Hải quan Việt Nam tạo động lực mới cho doanh nghiệp phục hồi và bứt phá
Ngày 6/9/2023, Tạp chí Hải quan tổ chức Diễn đàn thường niên Hải quan - Doanh nghiệp năm 2023 với chủ đề “Hải quan Việt Nam: Tạo động lực mới cho doanh nghiệp phục hồi và bứt phá”.
Tham dự diễn đàn có 250 đại biểu, khách mời, doanh nghiệp, cơ quan báo chí, như: lãnh đạo Tổng cục Hải quan và đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan, đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), CIEM; doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp các ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam (châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ…)...
Triển khai nhiều giải pháp
Diễn đàn là sự kiện thường niên nhằm ghi nhận sự tham gia, đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp vào quá trình cải cách, hiện đại hóa hải quan; xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật về hải quan của doanh nghiệp.
Đây cũng là dịp để ngành hải quan đưa ra thông điệp về tiếp tục cải cách hiện đại hóa, phát triển quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp và các bên liên quan; qua đó góp phần thúc đẩy hoạt động tạo thuận lợi thương mại và logistics phát triển.
Tính đến hết năm 2022, đã có 74 doanh nghiệp được áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên theo chương trình doanh nghiệp ưu tiên về hải quan triển khai từ năm 2014. Điều này cho thấy những hiệu quả tích cực trong tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Đặc biệt từ đầu năm 2023, Tổng cục Hải quan đã ký thỏa thuận công nhận chương trình doanh nghiệp ưu tiên với Hải quan các nước thành viên ASEAN. Đây là thỏa thuận về doanh nghiệp ưu tiên đầu tiên với nước ngoài mà Việt Nam ký kết và triển khai thực tế.
Theo định hướng đặt ra trong chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy định về doanh nghiệp ưu tiên trên cơ sở khuyến nghị của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) để mở rộng đối tượng tham gia và tiếp tục thúc đẩy triển khai các thỏa thuận công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên giữa Hải quan Việt Nam và hải quan các nước đối tác quan trọng trên thế giới.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Vì vậy, việc ngành hải quan đồng hành cùng doanh nghiệp cũng chính là bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính, nhất trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay, khi hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới đã và đang diễn biến hết sức phức tạp với phương thức, thủ đoạn tinh vi khó lường.
Ngành hải quan xác định cùng với tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, Ngành cũng tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan, chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Sau 5 năm thực hiện chương trình, thông qua các hoạt động hỗ trợ và việc tự nguyện tuân thủ của doanh nghiệp, phấn đấu tăng tỷ lệ doanh nghiệp tuân thủ mức 2, mức 3 đạt trên 20% tổng số doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng khẳng định, sự tương tác giữa ngành hải quan và doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng và không thể thiếu trong công tác gác cửa của dòng chảy thương mại để bảo đảm sự thông quan tốt hơn cho hàng hóa của Việt Nam ra thế giới và hàng hóa phục vụ sản xuất được nhập khẩu về Việt Nam.
Sự tương tác giữa hải quan và doanh nghiệp giúp cho doanh nghiệp hiểu đúng và thấy được những điểm nghẽn của mình đang ở đâu để bổ sung, chỉnh sửa khắc phục. Đồng thời, ngành hải quan đã coi doanh nghiệp là một đối tác cùng hợp tác để hoàn thành nhiệm vụ.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Hoàng Việt Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, hải quan đồng hành cùng doanh nghiệp cũng chính là bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính. Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới đã và đang diễn biến hết sức phức tạp với phương thức, thủ đoạn tinh vi khó lường. Ngành Hải quan xác định cùng với tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, ngành cũng tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan, chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Phó Tổng cục trưởng Hải quan Hoàng Việt Cường cho biết, ngay từ đầu năm, Tổng cục Hải quan đã giao chỉ tiêu cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại năm 2023 với 10 nhóm chỉ tiêu cải cách đi kèm là các giải pháp để thực hiện.
Để sự đồng hành hải quan - doanh nghiệp ngày càng hiệu quả, ngoài nỗ lực của ngành Hải quan, không thể thiếu sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, các hiệp hội, VCCI, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp.
"Do đó, ngành Hải quan mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục phối hợp, hưởng ứng cùng cơ quan hải quan phát triển phong phú hơn các hoạt động quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp. Sự đồng hành, năng động, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp sẽ là nhân tố quan trọng để tạo nên sự thành công, phát triển” - ông Cường nhấn mạnh.
Diễn đàn Hải quan - Doanh nghiệp 2023, với chủ đề “Hải quan Việt Nam tạo động lực mới cho doanh nghiệp phục hồi và bứt phá” là một hoạt động thiết thực nhằm nhìn lại bức tranh toàn cảnh mà ngành Hải quan đã và đang thực hiện; đánh giá những thuận lợi và khó khăn cũng như thảo luận đề ra các giải pháp triển khai trong thời gian tới đạt hiệu quả hơn nữa.
Diễn đàn có sự tham gia của các diễn giả đại diện cơ quan hải quan, các chuyên gia để chia sẻ, trao đổi, đối thoại. Những ý tưởng góp ý, đề xuất tại diễn đàn sẽ là những ý kiến hữu ích để cơ quan hải quan cũng như các cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện khung khổ pháp lý, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.