Hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị dồn sức chống hạn
Mấy tháng nay, tại các tỉnh, thành phố khu vực miền trung, trong đó Quảng Bình và Quảng Trị trời nắng nóng gay gắt, không có mưa khiến lượng nước trong các hồ, đập giảm nhanh dẫn đến hàng nghìn héc-ta lúa vụ hè thu 2019 thiếu nước tưới. Những ngày này, chính quyền và nông dân hai địa phương nói trên đang dồn sức chống hạn...
Mấy tháng nay, tại các tỉnh, thành phố khu vực miền trung, trong đó Quảng Bình và Quảng Trị trời nắng nóng gay gắt, không có mưa khiến lượng nước trong các hồ, đập giảm nhanh dẫn đến hàng nghìn héc-ta lúa vụ hè thu 2019 thiếu nước tưới. Những ngày này, chính quyền và nông dân hai địa phương nói trên đang dồn sức chống hạn...
Nhiều hồ dưới mực nước “chết”
Cuối năm 2018, do lượng mưa ít dẫn đến lượng nước các hồ, đập ở hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị đều chỉ đạt từ 40 đến 70% dung tích thiết kế (DTTK). Thời tiết khắc nghiệt từ đầu năm đến nay với nắng nóng gần 40oC kéo dài khiến lượng nước dự trữ ngày càng khô cạn. Một số hồ chứa đã trơ đáy hoặc ở dưới mực nước “chết”.
Giám đốc Công ty TNHH MTV quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình Trần Hồng Quảng cho biết: “Đầu vụ sản xuất, chỉ có ba trong số 17 hồ chứa do đơn vị quản lý có mực nước đạt DTTK, còn lại chỉ đạt bình quân 40 đến 50%, có hồ còn thấp hơn. Hồ Vực Sanh tại huyện Bố Trạch có DTTK 3,2 triệu mét khối nước. Đến đầu tháng 6, mực nước trong hồ đã xuống dưới mực nước “chết”. Khi xuống lòng hồ, chúng tôi thấy cửa cống xả áp nằm cao hơn mực nước 1 m. Cách cửa cống lấy nước một đoạn, đơn vị quản lý đào sâu xuống để kéo máy bơm lấy nước về. Hiện trong hồ còn khoảng 400 nghìn mét khối cho nên không thể lấy nước tưới được mà chỉ ưu tiên bơm cho người dân hai xã Bắc Trạch và Mỹ Trạch sử dụng”.
Huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình có ba hồ chứa nước lớn là Vực Tròn, Tiên Lang và Trung Thuần, phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho toàn vùng. Tuy nhiên, do không tích đủ nước cho nên đến đầu tháng 6, chỉ còn hồ Vực Tròn đủ khả năng tưới, mực nước ở hai hồ Tiên Lang và Trung Thuần chỉ đạt 10 đến 15% DTTK, không thể tưới cho vụ hè thu của các xã vùng trung và phía tây Quảng Trạch. Ở các cánh đồng vùng trung của huyện, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào các hồ chứa nhưng nhiều nơi vừa xuống giống đã nứt nẻ, cây lúa bạc đầu, cháy khô. Ở nhiều xã như Quảng Lưu, Quảng Thạch, có ruộng lúa phải bỏ hoang. Tuyến kênh Kênh Kịa chạy xuyên qua trung tâm huyện Quảng Trạch dài hơn 10 km phục vụ cho các trạm bơm hiện phơi đáy dưới nắng.
Tại tỉnh Quảng Trị, nhiều sông cung cấp nguồn nước tưới cho sản xuất đã cạn nước. Mực nước sông Cánh Hòm ở huyện Gio Linh chỉ còn 20 cm. Sông Hiếu, đoạn qua huyện Cam Lộ chỉ đủ lưu lượng bơm cho hai máy/sáu máy bơm thiết kế. Nếu mực nước sắp tới hạ thấp xuống dưới 30 cm thì trạm bơm Cam Lộ sẽ phải ngừng hoạt động, 800 ha lúa của huyện Cam Lộ có nguy cơ mất trắng. Trong lúc đó, trên sông Bến Hải, nước mặn đã xâm nhập thượng nguồn, vượt xa cầu Tiên An, cách cửa biển hơn 15 km; trên sông Hiếu, nước mặn đã xâm nhập đến cầu Đuồi, cách TP Đông Hà 12 km, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp.
Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị Lê Văn Trường, hiện lượng nước còn lại ở các hồ, đập chỉ đạt trung bình 48,2% so với DTTK. Trong đó, thấp nhất là hồ Tân Kim chỉ đạt 29,2%, hồ Trúc Kinh 37,8%, hồ La Ngà đạt 34,1%. Nắng nóng và gió phơn thổi mạnh ngày đêm càng khiến nước bốc hơi nhanh, lượng hao hụt nhiều. Đến cuối tháng 6, tỉnh Quảng Trị đã có hàng nghìn héc-ta lúa bị hạn nặng, có khả năng mất trắng.
Nỗ lực cứu lúa
Xác định nguồn nước tưới ngày càng cạn kiệt cho nên giải pháp tưới hợp lý và tiết kiệm nước được Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình đưa lên hàng đầu. Đơn vị đã lắp đặt bảy cụm bơm dã chiến để đưa nước về đồng ruộng. Tại trạm bơm dã chiến cầu Đồng Cửa, xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch đang có hai máy bơm nước từ hói Bờ Rào xả vào tuyến kênh chính chảy về cánh đồng 260 ha của xã Bắc Trạch. Ông Nguyễn Văn Quang, công nhân trực cho biết: “Lúa hè thu đang ở giai đoạn sinh trưởng mạnh, nếu thiếu nước sẽ ảnh hưởng đến năng suất cho nên chúng tôi bơm liên tục để tưới đủ cho lúa”. Mấy hôm nay, tất cả các trạm bơm dã chiến ở huyện Bố Trạch đều vận hành hết công suất để đưa nước vào các tuyến kênh chính để chống hạn.
Tại huyện Quảng Trạch (Quảng Bình), do ao, đầm đều cạn khô cho nên việc chống hạn hết sức gian nan. Theo kế hoạch, vụ hè thu này, toàn huyện xuống giống 3.400 ha song do thiếu nước cho nên chỉ thực hiện được hai phần ba diện tích. Huyện Quảng Trạch đã chỉ đạo những xã bị hạn nặng như Quảng Lưu, Quảng Thạch, Quảng Liên… chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý để tránh bỏ đất hoang song giải pháp này cũng không hiệu quả do nắng hạn triền miên.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, Hồ Xuân Hòe cho biết, thời tiết năm nay so với mọi năm rất bất thường, nắng hạn kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Sở đã yêu cầu các công ty thủy lợi phối hợp các xã triển khai ngay các biện pháp cấp bách chống hạn và xâm nhập mặn như đắp đập tạm trên sông Hiếu đoạn hạ lưu trạm bơm huyện Cam Lộ để trữ và dâng cao mực nước, bơm tưới cho gần 400 ha lúa; đắp đập ngăn mặn Vĩnh Phước tạo nguồn bơm tưới cho 250 ha lúa của TP Đông Hà; điều tiết nguồn nước từ hồ Hà Thượng bổ sung tạo nguồn cho sông Cánh Hòm; nạo vét một số đoạn trên sông Cánh Hòm và kênh tiêu Hà Mã để giữ nước, tạo nguồn bơm chống hạn cho gần 400 ha lúa ở huyện Gio Linh; lắp đặt trạm bơm dã chiến Lâm Cao, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh tưới cho diện tích lúa cuối nguồn. Ngoài ra, chính quyền các xã cũng vận động, hỗ trợ các hợp tác xã, hộ gia đình lắp đặt các máy bơm dã chiến để bơm cứu lúa.