Hai tiểu thư tiệm vải và những ngày kháng chiến không thể quên
Với lợi thế gia đình có tiệm vải sầm uất trên phố Hàng Đào (Hà Nội), hai tiểu thư Từ Ngọc Trang Anh - Từ Ngọc Hoan đã sớm tham gia cách mạng.
Trong khi bà Từ Ngọc Trang Anh đã được chọn làm người đọc lời kêu gọi nhân dân Hà Nội vùng lên Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền, thì người em gái Từ Ngọc Hoan là thành viên tích cực của Hội Phụ nữ cứu quốc thành Hoàng Diệu.
Hòa bình là hạnh phúc
Tại căn nhà nằm sâu trong ngõ 158 phố Ngọc Hà, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình (TP Hà Nội) của cụ Từ Ngọc Hoan (91 tuổi, nguyên Trưởng ban Liên lạc Phụ nữ cứu quốc thành Hoàng Diệu) có kiến trúc cổ kính, phủ đầy cây xanh. Mặc dù tuổi cao, không đi lại được, mái tóc cũng buộc phải cắt ngắn để dễ chăm sóc, nhưng cụ Hoan vẫn còn minh mẫn.
Thấy PV Báo Giao thông đến thăm, cụ Hoan vẫy nhẹ con trai lại, yêu cầu đỡ dậy. Giọng nhỏ nhẹ, cụ bảo, mấy năm nay, sức khỏe yếu, cụ không đi họp Ban liên lạc, đồng đội cũng đều già yếu hết, nên chẳng đến thăm nhau được. “Thi thoảng, tôi nhờ con trai điện cho con cái nhà các cụ ấy hỏi thăm, chỉ cần nghe được chút tin tức về nhau là ấm lòng rồi”, cụ Hoan nói.
Ông Hà Quang Tuấn, con trai út của cụ Hoan cho hay, đã hai năm nay, cụ Hoan không ăn được cơm, chỉ ăn cháo, hoa quả, trái cây. “Nhưng nói chuyện kháng chiến thì mẹ vẫn đòi ngồi lên, ngồi nghe được cả tiếng. Cuộc đời của mẹ, gắn bó với kháng chiến từ ngày còn là thiếu nữ mà”, ông Tuấn nói.
Cụ Hoan cười, chậm rãi tiếp lời con: “Tôi có 3 người con, 2 con trai và 1 con gái, các con đều đã nghỉ hưu và cũng được hơn chục cháu chắt nội ngoại rồi. Cuộc sống chỉ cần hòa bình, con cháu khỏe mạnh là hạnh phúc. Nhiều năm nay, tôi sống chủ yếu với ký ức. Con cháu thường cũng đi làm, cũng có cuộc sống riêng, nên đôi khi ngồi nhớ lại những kỉ miệm ngày xưa, tôi cứ cười một mình”.
Theo ông Tuấn, do cụ Hoan có hai năm tiền khởi nghĩa là cán bộ lão thành cách mạng, nên khi nghỉ hưu, được Đảng, Nhà nước quan tâm, lương hưu của cụ rất cao. “Là tiểu thư lá ngọc cành vàng từ bé, rồi nghỉ hưu lương cũng cao, nhưng mẹ tôi quen nếp sống rất tiết kiệm, giản dị. Bởi, những ngày gian khổ kháng chiến, mới là những ngày đậm sâu trong ký ức của bà”, ông Tuấn nói.
Chị đọc lời kêu gọi tổng khởi nghĩa, em cầm súng yểm trợ
Cùng sự giúp đỡ của người con trai út, cụ Hoan đã kể lại những hồi ức của những ngày kháng chiến sục sôi trước Cách mạng Tháng Tám 1945. Theo lời kể, gia đình cụ có 7 anh chị em, lúc đó sống tại ngôi nhà số 6 phố Hàng Đào. Sát ngôi nhà của cụ là nhà số 10 - ngôi trường của Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục.
Khâm phục nghĩa khí của các bậc tiền bối và chứng kiến cảnh nhân dân cực khổ, lầm than, gia đình cụ đã sớm giác ngộ cách mạng. Tiệm vải của gia đình nhanh chóng trở thành nơi nuôi dưỡng, bảo vệ nhiều cán bộ Đảng hoạt động bí mật như đồng chí Vũ Oanh, Mười Hương, Nguyễn Văn Phương… Đây cũng là điểm xuất phát của một số tổ Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, đội Thanh niên xung phong Hoàng Diệu… đi rải truyền đơn, dán áp phích, đưa diễn giả đi diễn thuyết.
“
Tôi vẫn dặn con cháu, thế hệ chúng tôi đã già yếu, nhiều người khuất bóng. Giờ các cháu con lớn lên trong thời bình, có điều kiện để học tập, cống hiến thì hãy luôn nỗ lực để cuộc sống của bản thân và đất nước ngày càng tốt đẹp hơn.
