Hải quan thu ngân sách bằng 106,17% chỉ tiêu dự toán
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, đến hết ngày 18/12/2018, toàn ngành Hải quan đã thu ngân sách Nhà nước đạt trên 300.481 nghìn tỷ đồng, vượt hơn 17 nghìn tỷ đồng và bằng 106,17% chỉ tiêu dự toán thu năm 2018 được giao.
Ngày 29/11/2017, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 2465/QĐ-BTC giao chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước năm 2018 cho ngành Hải quan là 283.000 tỷ đồng. Đây là chỉ tiêu rất cao, nhất là trong điều kiện nhiều nguồn thu thuế có chiều hướng liên tục giảm do tác động của các Hiệp định thương mại tự do đã dẫn đến giảm thu từ hàng hóa nhập khẩu.
Để hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu được giao, ngay từ đầu năm, Tổng cục Hải quan đã ban hành Chỉ thị về việc triển khai nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm 2018 và giao chỉ tiêu phấn đấu thu ngân sách Nhà nước, chỉ tiêu thu hồi nợ cho từng Cục Hải quan tỉnh, thành phố. Đồng thời hướng dẫn, đôn đốc các Cục hải quan thực hiện tổ chức phân loại, xuất xứ, quản lý nợ thuế...
Đặc biệt, với mục tiêu tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế, Tổng cục Hải quan đã thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác với 39 ngân hàng trong đó có 24 ngân hàng đã thực hiện thí điểm nộp thuế điện tử 24/7. Việc triển khai nộp thuế điện tử 24/7 đã bổ sung thêm kênh thanh toán tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi thực hiện nộp tiền vào ngân sách Nhà nước.
Nhờ đó, kết quả thu ngân sách Nhà nước của ngành Hải quan đạt rất cao. Cụ thể, đến hết ngày 18/12/2018, toàn ngành đã thu ngân sách Nhà nước đạt trên 300.481 nghìn tỷ đồng, vượt hơn 17 nghìn tỷ đồng và bằng 106,17% chỉ tiêu dự toán thu năm 2018 được giao.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, đến thời điểm hiện nay đã có 28/35 Cục hải quan địa phương đạt chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước được giao, gồm các Cục hải quan: Hải Phòng, Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Quảng Nam, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Nam Ninh, Long An, Hà Tĩnh, Lào Cai, Nghệ An, Tây Ninh, Quảng Ngãi, Bình Định, Thừa Thiên Huế, Bình Phước, Đắk Lắk, Hà Giang, Cao Bằng, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Quảng Bình, Đồng Tháp, Điện Biên. Trong đó có 18 Cục hải quan hoàn thành cả 2 chỉ tiêu (Chỉ tiêu chính và chỉ tiêu giao bổ sung) là các Cục hải quan: Hải Phòng, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Hà Nam Ninh, Long An, Lào Cai, Tây Ninh, Quảng Ngãi, Huế, Bình Phước; Đắk Lắk, Cao Bằng, An Giang, Đồng Tháp, Quảng Bình, Điện Biên.
Mặc dù đã thực hiện thu ngân sách Nhà nước vượt chỉ tiêu đề ra, song hiện nay ngành Hải quan vẫn đang tích cực triển khai các giải pháp để tiếp tục nâng cao số thu. Tổng cục Hải quan chỉ đạo các Cục hải quan địa phương đẩy mạnh các giải pháp tăng thu, chống thất thu ngân sách, tăng cường thu hồi nợ thuế. Đồng thời, tập trung rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế của các chi cục trực thuộc; phân loại các nhóm nợ có khả năng thu, nợ không có khả năng thu, mỗi nhóm nợ có đánh giá chi tiết từng khoản nợ theo từng tờ khai, từng doanh nghiệp nợ…
Bên cạnh đó, Hải quan các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra tên hàng, mã số, mức thuế tại khâu thông quan, sau thông quan để phát hiện và xử lý các trường hợp khai sai mã số, khai ngụy trang tên hàng hoặc khai tên hàng không rõ ràng để được áp dụng mức thuế suất thấp. Tăng cường công tác kiểm tra trị giá đối với những mặt hàng có thuế suất cao, kim ngạch lớn, tập trung vào những mặt hàng tần suất nhập khẩu sẽ tăng cao vào những tháng cuối năm. Tăng cường công tác kiểm tra trị giá đối với những mặt hàng có thuế suất cao, kim ngạch lớn, tập trung vào những mặt hàng tần suất nhập khẩu sẽ tăng cao vào những tháng cuối năm.
Trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, ngành Hải quan sẽ phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong công tác chia sẻ thông tin, nắm bắt tình hình, tuần tra kiểm soát, xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ trong phòng ngừa và đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế.