Hải quan khu vực XIV: Kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tăng 35,1%
Kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn Chi cục Hải quan khu vực XIV đạt 1.989,59 triệu USD, tăng 35,1% trong 6 tháng đầu năm 2025, nhờ sự quản lý hiệu quả của lực lượng Hải quan và sự đồng hành từ Bộ Tài chính, Cục Hải quan cùng cộng đồng doanh nghiệp.
Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức, Chi cục Hải quan khu vực XIV, quản lý địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng), đã ghi dấu ấn với kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm 2025. Với sự chỉ đạo sát sao từ Bộ Tài chính, Cục Hải quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, cùng sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, đơn vị đã triển khai hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, đạt nhiều chỉ tiêu quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu và thu ngân sách nhà nước.
Theo thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn đạt 1.989,59 triệu USD, tăng 35,1% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, Đắk Lắk dẫn đầu với 830,13 triệu USD (tăng 55,19%), tiếp đến là Lâm Đồng (630,66 triệu USD, tăng 33,92%), Đắk Nông (234,01 triệu USD, trong đó 0,276 triệu USD kim ngạch biên giới, tăng 53,31%), Kon Tum (162,25 triệu USD, tăng 11,16%). Riêng Gia Lai ghi nhận kim ngạch 132,53 triệu USD, giảm 21,24% so với cùng kỳ.
Số lượng doanh nghiệp tham gia làm thủ tục hải quan qua địa bàn đạt 510 doanh nghiệp, tăng 10,63% (tương đương 49 doanh nghiệp) so với cùng kỳ. Kon Tum có mức tăng mạnh nhất với 230 doanh nghiệp (tăng 48), Gia Lai tăng 9 (45 doanh nghiệp), Đắk Nông tăng 1 (21 doanh nghiệp). Trong khi đó, Đắk Lắk giảm 8 doanh nghiệp (37 doanh nghiệp) và Lâm Đồng giảm 1 (177 doanh nghiệp). Tổng số tờ khai XNK đạt 17.652, tăng 20,52%, trong đó có 191 tờ khai biên giới. Gia Lai dẫn đầu với 2.786 tờ khai (tăng 40,92%), tiếp đến là Đắk Lắk (4.018 tờ khai, tăng 38,50%), Kon Tum (2.415 tờ khai, tăng 20,09%), Lâm Đồng (7.603 tờ khai, tăng 11,68%). Riêng Đắk Nông giảm 12,54%, đạt 830 tờ khai, bao gồm 191 tờ khai biên giới.

Công chức Hải quan Buôn Ma Thuột làm việc với doanh nghiệp trên địa bàn. Ảnh: Lạc Nguyên
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực qua địa bàn gồm alumin, ôxít nhôm, cà phê, cao su, hồ tiêu, sản phẩm gỗ, hoa tươi, nông sản, phân bón và sắt thép. Nhập khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị, nguyên liệu sản xuất, cao su tự nhiên, năng lượng điện, tinh bột sắn, trái cây tươi và hạt điều thô.
Về phương tiện vận tải, tổng lượt xuất nhập cảnh đạt 42.053 lượt, tăng 19,85%. Trong đó, cửa khẩu đường bộ chiếm 41.671 lượt (tăng 21,42%), với cửa khẩu Buprăng tăng 89,29% (1.927 lượt), Lệ Thanh tăng 38,61% (11.871 lượt) và Bờ Y tăng 12,75% (27.873 lượt).
Tuy nhiên, Cảng Hàng không Liên Khương giảm 50,33%, chỉ đạt 382 lượt. Lượt hành khách xuất nhập khẩu đạt 411.535, giảm 4,78%, với cửa khẩu đường bộ tăng 15,4% (371.220 lượt), nhưng Liên Khương giảm mạnh 63,52% (40.315 lượt).
Về quản lý thuế, Chi cục Hải quan khu vực XIV đã triển khai hiệu quả các giải pháp thu ngân sách nhà nước theo chỉ đạo của Bộ Tài chính và Cục Hải quan. Tổng thu ngân sách nhà nước đến 19/6/2025 đạt 375,22 tỷ đồng, hoàn thành 44,14% chỉ tiêu Chính phủ (850 tỷ đồng) và 38,3% chỉ tiêu phấn đấu của Cục Hải quan (980 tỷ đồng), giảm 15,5% so với cùng kỳ. Ước tính đến 30/6/2025, thu ngân sách nhà nước đạt 396 tỷ đồng, đạt 46,6% chỉ tiêu Chính phủ và 40,4% chỉ tiêu phấn đấu. Trong đó, Lâm Đồng dẫn đầu với 146,79 tỷ đồng (tăng 23,6%), Kon Tum đạt 115,5 tỷ đồng (giảm 6,8%), Đắk Nông đạt 79,72 tỷ đồng (tăng 26,1%), Đắk Lắk đạt 22,21 tỷ đồng (giảm 62%) và Gia Lai đạt 11 tỷ đồng (giảm 86%). Nguồn thu chủ yếu từ thuế xuất nhập khẩu alumin, ôxít nhôm, máy móc, thiết bị, cao su, phân bón và năng lượng điện.
Công tác miễn, giảm, hoàn thuế được thực hiện đúng quy định, với 14 hồ sơ hoàn thuế và 9 hồ sơ không thu thuế. Đơn vị cũng thu hồi toàn bộ nợ thuế và phạt vi phạm hành chính phát sinh trong năm 2025, dù vẫn còn 111,7 tỷ đồng nợ thuế từ Công ty TNHH Phát triển Hạ tầng Thanh Bình Kon Tum (khoanh nợ từ 2012).
Để đạt kết quả trên, Chi cục Hải quan khu vực XIV đã tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp, rà soát thông tin thuế, xử lý sai sót kịp thời, đồng thời ban hành kế hoạch kiểm tra hàng hóa miễn thuế năm 2025. Trong 6 tháng cuối năm, đơn vị sẽ tiếp tục quản lý thuế chặt chẽ, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước, góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực Tây Nguyên.