn về yêu cầu ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu và khuyến nghị doanh nghiệp tuân thủ để tránh bị phạt.

Trước những phản ánh của Hiệp hội điều Việt Nam và Hội điều Bình Phước về việc nhập khẩu điều thô từ châu Phi dùng bao bì cũ có xuất xứ từ nước khác, Cục Hải quan đã có phản hồi và hướng dẫn cụ thể.

Đối với quy định về kiểm dịch thực vật, tại khoản 3 điều 3 Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật thì “Kiểm dịch thực vật là hoạt động ngăn chặn, phát hiện, kiểm soát đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải kiểm soát và sinh vật gây hại lạ”.

Tại khoản 1 điều 3 Nghị định 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa có ghi “Xuất xứ hàng hóa là nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó”.

Như vậy, việc kiểm tra xác minh xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa và việc kiểm dịch thực vật là hai hoạt động quản lý chuyên ngành riêng biệt. Việc kiểm dịch được thực hiện độc lập, căn cứ vào quy định pháp luật chuyên ngành về kiểm dịch thực vật, không phụ thuộc vào kết quả xác minh xuất xứ hay xử lý vi phạm của cơ quan hải quan.

Việc cơ quan kiểm dịch chờ kết quả kiểm tra xác minh, nguồn gốc xuất xứ của lô hàng cũng như biện pháp xử lý hành vi vi phạm (nếu có) của cơ quan hải quan làm cơ sở để giải quyết thủ tục kiểm dịch đối với lô hàng nhập khẩu là không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan và không có cơ sở pháp lý.

Nhân công chế biến điều. Ảnh: TL

Nhân công chế biến điều. Ảnh: TL

Liên quan đến quy định đưa hàng về bảo quản, khoản 1 điều 32 Thông tư 38/2015/TT-BTC quy định, nếu cơ quan kiểm dịch cho phép đưa hàng về kiểm dịch tại điểm nội địa thì cơ quan hải quan sẽ căn cứ vào xác nhận trên giấy đăng ký kiểm dịch hoặc giấy tạm cấp kết quả kiểm dịch thực vật (với hàng có nguồn gốc thực vật) hoặc chứng từ liên quan để cho phép đưa hàng về địa điểm kiểm dịch. Khi có kết luận từ cơ quan chuyên ngành, cơ quan hải quan sẽ quyết định thông quan hàng hóa.

Trường hợp có vướng mắc về thủ tục kiểm dịch thực vật với lô hàng điều nhập khẩu, Cục Hải quan đề nghị Hiệp hội điều Việt Nam làm việc với Bộ Nông nghiệp và Môi trường để được hướng dẫn, xử lý.

Với quy định ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu, Cục Hải quan cho biết, theo khoản 3 điều 3 Nghị định 43/2017/NĐ-CP, nhãn gốc của hàng hóa là nhãn do tổ chức, cá nhân sản xuất gắn lần đầu lên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm. Điều 10 nghị định này (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP) quy định, nhãn gốc hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam phải thể hiện bằng tiếng nước ngoài hoặc tiếng Việt các nội dung gồm tên hàng hóa, xuất xứ, tên hoặc tên viết tắt của tổ chức/cá nhân sản xuất hoặc chịu trách nhiệm ở nước ngoài.

Khi làm thủ tục thông quan, cơ quan hải quan sẽ căn cứ quy định hiện hành và đối chiếu thực tế lô hàng để kiểm tra các nội dung bắt buộc trên nhãn gốc.

Điều 15 Nghị định 43 (sửa đổi, bổ sung tại khoản 7 Điều 1 Nghị định 111) quy định, tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa, đảm bảo trung thực, chính xác và tuân thủ quy định về xuất xứ hàng hóa cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Vì vậy, căn cứ quy định hiện hành và kiến nghị của hiệp hội, Cục Hải quan cho biết, nếu doanh nghiệp sử dụng bao bì cũ có dán nhãn hàng hóa thì nhãn gốc của hàng hóa nhập khẩu khi làm thủ tục hải quan phải thể hiện đầy đủ các nội dung bắt buộc theo Điều 10 Nghị định 43. Cơ quan hải quan sẽ kiểm tra, đối chiếu nội dung nhãn với hồ sơ và thực tế lô hàng.

Trường hợp nhãn gốc hàng hóa không đầy đủ hoặc ghi không đúng nội dung bắt buộc khi làm thủ tục thông quan sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Cục Hải quan đề nghị Hiệp hội điều Việt Nam hướng dẫn cho doanh nghiệp thành viên thực hiện theo quy định hiện hành và liên hệ với chi cục hải quan nơi làm thủ tục để được hỗ trợ cụ thể.

Nếu phát sinh vướng mắc liên quan đến ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu, hiệp hội liên hệ Bộ Khoa học và Công nghệ - cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định 43 và Nghị định 111 - để được hướng dẫn chi tiết.

Thùy Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/hai-quan-bao-bi-cu-khong-lam-thay-doi-xuat-xu-dieu-tho-nhap-khau/