Hải quan Việt Nam – Nâng cao vị thế, mở rộng hợp tác
Cùng với xu thế hội nhập, công tác hợp tác, hội nhập quốc tế về hải quan của ngành Hải quan đã vào chiều sâu, thực chất, góp phần thúc đẩy tiến trình cải cách, phát triển và hiện đại hóa hải quan. Việc mở rộng hợp tác quốc tế đã góp phần nâng cao vị thế của Hải quan Việt Nam trên trường quốc tế.
Song hành với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao, trong những năm qua, quá trình hợp tác quốc tế của ngành Hải quan Việt Nam đã không ngừng được rộng, đẩy mạnh triển khai. Điển hình là trong giai đoạn 2011-2020, công tác hợp tác quốc tế của Hải quan Việt Nam đã có sự chuyển hóa rõ rết, từ việc tham gia thực thi cam kết, nghĩa vụ thành viên sang việc chủ động tích cực tham gia vào việc định hình cơ chế, thể chế hợp tác và luật chơi trên các diễn đàn đa phương với vai trò và vị thế ngày càng được khẳng định.
Các nhiệm vụ đề ra tại các Kế hoạch hợp tác và hội nhập quốc tế của ngành Hải quan trong giai đoạn này trên các khuôn khổ hợp tác đa phương như: ASEAN, APEC, ASEM, GMS, WCO được thực hiện đầy đủ và hiệu quả.
Điển hình như, Hải quan Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công các cuộc họp, hội nghị quan trọng, như: Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 23 (năm 2014), các cuộc họp của Tiểu ban Thủ tục Hải quan APEC (trong năm APEC Việt Nam 2017) và Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEM 2019 với sự tham gia của 53 cơ quan Hải quan thành viên từ các nước châu Á và châu Âu (đây là hội nghị có quy mô lớn nhất từ trước tới nay mà Hải quan Việt Nam đăng cai tổ chức).
Cùng với đó, Hải quan Việt Nam tích cực tham gia các chiến dịch về chống buôn lậu toàn cầu cũng như trong khu vực của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) nhằm kiểm soát các luồng thương mại bất hợp pháp. Tiếp nhận và triển khai có hiệu quả các chương trình xây dựng năng lực về an ninh và thuận lợi hóa thương mại của WCO tại khu vực...
Hải quan Việt Nam không ngừng hoàn thiện cơ sở pháp lý và hạ tầng kỹ thuật để mở rộng trao đổi các dữ liệu điện tử và kết nối đến các nước thành viên trong Cơ chế một cửa ASEAN góp phần hoàn thiện Cơ chế một cửa quốc gia. Hợp tác giữa Hải quan Việt Nam và hải quan các nước khu vực ASEAN cũng được thực hiện thông qua việc triển khai hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN (ACTS) nhằm tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh đi qua các nước ASEAN, trong khuôn khổ Hiệp định khung ASEAN về Tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh, thảo luận trong ASEAN về cơ chế hợp tác công nhận doanh nghiệp ưu tiên…
Mặt khác, Tổng cục Hải quan đã tăng cường hợp tác với Hải quan các nước đối tác chiến lược như: Mỹ, Anh, Italia, Nga, Hà Lan, Australia, New Zealand, Hàn Quốc… thông qua các hoạt động trao đổi, thu thập thông tin, đào tạo nâng cao nghiệp vụ và việc trao đổi đàm phán ký kết các Hiệp định, Thỏa thuận, bản ghi nhớ hợp tác hải quan song phương.
Tính riêng trong giai đoạn 2015-2020, Tổng cục Hải quan đã tham mưu Bộ Tài chính và Chính phủ về việc ký kết và triển khai các thỏa thuận, Hiệp định hợp tác với trên 13 nước đối tác trong đó phải kể đến một số đối tác quan trọng gồm: Mỹ, Anh, Hà Lan, Australia, Italia, Nga... Đồng thời, tích cực tìm kiếm, vận động và triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật phục vụ công tác hiện đại hóa.
Có thể điểm qua một số dự án hỗ trợ kỹ thuật do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ về nâng cao hiệu quả hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS được triển khai từ 8/2015 đến 6/2018; tiếp nhận và hoàn thành việc lắp đặt, triển khai hệ thống soi chiếu phóng xạ tại khu vực cảng Cái Mép Thị Vải và cảng Cát Lái, TP. Hồ Chí Minh trong khuôn khổ Sáng kiến Megaports do Hoa Kỳ tài trợ với tổng giá trị hệ thống khoảng 6 triệu USD. Tổng cục Hải quan đã hoàn thành thủ tục tiếp nhận và khởi động dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ với trị giá 22 triệu USD.
Các dự án trên được đánh giá cao về tính thiết thực trong thực hiện mục tiêu cải cách, chuẩn hóa, hài hòa hóa và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế nhằm thực hiện Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới.