Hải Quy nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Năm 2012, khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Hải Quy, huyện Hải Lăng có xuất phát điểm thấp, nhất là cơ sở hạ tầng thiếu thốn, đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành cùng với nỗ lực của cán bộ và Nhân dân trên địa bàn, nguồn đóng góp của con em xa quê hương, xã Hải Quy từng bước hoàn thành các tiêu chí và năm 2020 đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

 Giao thông nông thôn ở Hải Quy đã được xây dựng đồng bộ, khang trang - Ảnh: B.T

Giao thông nông thôn ở Hải Quy đã được xây dựng đồng bộ, khang trang - Ảnh: B.T

Ông Lê Thanh Sáu, một vị lão thành cách mạng ở thôn Quy Thiện nói rằng, nhớ lại những năm sau ngày giải phóng quê hương, thống nhất đất nước, làng xóm tan hoang, ruộng đồng đầy rẫy đạn bom, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, bây giờ mỗi người dân nơi đây cảm thấy rất phấn khởi và tự hào khi thấy quê hương từng ngày thay đổi. Vui mừng hơn nữa đó là sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu, năm 2020 Hải Quy đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới”.

Đúng như vậy, về Hải Quy bây giờ, không còn là những con đường đất cấp phối, bụi mù vào mùa hè, lầy lội vào mùa mưa nữa, thay vào đó đường liên thôn, liên xã đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đường nội đồng được cứng hóa, đảm bảo cho các phương tiện cơ giới đi lại, phục vụ sản xuất. Hệ thống kênh mương thủy lợi được kiên cố hóa, chủ động tưới tiêu cho toàn bộ diện tích lúa, hoa màu và phát triển chăn nuôi. 100% hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia, đảm bảo an toàn, các trục đường đêm đêm đều có ánh sáng đèn đường. Trường học, trạm y tế khang trang, kiên cố, đạt chuẩn quốc gia, nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Chủ tịch UBND xã Hải Quy Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh: Năm 2012, khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, xã gặp rất nhiều khó khăn, trong lúc đó ngân sách địa phương hằng năm phụ thuộc vào cấp trên phân bổ, nguồn thu tại chỗ còn hạn chế. Trước thực trạng đó, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia đóng góp kinh phí, ngày công, hiến đất. Bên cạnh đó, tranh thủ nhiều nguồn lực, kết quả đã huy động được gần 56,8 tỉ đồng, xã đã đầu tư từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, trong đó ưu tiên xây dựng các công trình phúc lợi, phục vụ sản xuất và dân sinh. Bám sát quy hoạch, kế hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới, xã đã tìm ra các giải pháp để khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế.

Thực hiện sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các HTX đã tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi. Cùng với xây dựng cánh đồng lớn, mở rộng diện tích lúa chất lượng cao lên 265 ha, hình thành các vùng sản xuất rau màu tập trung, các hộ gia đình đã đưa chuồng trại chăn nuôi ra xa khu dân cư và kết hợp xây hầm khí biogas để bảo vệ môi trường. Đặc biệt mấy năm trở lại đây, xã đã có chính sách hỗ trợ và khuyến khích khai thác tiềm năng, lợi thế vùng cát, hình thành các mô hình sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả, nhờ vậy giá trị sản xuất một héc ta đất canh tác đạt trên 100 triệu đồng.

Ông Lê Quang Bình ở thôn Văn Vận cho hay: “Từ khi xã đầu tư xây dựng đường giao thông, điện lưới, ngày càng có nhiều hộ gia đình mạnh dạn đầu tư kinh phí, hình thành các trang trại trên vùng cát, phát triển theo mô hình nông - lâm kết hợp, vừa trồng rừng vừa phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá, mang lại nguồn thu nhập cao. Đặc biệt, được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và PTNT 1,7 tỉ đồng, một nhóm hộ đã quy hoạch 3 ha, đào hồ, xây dựng hệ thống cấp thoát nước, đê bao, thực hiện thành công mô hình trồng sen kết hợp nuôi cá, mở ra hướng phát triển kinh tế đầy triển vọng ở vùng này.

Có thể nói trong quá trình xây dựng nông thôn mới, người dân Hải Quy đã phát huy vai trò chủ thể, không chỉ đóng góp công sức, tiền bạc cùng với địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng mà còn chủ động tìm chọn những cách làm phù hợp để nâng cao mức sống cho gia đình mình. Đồng thời, tự giác chỉnh trang, xây dựng nhà cửa kiên cố, cải tạo vườn tạp, làm hàng rào bằng cây xanh, trồng cây, trồng hoa ở các tuyến đường, tham gia bảo vệ môi trường làm cho cảnh quan thôn xóm xanh, sạch, đẹp.

Ông Lê Mạnh Hùng cho biết thêm: Được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là niềm vinh dự và tự hào, tuy nhiên để duy trì và giữ vững các tiêu chí đã đạt đòi hỏi cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa, do vậy xã đã xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến năm 2025. Theo đó, trong quá trình thực hiện, ngoài vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể đổi mới phương pháp vận động quần chúng, phát huy vai trò chủ thể của người dân, thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân đóng góp và dân hưởng thụ”. Mặc dù cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn theo tiêu chí quy định nhưng để phát huy hiệu quả sử dụng cần tăng cường hơn nữa công tác duy tu, bảo dưỡng, đồng thời, tranh thủ thêm nguồn lực để xây dựng các thiết chế văn hóa.

Trong phát triển kinh tế, do sản xuất nông nghiệp là chủ yếu nên phải có các giải pháp để nâng cao giá trị gia tăng, đặc biệt thực hiện dồn điền đổi thửa, khuyến khích tích tụ ruộng đất, hình thành những vùng ứng dụng công nghệ cao, liên doanh, liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, tiếp tục quan tâm công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tăng dần tỉ lệ lao động phi nông nghiệp, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, tiến tới xây dựng thôn kiểu mẫu, khu dân cư kiểu mẫu. Thường xuyên củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị, xây dựng Đảng và các tổ chức đoàn thể vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Bá Thuần

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=163919&title=hai-quy-no-luc-xay-dung-nong-thon-moi