Hai quốc gia châu Âu phải vẽ lại bản đồ vì điều ít ngờ tới
Một phần biên giới giữa Italy và Thụy Sĩ sẽ được điều chỉnh do sự tan chảy của các dòng sông băng vốn đóng vai trò xác định ranh giới tự nhiên giữa hai nước.
Đây là một dấu hiệu nữa cho thấy hiện tượng biến đổi khí hậu đang tác động nghiêm trọng đến Trái Đất. Cả hai quốc gia đã đồng thuận thay đổi biên giới dưới chân đỉnh Matterhorn, một trong những ngọn núi cao nhất thuộc dãy Alps.
Mặc dù biên giới quốc gia thường được coi là cố định, nhưng tại nhiều đoạn thuộc biên giới Thụy Sĩ–Italy, ranh giới được xác định bởi các dòng sông băng và cánh đồng tuyết. "Với việc sông băng tan chảy, các yếu tố tự nhiên này thay đổi và làm tái định hình biên giới quốc gia", chính phủ Thụy Sĩ cho biết trong một tuyên bố hồi tuần trước.
Việc điều chỉnh biên giới đã được thống nhất từ năm 2023 và chính phủ Thụy Sĩ đã chính thức phê duyệt vào thứ Sáu vừa qua. Quy trình phê duyệt đang được tiến hành tại Italy. Khi cả hai nước ký kết, thỏa thuận sẽ được công bố và các chi tiết về đường biên giới mới sẽ được công khai, theo thông tin từ phía Thụy Sĩ.
Châu Âu hiện là lục địa chịu tác động khá nghiêm trọng của tình trạng nóng lên toàn cầu, và hệ quả của hiện tượng này đối với các dòng sông băng là vô cùng nghiêm trọng.
Tại Thụy Sĩ, các dòng sông băng đang tan chảy với tốc độ báo động. Năm ngoái, sông băng của nước này đã mất 4% thể tích, chỉ thấp hơn so với mức kỷ lục 6% vào năm 2022.
Xu hướng suy giảm này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, theo Matthias Huss, chuyên gia băng hà học tại đại học ETH Zürich của Thụy Sĩ và giám đốc mạng lưới giám sát sông băng GLAMOS.
"Năm 2024, các sông băng vẫn tiếp tục tan chảy với tốc độ nhanh, mặc dù mùa đông vừa qua có nhiều tuyết, điều mà chúng tôi từng hy vọng sẽ giúp làm chậm quá trình này", Huss chia sẻ với CNN. "Một số sông băng gần như đang tan rã, trong khi những sông băng nhỏ thì đang biến mất hoàn toàn".
Ngay cả với những nỗ lực mạnh mẽ nhất nhằm chống biến đổi khí hậu, dự báo cho thấy đến năm 2100, một nửa số sông băng trên toàn thế giới có thể sẽ biến mất. Điều này sẽ kéo theo một loạt hệ quả.
Khi sông băng tan, môi trường trở nên bất ổn hơn, dễ xảy ra lở đất và sụp đổ nguy hiểm. Năm 2022, 11 người đã thiệt mạng khi một sông băng sụp đổ tại dãy Alps ở Italy.
Ngoài ra, sự thu hẹp của các sông băng còn mang lại những sự việc bi thương. Năm ngoái, thi thể của một nhà leo núi, người đã mất tích 37 năm trước khi đang chinh phục gần đỉnh Matterhorn, đã được phát hiện.
Khi thể tích sông băng rút giảm, chúng cũng mất đi vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn nước ngọt, điều này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nước trong những đợt nắng nóng.
Việc buộc phải điều chỉnh biên giới quốc gia "chỉ là một trong những hệ quả nhỏ" của hiện tượng tan chảy sông băng, theo lời ông Huss. Khi hậu quả của tình trạng này dẫn đến việc “thay đổi cả bản đồ thế giới”, nó sẽ làm nổi bật mức độ nghiêm trọng của hiện tượng nóng lên toàn cầu.