Hai sinh viên Sư phạm làm bản đồ nổi hỗ trợ cho học sinh khiếm thị

Vượt qua hàng trăm đề tài xuất sắc tại Giải thưởng nghiên cứu khoa học Euréka 2024, hai sinh viên Lê Thế Trung và Trương Nhân Minh (trường ĐH Sư phạm TP. HCM) đã xuất sắc giành giải Nhất, lĩnh vực Khoa học Giáo dục, với dự án 'Xây dựng bản đồ nổi trong môn Lịch sử và Địa lý lớp 8 dành cho học sinh khiếm thị'.

Khởi nguồn từ sự đồng cảm và khát khao cống hiến

Lê Thế Trung (ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý) cho biết, ý tưởng về bản đồ nổi xuất phát từ trải nghiệm cá nhân, khi Trung lớn lên trong một mái ấm cùng các bạn khuyết tật. Trung chia sẻ: "Mình cũng là một người khuyết tật nhẹ. Hồi nhỏ, vì gặp khó khăn trong việc cầm bút và viết chữ, mình được gửi vào một mái ấm để học chung với các anh chị và bạn bè khuyết tật khác. Ở đó, mình được sống và lớn lên cùng các bạn khiếm thị. Nhờ môi trường ấy, mình sớm hiểu và đồng cảm sâu sắc với những khó khăn mà các bạn khuyết tật phải đối mặt mỗi ngày”.

Chính sự đồng cảm và mong muốn đóng góp cho giáo dục hòa nhập đã thôi thúc Trung và Minh bắt tay vào nghiên cứu, dưới sự hướng dẫn của TS Hoàng Thị Nga (khoa Giáo dục Đặc biệt) và ThS Tạ Đức Hiếu (khoa Địa lý).

Những buổi workshop thú vị dành cho sinh viên từ hai thành viên dự án.

Những buổi workshop thú vị dành cho sinh viên từ hai thành viên dự án.

Dự án "Xây dựng bản đồ nổi" hướng đến việc tạo ra bộ series 10 bản đồ nổi, nhằm giúp học sinh khiếm thị dễ dàng tiếp cận và hiểu rõ hơn về kiến thức Lịch sử, Địa lý. Các bản đồ này được thiết kế theo nguyên tắc rõ ràng, độ nhạy xúc giác cao và nội dung tối giản để phù hợp với khả năng cảm nhận của người khiếm thị. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đã áp dụng công nghệ QGIS và kỹ thuật tạo hình chân không để đảm bảo độ chính xác và sắc nét của từng chi tiết.

Quá trình thử nghiệm thực tế tại các trường chuyên biệt cho học sinh khiếm thị đã mang lại những phản hồi tích cực. “Sự hứng thú của các bạn khi sử dụng bản đồ là động lực lớn nhất giúp tụi mình tin tưởng vào tính khả thi của dự án, đồng thời khẳng định rằng bộ bản đồ này không chỉ là một học liệu đơn thuần mà còn là cầu nối giúp các bạn tiếp cận tri thức một cách bình đẳng hơn”, Minh chia sẻ.

Những phản hồi tích cực khi dự án dạy thử nghiệm đã tạo động lực cho Thế Trung và Nhân Minh hoàn thiện dự án.

Những phản hồi tích cực khi dự án dạy thử nghiệm đã tạo động lực cho Thế Trung và Nhân Minh hoàn thiện dự án.

Hành trình vượt qua thử thách

Dự án không chỉ là một bài nghiên cứu lý thuyết mà còn là cả một hành trình dài đầy thử thách. Nhóm gặp khó khăn trong việc tiếp cận học sinh khiếm thị do sự dè dặt ban đầu của các bạn. “Có một thực tế đau lòng là các bạn đã từng chịu nhiều tổn thương do một số cá nhân hoặc tổ chức đến tìm hiểu, rồi bỗng dưng biến mất, hoặc thậm chí lạm dụng hình ảnh của các bạn để phục vụ mục đích riêng. Vì vậy mà ban đầu, khi tụi mình tiếp xúc, các bạn khá dè dặt và không thực sự tin tưởng”, Minh cho biết thêm.

Dự án của nhóm giành giải Nhất Euréka 2024 trong lĩnh vực Khoa học Giáo dục.

Dự án của nhóm giành giải Nhất Euréka 2024 trong lĩnh vực Khoa học Giáo dục.

Bên cạnh đó, việc tìm kiếm vật liệu phù hợp cũng là một thách thức lớn. Trung và Minh đã thử nghiệm nhiều loại vật liệu như giấy nhám, bìa carton, lưới gói hoa, hạt cườm… để đảm bảo độ bền và cảm giác tốt nhất cho người dùng.

Một bước ngoặt quan trọng trong dự án là sự hỗ trợ từ các thầy cô và trung tâm khiếm thị. Nhóm nghiên cứu đã làm việc chặt chẽ với các giáo viên chuyên biệt để hoàn thiện bản đồ, từ việc lựa chọn độ cao các phần nổi đến cách bố trí nội dung hợp lý.

Hiện tại, nhóm đang tham gia dự án "Dệt ánh Mặt Trời" nhằm hỗ trợ việc chuyển đổi tài liệu học tập cho học sinh khiếm thị, đồng thời, tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng về giáo dục hòa nhập. Trong tương lai, nhóm dự định tiếp tục mở rộng bản đồ nổi sang nhiều cấp học và môn học khác để tạo ra một môi trường học tập công bằng và không rào cản.

Lê Thế Trung và Trương Nhân Minh (giữa) cùng hai giảng viên hướng dẫn dự án.

Lê Thế Trung và Trương Nhân Minh (giữa) cùng hai giảng viên hướng dẫn dự án.

Việc giành giải Nhất Giải thưởng nghiên cứu khoa học Euréka 2024 không chỉ là niềm tự hào mà còn là minh chứng cho giá trị thực tiễn của dự án. Trung bày tỏ: "Giải thưởng này là động lực lớn để tụi mình tiếp tục nghiên cứu và mở rộng ứng dụng của bản đồ nổi, không chỉ trong giáo dục mà còn trong nhiều lĩnh vực khác như du lịch, đời sống hằng ngày".

Ngọc Ánh

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/hai-sinh-vien-su-pham-lam-ban-do-noi-ho-tro-cho-hoc-sinh-khiem-thi-post1714769.tpo