Hải quan chỉ làm thủ tục xuất khẩu khẩu trang y tế khi có giấy phép
Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) vừa có công điện đề nghị Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ làm thủ tục xuất khẩu khẩu trang y tế cho doanh nghiệp được Bộ Y tế cấp phép xuất khẩu mặt hàng này với mục đích viện trợ nhân đạo, hỗ trợ quốc tế do Chính phủ Việt Nam thực hiện.
Trong trường hợp doanh nghiệp chế xuất - nếu có giấy chứng nhận đầu tư kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền cấp và doanh nghiệp thực hiện hoạt động gia công cho nước ngoài nếu hợp đồng gia công ký trước ngày 1/3 được thực hiện việc xuất khẩu khẩu trang y tế.
Để giám sát việc xuất khẩu khẩu trang y tế ra nước ngoài trong bối cảnh trong nước gặp rất nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu sản xuất khẩu trang, cũng như nguồn hàng bán cho người dân, Cục Giám sát quản lý về hải quan đề nghị các đơn vị kiểm tra thực tế đối với các lô hàng hóa xuất khẩu khai báo là khẩu trang, không dùng trong y tế; đối chiếu với tiêu chuẩn khẩu trang y tế do Bộ Khoa học Công nghệ ban hành để xác định thực tế hàng hóa.
Cục Giám sát quản lý về hải quan đang hoàn thiện văn bản trình Tổng cục Hải quan ký ban hành hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Nghị quyết 20/NQ-CP về cấp giấy phép xuất khẩu đối với khẩu trang y tế đến các Cục Hải quan tỉnh, thành phố để triển khai được thống nhất theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Ngày 28/2, Chính phủ ban hành Nghị quyết 20/NQ-CP về việc áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, Bộ Y tế phải áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19 và chỉ cho phép xuất khẩu với mục đích viện trợ, hỗ trợ quốc tế do Chính phủ Việt Nam thực hiện (tối đa 25% sản lượng cho xuất khẩu, 75% sản lượng dành cho công tác phòng, chống dịch bệnh trong nước). Không áp dụng quy định trên đối với hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp chế xuất đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và doanh nghiệp gia công khẩu trang y tế cho thương nhân nước ngoài đã ký hợp đồng gia công trước ngày 1/3.
Chính phủ giao Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) phối hợp giám sát việc xuất khẩu khẩu trang y tế. Các cơ sở sản xuất có trách nhiệm báo cáo về năng lực sản xuất theo yêu cầu của Bộ Y tế.
Theo tính toán của ngành Công Thương, hiện nay, nhu cầu trong cả nước đối với loại khẩu trang 3 lớp cho cộng đồng dân cư vào khoảng 100 tấn/tháng, tương đương khoảng 150 triệu chiếc. Tuy nhiên, nhiều đơn vị sản xuất khẩu trang y tế trên cả nước đang phải sản xuất cầm chừng, thậm chí có doanh nghiệp đã dừng hoạt động do không nhập khẩu được nguồn nguyên liệu để sản xuất.
Trong giai đoạn tiếp theo, theo đánh giá của Bộ Tài chính, Việt Nam vẫn cần trang bị các vật dụng thiết bị cần thiết dùng cho phòng chống lây nhiễm dịch bệnh, trong đó có khẩu trang. Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Y tế chỉ đạo tìm nguồn để nhập khẩu khẩu trang đáp ứng nhu cầu ở trong nước.
Trong khi nhiều doanh nghiệp khẳng định không đủ nguyên liệu sản xuất khẩu trang phục vụ nhu cầu trong nước thì cơ quan chức năng gần đây liên tục phát hiện và bắt giữ hàng chục tấn khẩu trang y tế đang chờ xuất khẩu. Theo thông tin từ Chi cục Hải quan Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất (thuộc Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh), từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, xuất khẩu khẩu trang qua đường hàng không tăng mạnh. Chỉ tính riêng từ ngày 30/1 - 4/2, Chi cục đã làm thủ tục xuất khẩu khoảng 36 tấn khẩu trang. Về xuất xứ nguồn nhập, Hải quan Tân Sơn Nhất cho biết số khẩu trang trên được xuất khẩu đi Hồng Kông, Trung Quốc, Singapore, Malaysia, trong đó chủ yếu xuất khẩu sang Hồng Kông, Trung Quốc.
Còn thống kê của Cục Hải quan Lạng Sơn cho hay, từ ngày 1/1 - 3/2, các đơn vị hải quan trên địa bàn tỉnh đã làm thủ tục hải quan cho 15 bộ tờ khai với số lượng 3.970.000 chiếc, trị giá 92.137 USD được các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu cho các lô hàng hóa là khẩu trang y tế của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.