Hai thế hệ tiếp nối một công việc tri ân, nghĩa tình
Qua các cuộc chiến tranh vệ quốc, tỉnh Quảng Trị trở thành nơi yên nghỉ vĩnh hằng của hàng vạn anh hùng liệt sĩ là con em Quảng Trị và mọi miền Tổ quốc với 72 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có 2 nghĩa trang quốc gia. Nhiều năm qua Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Trị luôn phát huy truyền thống 'Uống nước nhớ nguồn', thực hiện tốt chính sách 'Đền ơn đáp nghĩa'. Trong dòng chảy của 'hành trình tri ân', có những gia đình 2 thế hệ tiếp nối chăm sóc các phần mộ liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ chu đáo, vẹn toàn...
Mẹ và con gái cùng chăm sóc mộ liệt sĩ
Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Linh là nghĩa trang cấp huyện lớn nhất của tỉnh Quảng Trị (diện tích 6 ha). Đây là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của 5.628 liệt sĩ của 41 tỉnh, thành phố trong cả nước tại 24 khu mộ. Số lượng mộ liệt sĩ nơi đây chỉ đứng sau 2 Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Đường 9.
Bà Trần Thị Nguyệt (sinh năm 1959) là lớp người đầu tiên làm công việc chăm sóc phần mộ liệt sĩ ở Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Linh từ năm 1983. Trước đó, giai đoạn 1978 - 1982, bà đi bộ đội ở Trung đoàn 4, Sư đoàn 470, Binh đoàn 12 mở đường Trường Sơn. Sau khi giải ngũ, bà về làm việc tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Linh đến năm 2010 thì về hưu.
“Thuở trước, nơi đây được gọi là Đài anh hùng. Năm 1983, có chủ trương của cấp trên cho chuyển các phần mộ liệt sĩ từ các xã phía Tây của huyện tập trung về Đài anh hùng Vĩnh Linh. Sau đó, Đài anh hùng được san ủi mặt bằng, xây dựng thành Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Linh. Trong các năm từ 1985 - 1987, nhiều phần mộ liệt sĩ nằm rải rác tại các xã phía Tây được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Linh để thuận tiện hơn trong công tác chăm sóc phần mộ và tri ân các liệt sĩ”, bà Nguyệt nói.
Từ năm 1990 đến nay, bà Nguyệt đã trực tiếp lấy mẫu ADN để thân nhân liệt sĩ làm thủ tục xét nghiệm và cất bốc trên 800 ngôi mộ liệt sĩ để di chuyển về quê nhà. Mặc dù đã nghỉ hưu 12 năm nay nhưng ngày nào bà cũng đến nghĩa trang để dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc các phần mộ liệt sĩ cùng con gái.
Điều khiến bà yên tâm và hạnh phúc là có người con gái út tiếp nối tâm nguyện của mình, chăm sóc các phần mộ liệt sĩ được chu toàn, sạch sẽ. Chị Phạm Thị Phượng (sinh năm 1986), con gái út của bà hiện đang làm việc tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Linh. “Năm 2008, tôi tốt nghiệp ngành Hành chính văn thư, Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị. Lúc này, tôi về phụ giúp mẹ làm việc tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Linh. Năm 2010, mẹ về hưu, nghĩa trang thiếu người nên tôi xin vào làm việc và gắn bó tới giờ”, chị Phượng chia sẻ.
“Là phụ nữ, có bằng cấp đàng hoàng, tại sao chị không tìm những công việc khác phù hợp hơn mà lại làm nhân viên quản trang quanh năm dầm mưa dãi nắng?”, tôi hỏi.
Chị Phượng không chần chừ, trả lời ngay: “Thật ra, từ năm 1983-2004, chị em tôi và mẹ sống trong ngôi nhà tập thể, nằm trong khuôn viên của nghĩa trang. Hằng ngày, mẹ làm việc, chị em tôi theo sau phụ mẹ. Lớn lên rồi đi học nhưng mỗi khi về nhà, tôi lại ra nghĩa trang với mẹ vì hiểu và thương mẹ. Tôi và mẹ xem đây như nhà của mình và các liệt sĩ như người thân trong gia đình. Mỗi lần đến nghĩa trang, tôi cảm thấy rất thân thuộc. Vì thế, sau khi mẹ về hưu, tôi quyết định tiếp nối công việc mà mẹ làm nhiều năm qua, tiếp tục chăm sóc các phần mộ liệt sĩ. Đây cũng là tâm nguyện của tôi”.
Đều đặn mỗi ngày, chị Phượng có mặt tại nghĩa trang lúc 6 giờ kém để chăm sóc, quét dọn vệ sinh, tỉa cành cây tại các khu mộ, quản lý danh sách mộ. Nếu có khách đến thăm viếng, chị Phượng phục vụ các đoàn, hướng dẫn gia đình thân nhân liệt sĩ tìm kiếm và thăm viếng mộ; tổ chức, phục vụ đón hài cốt liệt sĩ vào yên nghỉ tại nghĩa trang; hỗ trợ các gia đình lấy mẫu ADN, cất bốc hài cốt liệt sĩ để di chuyển về quê; trả lời đơn thư tìm mộ... Công việc bận rộn nhưng chị và mẹ vẫn dành thời gian để ươm, trồng cây quanh các khu mộ. Nhờ vậy, Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Linh luôn xanh, sạch, đẹp và tràn ngập sắc hoa.
Năm 2005, mẹ con chị Phượng được địa phương cấp đất, một đơn vị khác hỗ trợ xây nhà ở Khu phố 9, thị trấn Hồ Xá, cách nghĩa trang không xa. Song, thời gian trong ngày của mẹ con chị là ở nghĩa trang, chỉ về nhà vào tối muộn để nghỉ ngơi. Những ngày cuối tuần, nghỉ lễ hoặc dịp tết, ai cũng muốn được nghỉ ngơi, thư giãn nhưng mẹ con chị lại cùng nhau đến nghĩa trang để dọn rác, tưới cây, thắp nén hương thơm lên các phần mộ liệt sĩ.
“Mình làm việc với cái tâm nên không thấy vất vả. Nhiều hôm công việc rất nhiều nhưng vẫn muốn làm cho xong hết mới về nhà. Vậy tôi mới yên tâm ngủ ngon. Chỉ mong sao tôi có thật nhiều sức khỏe để chăm sóc các phần mộ liệt sĩ được tốt hơn”, chị Phượng nói.
Cha truyền con nối
Trong ký ức của ông Hồ Tất Ái, nguyên Trưởng Ban Quản lý Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, ngày 1/11/1998 là cột mốc không bao giờ quên. Bởi thời gian này, ông đến công tác tại Ban Quản lý Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Trước khi làm quản trang, ông Ái là Phó Giám đốc Xí nghiệp gốm Thanh Quảng ở thị xã Quảng Trị.
Sau khi thôi việc ở xí nghiệp, ông Ái về công tác tại Ban Quản lý Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn với vai trò Trưởng ban cho đến năm 2019 thì nghỉ hưu. “Tôi làm Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Quản lý Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn hơn 20 năm. Nơi đây gắn bó với tôi như nhà của mình vậy. Rất nhiều kỷ niệm”, ông Ái xúc động nói.
Từng là lính trinh sát đặc công, công tác tại tỉnh Bình Trị Thiên (cũ) nên khi đến làm việc tại Ban Quản lý Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, ông tự nhủ lòng phải chăm sóc các phần mộ anh hùng liệt sĩ thật chu đáo, vẹn toàn vì đó là đồng đội, đồng chí của mình. Ông cùng cán bộ, nhân viên trong đơn vị làm việc với phương châm “ngày không giờ, tuần không thứ”. Bất luận thời tiết nắng hay mưa, trưa hay tối, chỉ cần có thân nhân liệt sĩ hoặc khách tới thăm viếng thì phải hướng dẫn, phục vụ tận tình, chu đáo, tổ chức lễ viếng trang nghiêm.
“Trong công việc, chúng tôi luôn xác định rõ trách nhiệm của mình. Tôi thường xuyên động viên anh em làm vệ sinh nghĩa trang và các phần mộ liệt sĩ phải “sạch như bệnh viện, đẹp như công viên”. Các tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước đến với nghĩa trang đều được tiếp đón chu đáo, giới thiệu tận tình về truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam và tinh thần quả cảm, bất khuất của bộ đội Cụ Hồ đã chiến đấu anh dũng, hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Đối với các tổ chức đến cầu siêu, thăm viếng, dâng hoa, dâng hương thì chúng tôi phục vụ tận tình chu đáo, để họ được thỏa nguyện...”, ông Ái cho hay.
Ngày 1/1/2018, UBND tỉnh có quyết định sáp nhập 3 đơn vị, gồm: Ban Quản lý Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Ban Quản lý Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 và Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ Quảng Trị thành Ban Quản lý nghĩa trang và Đón tiếp thân nhân liệt sĩ tỉnh Quảng Trị. Trụ sở đơn vị đặt tại Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ tỉnh Quảng Trị (cũ). Sau sáp nhập, ông Ái làm Phó trưởng Ban Quản lý và 1 năm sau thì nghỉ hưu. Mặc dù đã về hưu nhưng vào các dịp lễ, tết, ông vẫn đến nghĩa trang để thắp nén hương thơm lên các phần mộ liệt sĩ và trò chuyện, động viên cán bộ, nhân viên ban quản lý vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
“Hơn 20 năm gắn bó với công việc quản trang, niềm vui, nỗi buồn của ông là gì?”, tôi hỏi. Ông Ái nhẹ nhàng chia sẻ: “Niềm vui của tôi đã hòa vào niềm vui chung của anh em đồng chí, đồng nghiệp. Đó là được chăm sóc nơi yên nghỉ của các anh hùng liệt sĩ luôn trang nghiêm, ấm cúng, xanh, sạch, đẹp. Để thân nhân các liệt sĩ khi đến đây đều hài lòng và an tâm. Nghề làm quản trang như làm dâu trăm họ. Chúng tôi đã vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”.
Điều khiến ông Ái vui nhất có lẽ là việc Hồ Tất Minh Đẳng (sinh năm 1987) con trai ông đã nối tiếp công việc của cha. Hiện anh Đẳng là nhân viên của Ban Quản lý nghĩa trang và Đón tiếp thân nhân liệt sĩ tỉnh Quảng Trị, làm việc tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Anh Đẳng tốt nghiệp ngành Quản lý xã hội, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh. Trước đây, anh làm việc tại Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ tỉnh. Năm 2016, anh xin chuyển công tác đến Ban Quản lý Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn.
“Từ nhỏ, tôi rất kính trọng và nể phục công việc của cha nên khi lớn lên, tôi ấp ủ sẽ tiếp nối hành trình tri ân này. Vì vậy, khi được làm việc tại Ban Quản lý Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, tôi xác định trách nhiệm của mình là chăm sóc các phần mộ liệt sĩ như người thân trong gia đình, không nề hà khó khăn vất vả. Làm công việc này thì cái tâm phải đặt lên hàng đầu”, anh Đẳng nói. Noi gương cha, anh Đẳng luôn cố gắng, nỗ lực học hỏi trong công việc và được kết nạp vào Đảng năm 2011.
Hạnh phúc khi được làm quản trang
Một buổi sáng đầu tháng 6, khi đang thả bộ giữa không gian thanh bình, sạch sẽ trong khuôn viên Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, chúng tôi gặp anh Nguyễn Thế Lâm (sinh năm 1988) cùng đồng nghiệp đang miệt mài làm vệ sinh khuôn viên nghĩa trang.
Anh Lâm tốt nghiệp ngành Cơ khí, Trường Trung cấp nghề Quảng Trị vào năm 2009. Một năm sau, anh làm nhân viên Ban Quản lý Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9. Nhà ở thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh nên mỗi sáng, anh phải thức dậy từ 4 giờ 30 phút để chuẩn bị cho một ngày làm việc mới. Buổi chiều, anh thường kết thúc công việc lúc 17 giờ.
