Tình hình khu vực Trung Đông mà cụ thể là tại eo biển Hormuz vẫn diễn ra vô cùng căng thẳng trước nguy cơ Iran sẽ tiếp tục bắt giữ tàu thương mại mang cờ Anh và Mỹ đi qua đây.
Lực lượng hộ tống của hải quân Anh gồm khinh hạm HMS Monstroe và khu trục hạm HMS Duncan được cho là quá ít ỏi và không thể bao phủ cả khu vực rộng lớn.
Trước tình hình trên, hải quân Mỹ và Anh đã có lời kêu gọi các quốc gia châu Âu đưa chiến hạm của mình tới eo biển Hormuz để đảm bảo quyền tự do đi lại qua đây.
Trong diễn biến mới nhất, một tàu chiến chưa rõ tên định danh cũng như chủng loại của hải quân Pháp đã bất ngờ xuất hiện tại eo biển Hormuz để tham gia đội hộ tống tàu hàng.
Chưa dừng lại ở đây, chính phủ Đức cũng vừa bày tỏ sự quan ngại về những căng thẳng đang diễn ra tại eo biển Hormuz và cho biết sẽ sớm gửi chiến hạm tới điểm nóng.
Cụ thể, Đức có thể sẽ sát cánh cùng liên quân gồm Anh, Pháp, Italia, Hà Lan và Đan Mạch bảo vệ tàu thương mại hoạt động ở khu vực này, đặc biệt là tại eo biển Hormuz đang bị Iran khống chế.
Ngoại trừ Anh đã công khai cử các tàu chiến tới vùng Vịnh thì hiện chưa rõ 5 quốc gia châu Âu còn lại sẽ cử bao nhiêu tàu chiến tham gia sứ mệnh, chỉ biết chắc chắn đều là những chiến hạm hiện đại bậc nhất thế giới.
Nhiều khả năng hải quân Pháp sẽ gửi tàu đổ bộ tấn công mang trực thăng lớp Mistral hoặc tàu sân bay Charles de Gaulle tới để làm soái hạm của lực lượng tác chiến châu Âu tại vùng Vịnh.
Trong đó phương án đưa tàu đổ bộ Mistral được đánh giá là tối ưu, bởi vì con tàu này được xem như một căn cứ nổi cung cấp cả năng lực tác chiến lẫn đảm bảo hậu cần cho liên quân.
Nhóm tác chiến lâm thời của hải quân châu Âu tại vịnh Ba Tư sẽ phối hợp chặt chẽ với hải quân Mỹ tạo thành gọng kìm thứ hai để gây sức ép mạnh mẽ lên Iran.
Số lượng lớn chiến hạm tối tân của Mỹ và châu Âu hiện diện tại eo biển Hormuz theo đánh giá sẽ đủ để bao phủ kín các điểm nóng mà xuồng cao tốc Iran có thể bất ngờ tập kích.
Ngoài vai trò hộ tống tàu thương mại, giới quân sự cho biết một khi Iran tiếp tục thực hiện các hành động gây hấn, liên quân có thể phản ứng nhanh ngăn chặn và thậm chí tấn công phủ đầu.
Đối đầu với lực lượng hải quân hiện đại và hùng hậu của Mỹ và các quốc gia châu Âu kể trên thì hải quân Iran gần như không có bất cứ một cơ hội nào để chống đỡ.
Đó là chưa kể hải quân các quốc gia Arab đồng minh với Mỹ cùng với lực lượng tác chiến của quân đội Israel luôn sẵn sàng tham gia trợ chiến nếu có yêu cầu.
Tình hình hiện nay có vẻ đang vượt ra ngoài khả năng kiểm soát của Iran, Tehran chắc hẳn không lường trước châu Âu lại đưa ra phản ứng mạnh đến vậy sau khi họ bắt giữ tàu chở dầu của Anh.
Việt Dũng