Hai thương hiệu ngành than Quảng Ninh sắp 'hồi sinh' trên sàn chứng khoán
Thương hiệu Than Đèo Nai và Than Cọc Sáu dự kiến sẽ xuất hiện trở lại trên sàn chứng khoán trong năm 2025 sau khi sáp nhập thành Công ty CP Than Đèo Nai - Cọc Sáu - TKV.
Theo thông tin công bố của của Công ty CP Than Đèo Nai - Cọc Sáu - TKV, sau thời gian thực hiện cơ cấu, sáp nhập, dự kiến trong năm 2025, cổ phiếu của công ty này sẽ được thực hiện niêm yết, giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).
Theo dự kiến, ngày 28/3 Công ty CP Than Đèo Nai - Cọc Sáu - TKV sẽ hoàn thành việc được công nhận là công ty đại chúng. Trên cơ sở đó, ngày 8/5, Công ty CP Than Đèo Nai - Cọc Sáu - TKV sẽ nhận được quyết định niêm yết gần 61,93 triệu cổ phiếu tại HNX.
Trước đó, ngày 25/6/2024, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội hủy niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán đối với Công ty CP Than Đèo Nai và Công ty CP Than Cọc Sáu, do 2 công ty này sẽ hợp nhất với nhau từ ngày 1/7/2024 với tên gọi mới là Công ty CP Than Đèo Nai - Cọc Sáu - TKV nên thuộc trường hợp hủy niêm yết bắt buộc theo quy định.
Về cơ cấu tài chính, sau sáp nhập Công ty CP Than Đèo Nai - Cọc Sáu - TKV có tổng tài sản làm tròn khoảng 2.306 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn hơn 1.284 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ phải trả của đơn vị là hơn 1.638 tỷ đồng với nợ ngắn hạn là hơn 1.280 tỷ đồng.
Trong năm 2024, Công ty CP Than Đèo Nai - Cọc Sáu - TKV đặt mục tiêu khai thác 3,68 triệu tấn than nguyên khai, tiêu thụ hơn 3,6 triệu tấn. Trong đó doanh thu đạt hơn 2.900 tỷ đồng, lợi nhuận từ sản xuất than hơn 40 tỷ đồng.
Sau sáp nhập, ông Nguyễn Trọng Tốt giữ chức Chủ tịch HĐQT và ông Đặng Thanh Bình giữ chức Giám đốc Công ty CP Than Đèo Nai - Cọc Sáu - TKV. Tổng số cán bộ, công nhân viên toàn Công ty CP Than Đèo Nai - Cọc Sáu là gần 3.800 người, với 23 công trường, phân xưởng, 14 phòng ban.
Than Cọc Sáu và Than Đèo Nai là mỏ than lộ thiên lớn nằm cạnh nhau. Cả hai công ty đều đang là công ty con do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) nắm 65% vốn điều lệ. Việc hợp nhất 2 công ty nhằm mục đích nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, giải quyết những khó khăn về ranh giới khai thác, bãi thải cũng như sắp xếp mô hình tổ chức tinh gọn, bố trí lao động hợp lý.