Đoàn tàu tốc hành băng về phía tương lai

Chiều 30/11/2024, với 443/454 (chiếm 92,48%) đại biểu bỏ phiếu tán thành, Quốc hội chính thức thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam, đánh dấu thời khắc lịch sử của đất nước.

Tuyến đường sắt tốc độ cao bắc-nam được đề xuất đầu tư với chiều dài 1.541 km, quy mô đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, hạ tầng thiết kế với tốc độ 350 km/giờ.

Tuyến đường sắt tốc độ cao bắc-nam được đề xuất đầu tư với chiều dài 1.541 km, quy mô đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, hạ tầng thiết kế với tốc độ 350 km/giờ.

Xét cả về quy mô tổng mức đầu tư, cùng tính chất đồng bộ với những đòi hỏi kỹ thuật tiên tiến nhất, có thể khẳng định, dự án này là “vô tiền khoáng hậu” đối với ngành giao thông. Dự án được nghiên cứu cẩn trọng, kỹ lưỡng từ gần 20 năm trước và việc triển khai là bước hiện thực hóa chỉ đạo của Đảng, hiện thực hóa quy hoạch tổng thể quốc gia.

Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, công trình này có tính biểu tượng, mang tầm chiến lược quốc gia và dân tộc, đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh-quốc phòng và hội nhập quốc tế. “Giấc mơ” dự án đường sắt tốc độ cao, đưa đất nước tiến về phía tương lai giàu mạnh, vững bước vào kỷ nguyên mới trở nên gần hơn bao giờ hết!

Thời cơ “vàng”

Lần đầu được triển khai ở nước ta, “siêu dự án” đường sắt tốc độ cao với tiêu chuẩn kỹ thuật-công nghệ phức tạp đòi hỏi nguồn vốn đặc biệt lớn. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, tiềm lực của đất nước đã hội đủ điều kiện để đầu tư, bởi thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 4.284 USD, quy mô nền kinh tế khoảng 430 tỷ USD, gấp gần ba lần so với năm 2010, nợ công xuống ở mức thấp, chỉ khoảng 37% GDP.

Dự kiến thời điểm triển khai dự án vào năm 2027, quy mô nền kinh tế khoảng 564 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người năm 2030 ước đạt 7.500 USD, cao hơn nhiều nước khác khi đầu tư đường sắt tốc độ cao. Ngân hàng Thế giới đánh giá, đây chính là thời điểm “vàng” để Việt Nam đầu tư đường sắt tốc độ cao, nguồn lực đầu tư không còn là trở ngại lớn như cách đây 10-15 năm. Song, để thực hiện thành công dự án, cần huy động tối đa các nguồn lực, trong đó ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo và quyết định.

Theo phương án do Liên danh tư vấn Tedi-Tricc-Tedi South đề xuất, dự án đường sắt tốc độ cao đi qua 20 tỉnh, thành phố, điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì, Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh), chiều dài chính tuyến khoảng 1.541 km, đường đôi điện khí hóa, khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/giờ. Sau khi hoàn thành, dự án có năng lực đáp ứng khoảng 133,5 triệu hành khách/năm (tàu suốt bắc-nam); khoảng 106,8 triệu hành khách/năm (tàu khách khu đoạn); vận chuyển hàng hóa 21,5 triệu tấn/năm.

Đơn vị tư vấn đã rà soát phương án đầu tư, công nghệ, kỹ thuật,… sơ bộ xác định tổng mức đầu tư dự án khoảng 67,34 tỷ USD; trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng 5,88 tỷ USD; xây dựng và thiết bị 38,3 tỷ USD; phương tiện 4,34 tỷ USD,... Dự kiến, kết cấu tuyến đường sắt 60% là cầu cạn, 10% hầm và 30% nền đất, suất đầu tư khoảng 43,69 triệu USD/km. Căn cứ khả năng huy động nguồn lực và các giải pháp, chính sách đặc thù kèm theo, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị đầu tư toàn tuyến, triển khai giải phóng mặt bằng, đấu thầu lựa chọn nhà thầu và khởi công cuối năm 2027; phấn đấu hoàn thành vào năm 2035, sớm hơn 10 năm so với mục tiêu trong Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị.

Xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam sẽ tạo động lực quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững, gắn liền với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Từ kinh nghiệm quốc tế, năng lực hệ thống kết cấu hạ tầng hiện tại, kết quả dự báo nhu cầu vận tải, tư vấn đã kiến nghị đường sắt tốc độ cao chủ yếu thực hiện công năng vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy khẳng định: “Tốc độ 350 km/giờ được đánh giá phù hợp với các tuyến dài từ 800 km trở lên, đồng thời cũng hấp dẫn và thu hút lượng hành khách cao hơn, đáp ứng tiêu chí hiện đại, đồng bộ, có tầm nhìn dài hạn, phù hợp điều kiện địa kinh tế nước ta và xu hướng trên thế giới. Với tốc độ này, thời gian di chuyển giữa Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh chỉ còn 5 giờ 30 phút”.

Quyết tâm chính trị

Ngày 28/2/2023, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 49-KL/TW về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã nêu rõ, đến năm 2025 phải phấn đấu phê duyệt xong chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam; hoàn thành toàn bộ trước năm 2045. Với quan điểm chỉ đạo này, Chính phủ có thêm quyết tâm chính trị đẩy nhanh quá trình hoàn thiện hồ sơ dự án, thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.

Đầu tháng 7/2024, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ cho ý kiến về Đề án, chuẩn bị trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu nghiên cứu lựa chọn tốc độ thiết kế 350 km/giờ; vận tải hành khách là chủ yếu, kết hợp vận tải hàng hóa nhanh và phục vụ quốc phòng-an ninh khi có nhu cầu. Ngày 18/9, Đề án được trình Bộ Chính trị cho ý kiến. Bộ Chính trị thống nhất xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương thông qua chủ trương đầu tư trước khi Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.

Sau khi xem xét, thảo luận, Trung ương thống nhất chủ trương đầu tư dự án, đồng thời nhấn mạnh đây là nhiệm vụ chính trị và ưu tiên nguồn lực đầu tư thực hiện sớm. Có thể nói, sau gần hai thập niên chờ đợi, nhiều lần nâng lên, đặt xuống và tranh luận gay gắt để tìm tiếng nói chung, dự án đang có những bước tiến rất quan trọng, mở ra nhiều cơ hội để sớm triển khai dự án trọng điểm này.

“Với ưu thế lớn về vận tải, tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ góp phần giảm áp lực tập trung dân số, quá tải hạ tầng ở các đô thị, nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Dự án cũng hứa hẹn định hình lại bức tranh kinh tế, nâng tầm vị thế quốc gia thành trung tâm logistics chiến lược trên bản đồ khu vực. Có thể nói, việc đầu tư dự án là cú huých phát triển thể hiện trên nhiều khía cạnh, trong đó có việc mở ra không gian mới, nguồn lực mới thông qua khai thác hiệu quả quỹ đất, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế”, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nhận định.

Tuyến đường sắt tốc độ cao chắc chắn không phải “chiếc đũa thần” giúp giải quyết mọi vấn đề còn tồn tại hay phát sinh, nhưng chắc chắn sẽ mở ra những cơ hội chưa từng có, tạo nền tảng cho đất nước phát triển mạnh mẽ, nhất là giải bài toán hạ tầng chiến lược.

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm đặc biệt nhấn mạnh: “Đất nước đang đứng trước cánh cửa lịch sử để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Thực tiễn nóng bỏng của đất nước đang đặt ra những vấn đề cấp bách cần giải quyết. Nhân dân đang mong chờ và kỳ vọng vào những quyết sách của Đảng, Nhà nước và Quốc hội”. Tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ tốc hành về phía tương lai, đưa đất nước tiến bước vững chắc vào kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, chính là dự án đang được nhân dân hết sức kỳ vọng, mong chờ!

QUANG HƯNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/doan-tau-toc-hanh-bang-ve-phia-tuong-lai-post854411.html