Hải sản nhập khẩu vẫn tăng trưởng trong thời dịch Covid-19
Trước ảnh hưởng của Covid-19, các doanh nghiệp nhập khẩu hải sản 'chuyển mình' với hình thức kinh doanh mới. Nhờ đó, lượng tiêu thụ mặt hàng này vẫn tăng trưởng trong thời dịch.
Chất lượng sống ngày càng cao kéo theo nhu cầu thưởng thức sản phẩm ngoại nhập, trong đó hải sản sống nhập khẩu dần thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng các thành phố lớn.Người dân ngày càng quen thuộc với nhiều loại hải sản cao cấp nhập khẩu thông qua hệ thống nhà hàng hải sản, đơn vị nhập khẩu và siêu thị, cửa hàng bán lẻ hải sản.
Theo đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Việt Nam không chỉ là nhà xuất khẩu thủy sản lớn mà còn là thị trường tiêu thụ thủy sản tiềm năng của nhiều quốc gia. Ấn Độ, Nhật Bản, Đông Nam Á, Na-uy, Trung Quốc hiện là những thị trường lớn cung cấp thủy sản cho Việt Nam trong tháng 7 với kim ngạch trên 10 triệu USD/quốc gia.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính riêng tháng 7, cả nước chi hơn 149 triệu USD nhập khẩu thủy sản, tăng 4% so với tháng trước dù thị trường đang trong giai đoạn ảnh hưởng vì Covid-19. Tìm đến các kênh bán lẻ hiện nay, người tiêu dùng dễ dàng mua các loại thủy hải sản sống nhập khẩu cao cấp như tôm hùm Alaska, cá hồi Na-uy, cua hoàng đế, bào ngư, ốc vòi voi, hàu…
Giá trị nhập khẩu hải sản ngoại cũng tăng đều từng năm. Cách đây 5-6 năm, giá tiền cua hoàng đế sống khá đắt đỏ, đa phần là hàng đông lạnh; hàng sống chỉ có trong các nhà hàng, khách sạn cao cấp. Hiện nay, nguyên liệu này xuất hiện phổ biến hơn trong những bữa tiệc tại gia thông qua các kênh bán lẻ.
Nhờ các doanh nghiệp xin giấy phép và thực hiện đầy đủ quy trình nhập khẩu, khách hàng có thể thưởng thức hương vị “vua của các loài cua” với giá thành còn 1/3 so với trước đây. Tương tự, khách hàng tầm trung sẽ có cơ hội thưởng thức hải sản sống ngoại nhập như tôm hùm, sò điệp, ốc bulot, ốc vòi voi, cua nâu, cua Bắc Mỹ, bào ngư, cá hồi... với mức giá hợp lý thay vì sử dụng sản phẩm đông lạnh.
Ông Trần Văn Trường, CEO đơn vị nhập khẩu trực tiếp cua hoàng đế Hải sản Hoàng Gia, cho biết: “Hải sản sống nhập khẩu phải đáp ứng yêu cầu rất cao từ cơ quan quản lý nhà nước. Mất 3-6 tháng để hoàn thiện hồ sơ nhập khẩu và bảo quản hàng về tới Việt Nam an toàn, chúng tôi phải đầu tư thiết bị máy móc ngoại nhập, kho vận đạt tiêu chuẩn để nuôi hải sản trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt vốn không tương đồng với bản xứ trước khi hải sản đến được tận tay người tiêu dùng”.
Đầu năm nay, không nằm ngoài tình hình kinh tế chung, thị trường hải sản nhập khẩu có nhiều biến động bởi dịch Covid-19. Nhiều nhà hàng đóng cửa, công nợ không thu hồi được, nhân sự không có việc làm, hàng hóa nhập về không tiêu thụ được, các doanh nghiệp phải linh hoạt lựa chọn hình thức kinh doanh mới.
Đơn cử, Hải sản Hoàng Gia sau 18 năm bán sỉ, với quy mô cung cấp hải sản cho hơn 1.000 nhà hàng, khách sạn, đã quyết định phát triển chuỗi siêu thị bán lẻ có bếp với dịch vụ chế biến mang đi. Việc “xoay trục” này đáp ứng nhu cầu mua hải sản tại các vị trí tiện lợi hoặc đặt hàng online, tiết kiệm thời gian vào bếp bằng việc chế biến sẵn hoặc tặng thêm gia vị, nước sốt “ready to cook” (sẵn sàng để chế biến) cho khách hàng.
“Phát triển bếp, đầu tư nhanh chóng vào dịch vụ online, chế biến và giao hàng tận nhà, chọn mặt bằng đẹp, thuận lợi, quan tâm đến trải nghiệm của khách hàng… là giải pháp giúp chúng tôi đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hải sản trong mùa dịch”, ông Trần Văn Trường chia sẻ thêm.
Thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, trong khi nhiều doanh nghiệp phải loay hoay với bài toán tồn tại, thì Hải sản Hoàng Gia tiên phong với mô hình mới “siêu thị hải sản có bếp”, nhanh chóng mở thêm 8 chi nhánh, phục vụ trung bình 1.000 đơn hàng/ngày. Dựa trên hiệu quả hoạt động của mô hình kinh doanh mới, doanh nghiệp đang chạy nước rút để hoàn thành kế hoạch mở hệ thống 68 chi nhánh trong 5 năm tới. Điều này chứng minh, sự linh hoạt là sức mạnh trong kinh doanh, giúp doanh nghiệp biến thách thức thành cơ hội, mở rộng thị phần, đảm bảo việc làm cho người lao động và đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế.