Hai thị trường vàng lớn nhất thế giới diễn biến trái ngược
Trang Kitco News cho biết hai thị trường vàng lớn nhất thế giới đang diễn biến trái ngược. Trong khi người tiêu dùng Ấn Độ giải phóng nhu cầu bị dồn nén thời gian dài thì người tiêu dùng Trung Quốc lại không mua vào ồ ạt như đầu năm nữa.
Thị trường Ấn Độ trở nên sôi động hơn sau khi chính phủ nước này giảm thuế nhập khẩu với vàng từ 15% xuống 6%. Chuyên gia nghiên cứu Kavita Chacko (Hội đồng Vàng thế giới) cho biết: “Một số báo cáo không chính thức cho thấy tâm lý muốn mua mạnh mẽ của các nhà bán lẻ trang sức cũng như của người tiêu dùng kể từ lúc thuế nhập khẩu giảm. Tại Triển lãm trang sức quốc tế Ấn Độ vừa kết thúc, các đơn vị sản xuất ghi nhận lượng đơn hàng tăng đáng kể do nhiều nhà bán lẻ chuẩn bị cho mùa lễ hội cùng mùa cưới kéo dài đến tháng 12. Thậm chí đơn đặt hàng một số sản phẩm đạt mức chưa từng thấy trong nhiều năm”.
Theo nghiên cứu của JPMorgan, chuỗi trang sức Senco Gold chứng kiến doanh số nửa đầu quý 2.2024 tăng 30% – vượt xa mức tăng 10% trong cả quý 1. Bà Chacko dự báo thuế giảm có thể khiến nhu cầu vàng của Ấn Độ tăng lên 50 tấn trong nửa cuối năm.
Nhưng thị trường này vẫn phải đối mặt với một số thách thức, trong đó thách thức lớn nhất là giá tăng mạnh. Dù thuế giảm nhưng giá vàng năm nay đã tăng 10%.
“Nguyên nhân có thể do đà tăng toàn cầu (tăng đến 18% so với cùng kỳ) trong bối cảnh các ngân hàng trung ương mua mạnh, rủi ro địa chính trị gia tăng và kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thay đổi chính sách tiền tệ”, theo bà Chacko.
Tình hình thị trường Trung Quốc lại hoàn toàn trái ngược. Sau khởi đầu tốt chưa từng có vào đầu năm, nhu cầu tại nước này vài tháng qua giảm đáng kể.
Dữ liệu chính thức cho thấy vàng nhập khẩu vào Trung Quốc tháng 7 chỉ đạt 44,6 tấn – giảm 24% so với tháng 6, chạm mức thấp nhất trong 2 năm. Tháng 6 cũng ghi nhận mức giảm đến 58%.
Theo công ty phân tích BMO Capital Markets: “Giá vàng cao kỷ lục cùng nền kinh tế trì trệ tiếp tục ngăn cản người mua lẻ Trung Quốc, đặc biệt là giao dịch mua sắm tùy ý như mua đồ trang sức”.
Nhưng không phải ai cũng tin nhu cầu tại thị trường này sẽ tiếp tục suy yếu. Tuần trước Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) vừa ban hành hạn ngạch nhập khẩu mới cho một số ngân hàng. Đây dường như là dấu hiệu tình hình sắp chuyển biến tốt.
Nhà phân tích James Hyerczyk (công ty FXEmpire) nhận định loạt biện pháp giữ ổn định nền kinh tế nội địa mà chính phủ Trung Quốc triển khai gần đây có thể thúc đẩy người dân quan tâm vàng trở lại. Khi chính sách thúc đẩy niềm tin người tiêu dùng và chính sách khuyến khích chi tiêu bắt đầu phát huy tác dụng, các hộ gia đình Trung Quốc có thể dần chuyển sang sắm vàng như “tài sản trú ẩn an toàn” đáng tin cậy trong thời kỳ bất ổn.
“Khả năng Trung Quốc tái gia nhập thị trường vàng có thể gây chấn động giá vàng toàn cầu. Là quốc gia tiêu thụ lớn nhất thế giới nên hoạt động mua bán vàng tại Trung Quốc tác động sâu sắc đến thị trường quốc tế. Nhu cầu tăng đột biến từ nước này nếu cộng thêm vài yếu tố khác như lạm phát hay căng thẳng địa chính trị sẽ đẩy giá tăng vọt”, ông Hyerczyk cho hay.