Cụ Từ Ngọc Hoan
”
Hai tiểu thư của tiệm vải là cụ Hoan và cụ Từ Ngọc Trang Anh (hơn cụ Hoan 2 tuổi) còn đang là học sinh trường Đồng Khánh tham gia vào các nhiệm vụ: Giao thông liên lạc, canh gác cho cán bộ họp, đưa đón cán bộ ra vào nội, ngoại thành.
“Do lợi thế nhà mở cửa hiệu bán vải lụa, tạp hóa, người ra vào mua bán tấp nập, địch ít chú ý nên đã tạo điều kiện bảo đảm an toàn cho cán bộ hoạt động”, cụ Hoan kể.
Thời điểm đó, sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh, Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội đã lệnh cho Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu lựa chọn một nữ diễn giả gan dạ, mưu trí, sẵn sàng hy sinh, cùng với một tổ đến cướp diễn đàn, phá cuộc mít tinh do Tổng hội Viên chức tổ chức để ủng hộ chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim vào chiều ngày 17/8/1945 tại Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội. Cụ Từ Ngọc Trang Anh, lúc đó chưa đầy 18 tuổi, được chọn làm nữ diễn giả gan dạ đó.
Lúc đó, cụ Trang Anh và cụ Hoan đại diện cho lực lượng nam nữ thanh niên Thủ đô và cũng là đại diện cho Việt Minh tại Hà Nội trà trộn ngay sát bục diễn đàn. Cụ Hoan vẫn nhớ, cụ Trang Anh lúc đó mặc chiếc áo dài màu hồng nhạt cùng Tổ trưởng Thái Hy và Phan Lê tiến sát bục diễn đàn. Rồi rất nhanh, đồng chí Phan Lê đòi ban tổ chức cuộc mít tinh đưa micro chuyển cho cụ Trang Anh đọc ngay lời kêu gọi nhân dân Hà Nội vùng lên Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền, đả đảo chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim, ủng hộ Việt Minh.
“Chị Trang Anh đọc lời kêu gọi nhân dân vùng lên Tổng khởi nghĩa rất rõ ràng, mạch lạc. Tôi được trang bị một khẩu súng nhỏ, thực hiện nhiệm vụ được giao là đứng dưới khán đài, lặng lẽ yểm trợ cho chị Trang Anh và đồng chí Phan Lê, nghe lời kêu gọi của chị Trang Anh, thấy tâm thế cũng như hàng vạn người có mặt tại quảng trường, được tiếp thêm khí phách hào hùng, tinh thần sục sôi cách mạng”, cụ Hoan xúc động nhớ lại.
Hoàn thành lời kêu gọi toàn dân tham gia tổng khởi nghĩa, chị em cụ Hoan nhanh chóng hòa mình vào dòng người đang phấn khích, reo hò ủng hộ cách mạng, ủng hộ Việt Minh để khẩn trương trở về ngôi nhà số 6 Hàng Đào thay quần áo, hoạt động buôn bán bình thường coi như không có chuyện gì xảy ra. Ngay tối hôm đó, tiệm vải lại gấp rút cắt vải lụa may cờ đỏ sao vàng để kịp đưa tới các công sở, các phố đông dân cư quanh hồ Gươm treo cờ trong ngày 19/8/1945.
Nối gót chị những ngày ấy, cụ Hoan tham gia đội Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu, nhận nhiệm vụ nhận truyền đơn, sách báo (báo Cờ Giải phóng, Cứu quốc), tài liệu đi rải, nhiều khi cả súng đạn; đưa đón các cán bộ cấp cao đến điểm họp an toàn...
Trước ngày Nhật đảo chính Pháp, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, trường Đồng Khánh nơi cụ Trang, cụ Hoan theo học sơ tán về Hưng Yên. Nhận nhiệm vụ chuyển Chỉ thị về Thủ đô, chị em cụ Hoan đã ăn mặc thật đẹp, cuộn Chỉ thị nhét sâu xuống đáy hộp bánh kẹo, rồi đóng vai về Hà Nội đi sự sinh nhật. Hai chị em đi bộ ròng rã vượt mấy chục cây số từ Hưng Yên về Hà Nội, thoát khỏi nhiều chốt trực của giặc, hoàn thành nhiệm vụ tổ chức giao phó.
Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, hai chị em cụ Hoan tiếp tục tham gia vào các công tác cách mạng. Năm 1985, nghỉ hưu, cụ Hoan vẫn tiếp tục tích cực tham gia công tác Đảng, làm Trưởng ban Liên lạc Phụ nữ cứu quốc thành Hoàng Diệu.