Kinh tế toàn cầu lại bị tác động vòng thuế mới của ông Trump?

Trong một động thái gây chấn động các thị trường quốc tế, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8-7 chính thức công bố mức thuế quan bổ sung từ 25-40% với hàng hóa nhập khẩu từ 14 quốc gia, trong đó có nhiều nền kinh tế châu Á. Quyết định này làm dấy lên lo ngại về một vòng xoáy mới của xung đột thương mại toàn cầu, đồng thời đặt Việt Nam và các nước khu vực vào thế khó xử về cả chiến lược xuất khẩu lẫn chính sách kinh tế vĩ mô.

Ngay từ khi quay lại Nhà Trắng đầu năm 2025, ông Donald Trump đã phát tín hiệu về một chính sách thương mại cứng rắn hơn. Sau nhiều tháng cảnh báo, ngày 8-7, ông chính thức ký lệnh áp thuế mới nhằm vào 14 nền kinh tế, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Bangladesh, Thái Lan, Nam Phi…

Mức thuế dao động từ 25% (với Nhật Bản và Hàn Quốc) đến 40% (với các nước được cho là có nguy cơ “trốn thuế” qua trung gian hoặc gây thâm hụt thương mại lớn với Mỹ).

Mặc dù Trung Quốc không có tên chính thức trong danh sách, giới quan sát cho rằng động thái của ông Trump gián tiếp siết vòng kim cô lên Trung Quốc thông qua các đối tác và tuyến chuỗi cung ứng phụ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Nhật Bản và Hàn Quốc là hai trong số các đồng minh chiến lược của Mỹ, nhưng lại nằm trong nhóm bị đánh thuế 25%, chủ yếu nhắm vào xe hơi, sản phẩm thép và linh kiện điện tử.

Các cuộc đàm phán song phương đang được đẩy mạnh, nhưng Tokyo và Seoul vẫn lưỡng lự trước yêu cầu từ phía Mỹ về “mở cửa thị trường tài chính và công nghệ” – vốn nhạy cảm về chính trị.

Điều đáng chú ý là ông Trump cũng gửi thư riêng cho Thủ tướng Nhật, đe dọa mức thuế có thể tăng lên tới 35% nếu không đạt thỏa thuận trước hạn 9-7, một động thái hiếm thấy trong quan hệ giữa hai nước đồng minh lâu đời.

Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Bangladesh đều nằm trong nhóm bị áp thuế cao nhất (35–40%). Các nước này vốn là điểm đến của làn sóng chuyển dịch sản xuất khỏi Trung Quốc từ sau đại dịch Covid-19 và các đợt đánh thuế Trump nhiệm kỳ trước. Nay, chính các lợi thế này lại khiến họ lọt vào "tầm ngắm".

Mức thuế cao không chỉ làm sụt giảm kim ngạch xuất khẩu mà còn đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang định hình lại theo hướng “Trung Quốc + 1”. Các doanh nghiệp FDI sẽ buộc phải tính toán lại chiến lược đầu tư nếu các nước Đông Nam Á không đàm phán thành công với Mỹ trong thời gian rất ngắn còn lại.

Việt Nam, vốn từng được hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển khỏi Trung Quốc và có mức tăng trưởng xuất khẩu mạnh vào Mỹ, nay cũng bị cuốn vào cơn lốc thuế quan. Dù không nằm trong nhóm cao nhất, Việt Nam vẫn đối diện với mức thuế bổ sung 20%, được xem là "kết quả đàm phán tương đối thành công", so với mức ban đầu là 46%.

Tuy nhiên, Mỹ cũng cảnh báo sẽ áp mức thuế 40% nếu phát hiện bằng chứng hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam để né thuế. Đây là một rủi ro lớn đối với ngành điện tử, dệt may, và đồ gỗ – những lĩnh vực có chuỗi cung ứng phức tạp và phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu từ Trung Quốc.

Không chỉ vậy, các doanh nghiệp Việt Nam còn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trong khu vực. Khi hàng hóa từ các nước như Thái Lan hay Malaysia bị đánh thuế cao hơn, một số dòng sản phẩm Việt có thể hưởng lợi trong ngắn hạn. Tuy nhiên, lợi thế này sẽ không bền vững nếu chuỗi cung ứng bị gián đoạn hoặc Mỹ siết kiểm tra xuất xứ gắt gao hơn.

Chính sách thuế mới không chỉ tác động trực tiếp đến các quốc gia bị đánh thuế, mà còn gây hiệu ứng lan tỏa toàn cầu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo đợt áp thuế mới có thể làm giảm 0,3 điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025 nếu căng thẳng kéo dài, đặc biệt nếu các nước bị ảnh hưởng đáp trả bằng các biện pháp thuế quan tương tự.

Các doanh nghiệp đa quốc gia đang đau đầu tính toán lại chi phí vận hành, chuyển hướng đơn hàng, và thậm chí cân nhắc quay trở lại sản xuất nội địa ở Mỹ nếu chi phí thuế quá cao.

Điểm đáng chú ý trong chính sách của ông Trump là sự chính trị hóa các mối quan hệ thương mại, khi thuế quan không chỉ nhằm bảo vệ nền sản xuất trong nước mà còn trở thành công cụ ép buộc các quốc gia phải tái cấu trúc quan hệ với Mỹ – từ đầu tư, tiền tệ đến quốc phòng.

Vinh Trang

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/kinh-te-toan-cau-lai-bi-tac-dong-vong-thue-moi-cua-ong-trump-post124157.html