Hai thứ trưởng Mỹ thăm vườn bưởi Hoài Đức
Sáng 28/2, hai Thứ trưởng Nông nghiệp Mỹ Alexis Taylor và Jenny Moffitt tới thăm một vườn trồng bưởi tại huyện Hoài Đức (thành phố Hà Nội), mang theo những trái bưởi từ bang Texas đến tặng nông dân Việt Nam, đồng thời nếm thử bưởi được trồng ở vùng ngoại thành Hà Nội.
Hoạt động này nhằm bày tỏ sự trân trọng với mối quan hệ thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp của hai nước Việt - Mỹ, thông qua việc trao tặng hai loại quả mới đây đã được hai nước chấp thuận xuất khẩu sang thị trường của nhau.
Tháng 11/2022, lô bưởi da xanh đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, trở thành loại quả thứ bảy của Việt Nam thâm nhập thị trường này, tiếp nối xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa.
Trong chuyến thăm hôm nay, hai Thứ trưởng Taylor và Moffitt được nghe các cán bộ địa phương và nông dân chia sẻ về cách trồng và chăm sóc bưởi Diễn, cũng như giống bưởi địa phương tại làng Cát Quế.
Hà Nội hiện có trên 19.000 ha sản xuất cây ăn quả, trong đó cây bưởi chiếm khoảng 70%, xấp xỉ 10.000ha. Hiện có 10 giống bưởi đang được canh tác, trong đó bưởi Diễn là một trong những giống bưởi được đánh giá cao về chất lượng, được trồng trên khoảng 8.000ha.
Chia sẻ tại buổi gặp gỡ, ông Nguyễn Như Hảo - Chủ tịch Hội Sản xuất và kinh doanh bưởi Cát Quế, cho biết, giống bưởi Diễn là loại cây ăn quả đòi hỏi chăm sóc công phu, đúng quy trình nghiêm ngặt mới cho chất lượng tốt nhất. Bưởi Diễn khác những loại bưởi khác ở chỗ có thể để bên ngoài 4-5 tháng trong điều kiện bình thường, càng để lâu càng ngon.
Ông Hảo cho biết, các vườn bưởi ở Cát Quế đang được canh tác theo hướng hữu cơ, dùng chế phẩm sinh học về phòng trừ sâu bệnh, để có thể đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi của thị trường về sử dụng các sản phẩm sạch. Thay mặt các nông dân trồng bưởi, ông Hảo bày tỏ mong muốn phía Mỹ hỗ trợ để có thể xuất khẩu bưởi địa phương sang Mỹ.
Hai Thứ trưởng Nông nghiệp Mỹ bày tỏ ấn tượng sau khi nếm thử trái bưởi Diễn. Bà Taylor chia sẻ, gia đình bà cũng trồng cây nông nghiệp, nên hiểu niềm tự hào của các nông dân với sản phẩm của mình như thế nào. Bà bày tỏ tin tưởng rằng người tiêu dùng Mỹ sẽ rất phấn khởi khi được sử dụng những sản phẩm bưởi như thế này. “Có những sản phẩm bưởi ở miền Nam vào được thị trường Mỹ rồi, hy vọng sắp tới các phẩm ở miền Bắc sẽ sang được Mỹ”, bà nói.
Bà Moffitt cho biết, phía Mỹ sẵn sàng hỗ trợ việc lập kế hoạch, chuyển giao công nghệ để có thể đưa những sản phẩm chất lượng tốt vào Mỹ. Sắp tới sẽ có dừa và chanh leo Việt Nam được đưa sang Mỹ. Mỹ luôn có những trao đổi kỹ thuật cho nông dân với các nước trên thế giới, để họ có thể áp dụng cách thực hành tốt nhất, kỹ thuật mới nhất trong trồng trọt, đảm bảo chất lượng sản xuất.
“Chúng tôi luôn mong muốn làm tốt nhất để xúc tiến hợp tác nông nghiệp Việt Nam – Mỹ, để chúng ta sắp tới tạo điều kiện tiếp cận thị trường cho nông sản tiếp cận thị trường hai bên”, bà nói.
Trao đổi với báo chí tại vườn bưởi, bà Taylor bày tỏ hy vọng, sắp tới sẽ có nhiều loại quả Việt Nam được vào thị trường Mỹ, và ngược lại các loại quả của Mỹ sẽ được vào thị trường Việt Nam để tạo nên sự đa dạng cho lựa chọn của người tiêu dùng.
Bà Taylor cho biết, trước khi mở cửa cho loại quả nào, Mỹ và Việt Nam phải đảm bảo loại quả đó không mang theo loại sâu bệnh mới. Bưởi Texas là một trong những giống bưởi ngon nhất của Mỹ, và việc được chọn đưa vào thị trường Việt Nam cũng kèm theo lý do kiểm dịch.
Với lợi thế có vùng đất bãi trù phú ven sông Đáy, trong những năm qua, huyện Hoài Đức tập trung phát triển nhiều loại cây ăn quả, trong đó có bưởi. Mô hình trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGap tại xã Cát Quế là một trong những mô hình cho hiệu quả cao tại huyện Hoài Đức.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hai-thu-truong-my-tham-vuon-buoi-hoai-duc-post1513685.tpo