Hải quan Khu vực II dẫn đầu thu ngân sách toàn ngành
Chi cục Hải quan Khu vực II đã thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 29.650 tỷ đồng trong quý I/2025, chiếm khoảng 30% tổng thu ngân sách của toàn ngành.
Chi cục Hải quan Khu vực II vừa có Báo cáo số 213/HQKV2-KSHQ gửi Cục Hải quan về việc rà soát, đánh giá tình hình chống buôn lậu, gian lận thương mại tại địa bàn quản lý (TP. Hồ Chí Minh) trong quý I/2025.
Theo đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn đơn vị trong quý I/2025 đạt khoảng 26,84 tỷ USD, trong đó, kim ngạch có thuế đạt khoảng 7,49 tỷ USD. Chi cục tiếp nhận và xử lý tổng cộng 818.767 tờ khai xuất nhập khẩu, với 44.188 doanh nghiệp tham gia làm thủ tục hải quan.

Trong quý I/2025, Chi cục Hải quan Khu vực II đã thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 29.650 tỷ đồng. Ảnh minh họa
Về hoạt động xuất nhập cảnh, địa bàn quản lý có 2.504 lượt tàu biển và 25.413 lượt tàu bay, với tổng số hành khách xuất nhập cảnh đạt 4.369.752 lượt người. Tổng số thu ngân sách nhà nước trong quý I đạt 29.650,5 tỷ đồng, tương đương 22,8% dự toán cả năm được giao (130.000 tỷ đồng).
Qua công tác kiểm soát, đơn vị ghi nhận nhiều phương thức, thủ đoạn vi phạm phổ biến và ngày càng tinh vi. Các đối tượng lợi dụng chữ ký số, hệ thống phân luồng, loại hình xuất nhập khẩu kinh doanh, sản xuất xuất khẩu, gia công, các hình thức tạm nhập - tái xuất, hàng miễn thuế, kho ngoại quan... để gian lận.
Hành vi vi phạm bao gồm: giả mạo hồ sơ, khai sai mã số hàng hóa, thuế suất, số lượng, trọng lượng, trị giá, xuất xứ; vi phạm quy định ghi nhãn; sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh để vận chuyển hàng hóa cấm và hàng có giá trị cao như kim cương, ma túy...
Trên tuyến hàng không, đặc biệt tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - nơi chiếm khoảng 60% tổng lượng hành khách xuất nhập cảnh của cả nước - các đối tượng thường lợi dụng chính sách tạo thuận lợi của cơ quan Hải quan để vận chuyển trái phép chất ma túy.
Tuyến đường biển, tập trung tại các cảng lớn như Cát Lái, Hiệp Phước, Phước Long ICD, VICT,... là nơi các đối tượng thường xuyên khai sai tên hàng, chất lượng, trị giá, mã số, xuất xứ. Hình thức tạm nhập - tái xuất, quá cảnh thường bị lợi dụng để đưa hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vào nội địa.
Các mặt hàng trọng điểm bao gồm: thời trang giả nhãn hiệu nổi tiếng (quần áo, túi xách, giày dép), thực phẩm kém chất lượng, thuốc tân dược, linh kiện điện tử, máy móc kim khí, sắt thép, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, đệm mút, gạch men, phụ tùng ô tô, thực phẩm chức năng... Nhiều hàng hóa có dấu hiệu giả mạo xuất xứ Việt Nam nhằm mục đích trốn thuế, gian lận thương mại hoặc chuyển tải bất hợp pháp sang nước thứ ba.
Chi cục hiện đang quản lý và sử dụng tổng cộng 210 hồ sơ nghiệp vụ kiểm soát hải quan, trong đó có 112 hồ sơ điều tra nghiên cứu, 63 hồ sơ sưu tra, 29 hồ sơ chuyên án, và 6 hồ sơ cơ sở bí mật. Ngoài ra, còn có 92 hồ sơ đã kết thúc, thanh loại.
Về nhân sự, theo quyết định 84/QĐ-CHQ ngày 13/3/2025, Chi cục được giao 1.625 biên chế. Tuy nhiên, đến ngày 5/4/2025, số lượng công chức thực tế là 1.438 người, trong đó chỉ có 157 người trực tiếp làm công tác kiểm soát hải quan. Dự báo, lực lượng này tiếp tục giảm do nghỉ hưu trước tuổi và điều chuyển theo sắp xếp tổ chức.
Theo thống kê của Cục Hải quan, tổng thu ngân sách nhà nước ngành trong quý I/2025 đạt 98.495 tỷ đồng, bằng 24% dự toán được giao, đạt 21% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2024.