Hai trận cầu lịch sử trong Ngày Quốc khánh 2-9

Đúng ngày này cách đây tròn nửa thế kỷ, ngày 2-9-1970, sân Hàng Đẫy diễn ra trận giao hữu quốc tế đặc biệt. Nói đặc biệt bởi thời điểm ấy miền Bắc vừa trải qua giai đoạn bị Mỹ đánh phá khốc liệt chỉ thỏa thuận ngừng chiến tạm thời để người dân vui Tết Độc lập. Lập tức, Cuba cử đội tuyển sang thi đấu hữu nghị. Khỏi nói sự háo hức mong chờ của người Hà Nội vì ghiền bóng đá, Giải vô địch miền Bắc phải dời về thi đấu ở các vùng quê hẻo lánh để tránh bom đạn.

Đội bóng đá Thể Công (trực thuộc Trường Sĩ quan lục quân Việt Nam) thi đấu với đội tuyển bóng đá quốc gia Cuba, phục vụ Quốc khánh 2-9-1970. Ảnh: Tư liệu

Đội bóng đá Thể Công (trực thuộc Trường Sĩ quan lục quân Việt Nam) thi đấu với đội tuyển bóng đá quốc gia Cuba, phục vụ Quốc khánh 2-9-1970. Ảnh: Tư liệu

Trước ngày thi đấu, tướng Vương Thừa Vũ đến thăm đội Thể Công và chuyển lời dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Đội Cuba đại diện cho nhân dân Cuba sang thăm chúng ta giữa lúc chiến tranh ác liệt thế này rất đáng quý. Chúng ta phải đá hữu nghị nhưng hết sức mình. Các đồng chí phải cùng các cầu thủ Cuba đá thật đẹp, thật hay chào mừng Quốc khánh 2-9”.

Ngày diễn ra trận đấu, cả Hà Nội như lên cơn sốt. Sân Hàng Đẫy chật kín khán giả, tràn cả ra đường piste. Ngoài đường phố, người dân vây kín các cột điện để nghe Đài Tiếng nói Việt Nam tường thuật trực tiếp. Với sự vượt trội về thể hình, thể lực, đội Cuba dẫn trước 2 bàn ngay trong hiệp 1. Trời thu Hà Nội đổ mưa lớn nhưng khán giả không ai chịu ra về sớm. Vào giờ nghỉ giải lao, HLV Mười Tiền - một người con miền Nam nhưng thành danh trên đất Bắc, năm 1976 trở về làm Giám đốc Sở TDTT Tiền Giang quê hương ông - chỉ đạo các cầu thủ Thể Công đẩy cao đội hình, chơi pressing toàn sân. Ông yêu cầu các tiền vệ tập trung nhồi bóng cho cầu thủ Ba Đẻn (Nguyễn Thế Anh). Và chính đôi chân vòng kiềng ma thuật của tiền đạo này đã rút ngắn tỷ số 1-2 sau đường tạt bóng sát đường biên ngang của cầu thủ Thái Nguyên Bền. Cả sân vỡ òa hò reo vang dậy.

Được tiếp thêm sức mạnh, đội Thể Công tấn công dồn dập và 5 phút sau đó được hưởng quả phạt đền, cầu thủ Phan Văn Mỵ bình tĩnh san hòa 2-2. Chưa dừng lại, các chàng trai thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam còn hoàn tất cuộc lội ngược dòng ngoạn mục. 2 phút trước khi hết giờ, một đường phất bóng dài từ sân nhà đến tiền đạo Ba Đẻn, anh khẽ chích mũi giày đưa trái bóng vượt qua hậu vệ rồi lật nhanh vào trong cho cầu thủ Viết Cầu lao vào như một mũi tên sút nối bóng tung lưới thủ môn Cuba. Khán giả trên sân bật cả dậy ôm nhau, nhảy múa, tung mọi thứ có trên tay trong niềm vui sướng tột đỉnh. Còn Hà Nội như rung chuyển bởi những tiếng hò reo, phấn khích. Cả biển người kéo về vây kín sân Hàng Đẫy để chúc mừng chiến thắng lịch sử và xem mặt các thần tượng. Xe không thể di chuyển nên các cầu thủ Thể Công phải xách giày đi bộ về doanh trại ở Cột Cờ trong tiếng hò reo của người hâm mộ. Trên đường về, bất ngờ đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất hiện chúc mừng chiến thắng tuyệt vời của các cầu thủ Thể Công trong ngày đại lễ của dân tộc.

Ở miền Nam, chỉ 4 tháng sau ngày đất nước thống nhất, trong ngày đón Quốc khánh đầu tiên của người Sài Gòn cũng đánh dấu bằng 1 trận cầu lịch sử. Ngày 2-9-1975, sân Cộng Hòa còn ngổn ngang dấu vết chiến tranh đã đón hơn 20 ngàn khán giả chật kín xem trận đấu bóng đá đầu tiên sau ngày giải phóng. Những thần tượng của đội tuyển miền Nam, trong đó có những cầu thủ từng khoác áo bộ tổng tham mưu, cảnh sát, không quân, hải quân chế độ cũ, được quy tụ trong thành phần 2 đội bóng mới. Hải quan có thủ môn Hồ Thanh Chinh, Phạm Văn Lắm, Trung, Quang, Hồ Thanh Cang, Nguyễn Văn Tám, Tiết Anh, Nguyễn Văn Ngôn…; Ngân hàng là Võ Thành Sơn, Quang Đức Vĩnh, Lê Văn Tâm (cha của cầu thủ, HLV Lê Huỳnh Đức)… Trận đấu có sự dự khán của Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Nguyễn Hữu Thọ và Hải Quan thắng 3-1, đánh dấu sự “phục sinh” của bóng đá miền Nam.

Trường Xuyên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/thethao/202009/hai-tran-cau-lich-su-trong-ngay-quoc-khanh-2-9-3020158/