Hải quan tích cực triển khai cơ chế ưu đãi thúc đẩy công nghiệp ô tô
Thực hiện chủ trương khuyến khích của Chính phủ về phát triển công nghiệp ô tô, ngành hải quan đã tích cực tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu các sản phẩm, linh kiện ô tô, trong đó có các chương trình ưu đãi thuế.
Đây là ý kiến của lãnh đạo Tổng cục Hải quan tại buổi Tọa đàm về chủ đề “Chính sách thuế và vai trò hải quan thúc đẩy công nghiệp ô tô Việt Nam”, ngày 3/11 với sự tham gia của đại diện Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Hiệp hội Doanh nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cùng hơn 100 doanh nghiệp (DN) có hoạt động liên quan đến nhập khẩu, rắp ráp, sản xuất và cung ứng linh kiện ô tô.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng cho biết, trong quá trình thực hiện Chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp xe ô tô đã có 13 DN đăng ký tham gia chương trình với số tiền thuế nhập khẩu được hoàn (các kỳ xét ưu đãi thuế từ ngày 16/11/2017 đến 31/12/2019) là 9.557 tỷ đồng, số tiền thuế hoàn theo kỳ xét ưu đãi từ 1/1/2020 đến hết ngày 30/6/2020 là 2.854 tỷ đồng.
Ông Lương Đức Toàn - Phó Trưởng phòng Công nghiệp chế biến chế tạo, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, nhờ những cơ chế hỗ trợ và nỗ lực bản thân, các DN sản xuất lắp ráp trong nước đã bước đầu khẳng định vai trò, vị trí đối với thị trường ô tô trong nước và đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất.
Tính đến hết năm 2019, cả nước có khoảng hơn 40 DN sản xuất, lắp ráp ô tô với sản lượng sản xuất lắp ráp trong nước đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe dưới 9 chỗ. Nhiều hãng lớn trên thế giới đã có hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Một số DN nội địa cũng đã tham gia sâu vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu. Một số loại sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Thái Lan, Philippines…
Ngành công nghiệp ô tô đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng tỷ USD một năm và giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động, còn chất lượng xe được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam hiện mới chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành ô tô, còn phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các tập đoàn ô tô toàn cầu, chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển… Trong khi đó, giá bán xe vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực, tỷ lệ nội địa hóa lại thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình trong khu vực.
Ông Lương Đức Toàn kỳ vọng việc triển khai tích cực Nghị định 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 về ưu đãi đối với nguyên liệu vật tư, linh kiện để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT), ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất lắp ráp ô tô giai đoạn năm 2020 – 2024 sẽ là giải pháp mạnh mẽ thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển, điều quan trọng là DN cần tận dụng được cơ hội đã được Chính phủ mở ra.
Đại diện cơ quan quản lý, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng tính toán, việc giảm thuế thực hiện theo Nghị định 57 trước mắt có thể giảm số thu từ thuế nhập khẩu nguyên liệu, linh kiện, vật tư nhưng sẽ góp phần thúc đẩy DN CNHT phát triển, từ đó tăng các khoản thu thuế nội địa khác như thuế thu nhập DN, thuế GTGT, góp phần tạo công ăn việc làm, đảm bảo an ninh xã hội, thu hút đầu tư đối với ngành CNHT, cải thiện cán cân thương mại, góp phần lan tỏa, thúc đẩy các ngành công nghiệp khác phát triển theo.
Hiện ngành hải quan vẫn tích cực triển khai thực hiện các chính sách đã được ban hành và kiến nghị tháo gỡ khó khăn phát sinh nhằm đồng hành cùng ngành CNHT ô tô ngày càng phát triển theo đúng mục tiêu đề ra.