Tuy nhiên, nếu có các đoàn tới thăm viếng muộn thì anh và đồng nghiệp ở lại để phục vụ. Những lúc không có đoàn đến thăm viếng, anh và đồng nghiệp làm vệ sinh các khu mộ. Mỗi người được phân công phụ trách hơn 1.000 phần mộ liệt sĩ. Riêng anh Lâm phụ trách khu mộ liệt sĩ tỉnh Hải Hưng (cũ), Bình Trị Thiên (cũ) và các khu mộ liệt sĩ chưa biết tên.
Theo anh Lâm công việc quản trang không nặng nhọc nhưng tốn nhiều thời gian, đòi hỏi sự kiên trì, chịu khó và tận tâm. Trời mưa cỏ mọc nhiều, nước mưa, rác thường đọng trong các ngôi mộ. Vì vậy, những người quản trang phải đi kiểm tra từng phần mộ để dọn dẹp vệ sinh, khơi thông dòng nước. Trời nắng, cán bộ, nhân viên nơi đây phải phân công nhau đi kiểm tra các khu mộ thường xuyên bởi trên đồi cao, khí hậu khô hanh dễ xảy ra cháy rừng.
“Làm nghề này thời gian ở nhà rất ít, chủ yếu ở nghĩa trang. Đặc biệt là những ngày lễ tết, các tổ chức, đơn vị, thân nhân gia đình liệt sĩ và Nhân dân đến nghĩa trang thăm viếng rất đông nên tôi và đồng nghiệp phải ở lại trực. Tôi có 2 con nhỏ. Mọi việc ở nhà đều do một tay vợ quán xuyến”, anh Lâm nói.
Khi được hỏi cơ duyên đến với công việc này, anh Lâm cho hay, ba anh (ông Nguyễn Văn Anh) từng là bộ đội. Năm 1983, ông giải ngũ sau đó chuyển ngành rồi về công tác tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Ông Anh làm Phó trưởng Ban Quản lý Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn một thời gian dài trước khi nghỉ hưu vào năm 2016.
“Nhà tôi có 3 anh em nhưng chỉ có tôi nối nghiệp ba. Mặc dù ba đã mất (năm 2020) nhưng tôi luôn khắc ghi những lời ba dạy rằng các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu để giành độc lập, tự do cho dân tộc. Mỗi người dân được sống trong hòa bình hôm nay cần phải tưởng nhớ, tri ân sự hy sinh cao cả ấy. Vì vậy, tôi luôn nỗ lực để làm tốt nhiệm vụ một người quản trang”, anh Lâm chia sẻ.
Phó trưởng Ban phụ trách Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 Nguyễn Văn Quản cho biết, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 rộng 15 ha với gần 10.800 mộ liệt sĩ. Trong khi đó, tại nghĩa trang chỉ có 10 cán bộ, nhân viên nên mỗi người được phân công phụ trách trên 1.000 ngôi mộ. Công việc của cán bộ, nhân viên quản trang là tổ chức đón tiếp, hướng dẫn đoàn, thân nhân liệt sĩ đến thăm viếng tận tình, chu đáo; chăm sóc các phần mộ liệt sĩ luôn sạch sẽ, ấm cúng để khi thân nhân các liệt sĩ đến thăm, họ sẽ cảm nhận được sự trân trọng. Tuyệt đối không để cỏ mọc, không để rác làm bẩn nghĩa trang. Điều quan trọng là phải duy trì được màu xanh trên đồi cao lộng gió, tạo cảnh quan đẹp như công viên. Để làm được điều đó, đòi hỏi mỗi cán bộ, nhân viên phải có tinh thần trách nhiệm cao.
“Anh Nguyễn Thế Lâm làm việc tại nghĩa trang tính đến nay đã được 10 năm. Trong quá trình công tác, anh luôn phát huy truyền thống của gia đình, tận tụy với công việc. Với sự rèn luyện, nỗ lực không ngừng nghỉ, năm 2017, anh được kết nạp vào Đảng. Là đảng viên, anh luôn gương mẫu đi đầu, chăm chỉ, hoàn thành tốt nhiệm vụ và không nề hà khó khăn vất vả. Chúng tôi rất yên tâm và tin tưởng khi có thế hệ trẻ đam mê với công việc quản trang, tri ân các liệt sĩ như vậy”, ông Quản cho hay.