Hải quan Việt Nam đẩy mạnh hợp tác phòng, chống ma túy
Tổng cục Hải quan nhận định, tội phạm ma túy xuyên quốc gia ngày càng phức tạp. Vì vậy, công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa ngành Hải quan với các cơ quan trong và ngoài nước là hết sức quan trọng để phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này.
Bóc gỡ nhiều đường dây ma túy xuyên quốc gia
Theo đó, ở trong nước, công tác phối hợp giữa lực lượng Hải quan và Công an (nòng cốt là lực lượng Cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về ma túy các cấp) đã đạt được kết quả tích cực, góp phần bóc gỡ nhiều đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia, bắt giữ nhiều đối tượng và thu giữ nhiều tang vật. Những tháng đầu năm 2023 có một số vụ việc điển hình trong hợp tác giữa cơ quan Công an và Hải quan trong bắt giữ đối tượng buôn ma túy được thực hiện tại sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Nội Bài.
Cụ thể, ngày 1/6/2023, các lực lượng chức năng đã phối hợp bắt quả tang đối tượng người Uganda về hành vi vận chuyển trái phép 5,6kg cocain cùng nhiều vật chứng liên quan, khi đối tượng vừa nhập cảnh tại sân bay Nội Bài. Trước đó, ngày 19/2/2023, tại sân bay Nội Bài, lực lượng chức năng bắt giữ một đối tượng người Gambia, thu giữ 4,9kg cocain.
Tại khu vực sân bay quốc tế Nội Bài, lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài cho biết, đơn vị tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trong địa bàn quản lý, sử dụng chó nghiệp vụ nhằm phát hiện kịp thời ma túy cất giấu trong hàng hóa, hành lý, trên các chuyến bay, tuyến đường trọng điểm. Đồng thời, đơn vị tăng cường công tác soi chiếu hàng hóa, hành lý nhập khẩu về qua Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; phối hợp với các lực lượng trong và ngoài ngành như Cục Điều tra chống buôn lậu; Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Cục CSĐT tội phạm về ma túy, Cục Cảnh sát kinh tế, Cục Quản lý xuất nhập cảnh; Công an TP Hà Nội… phát hiện nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là ma túy.
Kết quả, 7 tháng đầu năm 2023, ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp cùng với các lực lượng phát hiện 167 vụ/178 đối tượng. Tang vật thu được gồm 2,351kg thuốc phiện; 71,3kg cần sa; 81,3kg heroin; 321,3kg cocain; 179kg ketamin và 14.452 viên ketamin; 538,9kg ma túy tổng hợp và 224 viên ma túy tổng hợp; 2.393g ma túy khác và 990 viên ma túy khác (dạng viên).
Theo Tổng cục Hải quan, tình hình vận chuyển trái phép ma túy sẽ tiếp tục nóng trong thời gian tới. Do đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị tiếp tục tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, vùng biển, hàng không và địa bàn nội địa. Đồng thời, Tổng cục Hải quan và Cục CSĐT tội phạm về ma túy cũng đánh giá tình hình và đề ra giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy trên tuyến đường hàng không.
Thúc đẩy hợp tác phòng, chống ma túy với nước ngoài
Trong hợp tác với các cơ quan, tổ chức nước ngoài, mới đây, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng đã có buổi làm việc với ông Ryan McKean, Giám đốc Văn phòng Cục Phòng, chống ma túy (PCMT) và Thực thi pháp luật quốc tế (INL) tại Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội. Phó Tổng cục trưởng Lưu Mạnh Tưởng mong muốn thời gian tới, hai bên sẽ tăng cường hợp tác hơn nữa để thúc đẩy các hoạt động PCMT và thực thi pháp luật quốc tế.
Những năm gần đây, INL mở rộng quan hệ hợp tác với Hải quan Việt Nam, khởi đầu là các hoạt động tài trợ trong khuôn khổ Chương trình Kiểm soát container hợp tác với Cơ quan PCMT và Tội phạm của Liên Hợp quốc (UNODC), Chương trình Phòng, chống tội phạm trên biển (GMCP) hợp tác với UNODC và Chương trình Ngăn chặn nhanh toàn cầu đối với các chất nguy hiểm (GRIDS) hợp tác với Ủy ban Kiểm soát ma túy quốc tế (INCB). Đến tháng 9/2022, INL đề xuất hợp tác trực tiếp với Hải quan Việt Nam thông qua hình thức hỗ trợ đào tạo kỹ thuật nâng cao năng lực trong và ngoài nước cho các cán bộ thực thi pháp luật trên biển của Cục Điều tra chống buôn lậu.
Phát biểu tại buổi tiếp, Phó Tổng cục trưởng Lưu Mạnh Tưởng cho biết, những năm qua, kinh tế biển của Việt Nam đang có sự tăng trưởng mạnh nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho ngành Hải quan trong tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại và kiểm soát, thực thi pháp luật chuyên ngành đối với hàng hóa XNK. Trong đó, Hải quan Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều phương thức giao dịch mua bán hàng hóa mới, các thủ đoạn, buôn lậu xuyên biên giới của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là hàng cấm như ma túy, CITES ngày càng gia tăng… Vì vậy, thời gian tới, Hải quan Việt Nam mong muốn nhận được sự hợp tác từ INL nhằm mục tiêu kiểm soát chặt các hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại với các quốc gia trên thế giới.
Ông Ryan McKean nhấn mạnh, hiện nay tội phạm công nghệ cao, tội phạm ma túy, thực thi pháp luật trên biển đang đặt ra thách thức chung trên toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang ngày càng phát triển và có kim ngạch tăng mạnh, nhất là với thị trường Hoa Kỳ về gỗ. Bởi vậy, INL cũng mong muốn được tăng cường hợp tác với Hải quan Việt Nam để thúc đẩy hơn nữa các hoạt động PCMT và thực thi pháp luật quốc tế.