Hai triệu thanh niên thất nghiệp, nguy cơ một thế hệ bị 'phong tỏa'
Dịch COVID-19 khiến hơn 2 triệu thanh niên thất nghiệp. Theo các chuyên gia chính sách công, đây là sự lãng phí rất lớn khi họ đang trong độ tuổi sung sức nhất. Việc nghiên cứu các chính sách, đặc biệt là vấn đề việc làm để tận dụng nhóm lao động này trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp, không qua đào tạo của Việt Nam đang tăng cao
Thanh niên thất nghiệp tăng cao
Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa có báo cáo về tác động của dịch COVID-19 đến thị trường lao động quý 1/2021. Theo đó, lực lượng lao động quý 1 năm 2021 là 51 triệu người, giảm 1,1 triệu người so với quý trước và giảm 180,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số người thất nghiệp rơi vào khoảng 1,1 triệu người (tăng 12,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước).
Đáng chú ý, trước tác động của dịch COVID-19, thanh niên (từ 15-24 tuổi) lại là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất. Tỷ lệ nhóm này không có việc làm và không tham gia học tập hoặc đào tạo (NEET) trong quý 1 là 16,3%, tương đương gần 2 triệu thanh niên, tăng 51.600 người so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới việc tìm kiếm việc làm cũng như học tập của thanh niên, khiến tỷ lệ thanh niên thất nghiệp, không tham gia học tập và đào tạo tăng lên. Việc tận dụng nhóm lao động trẻ tiềm tăng này cũng trở nên hạn chế hơn nhiều.
Trước khi dịch COVID-19 xảy ra, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng của Việt Nam chiếm khoảng 4%. Sau đó bắt đầu tăng lên 4,8% vào quý 1/2020 và lên tới 6% vào quý 2/2020. Khi Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh, tỷ lệ này giảm xuống còn 4,4% vào quý 4/2020; sau đó tăng lên thành 4,9% vào quý 1/2021. “Việc nghiên cứu các chính sách để tận dụng nhóm lao động này càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết”, ông Nam khuyến nghị.
Theo một nghiên cứu được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã tăng hơn 3%, trong đó 6 nước có tỷ lệ tăng nhanh nhất, gồm: Australia, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Trung Quốc và Việt Nam. Ở tất cả các nền kinh tế này, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đều tăng cao hơn tỷ lệ của người trưởng thành.
Bà Sara Elder, Trưởng bộ phận Phân tích Kinh tế và Xã hội Khu vực của ILO, cho biết, nếu thanh niên không được quan tâm thích đáng, cuộc khủng hoảng này có nguy cơ tạo nên một “thế hệ bị phong tỏa” khiến thanh niên phải gánh chịu hệ quả nhiều năm sau nữa.
“Những lao động trong độ tuổi thanh niên thường ưa thích những ngành nghề mới của thị trường. Họ là lực lượng thích nghi nhanh với sự thay đổi. Chẳng hạn, khi dịch COVID-19 xảy ra, việc bán hàng qua thương mại điện tử rất phát triển. Nhưng ở các cơ sở đào tạo nghề, chúng ta không có những chuyên ngành này nên không chuyển đổi việc được cho thanh niên”.
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông
Theo đại diện ILO, có 3 phương diện mà dịch COVID-19 tác động đến thanh niên, gồm: Giảm thời giờ làm việc, thu nhập; gián đoạn trong việc giáo dục, đào tạo; khó khăn trong quá trình xin việc làm (sau khi học xong) và chuyển đổi công việc.
Cần giải pháp hỗ trợ khẩn cấp
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông cho rằng, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp và không qua đào tạo của Việt Nam cao, một phần đến từ khâu đào tạo nghề. Theo ông Đồng, trước nay lao động thất nghiệp đi học nghề đều qua trung tâm dịch vụ việc làm, nhưng hầu hết các đơn vị này trong nhiều năm vẫn đào tạo một vài ngành như lái xe ô tô, sửa chữa, nấu ăn…nên gây nhàm chán cho học viên.
Ông Đồng cho rằng, muốn hấp dẫn được các thanh niên học nghề, đầu tiên phải thay đổi cách thức đào tạo của các cơ sở. Nhà nước phải đa dạng hóa các đơn vị đào tạo nghề, trong đó cho phép và khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề tư nhân tham gia đào tạo. Khi lao động muốn học nghề, họ có thể đến đăng ký ở bất kỳ đơn vị nào có ngành nghề phù hợp hoặc nghề theo nhu cầu thị trường đang cần, còn Nhà nước hỗ trợ cơ chế và chi phí. Còn các đơn vị đào tạo, muốn thu hút được lao động học nghề phải liên tục đổi mới và cập nhật các ngành nghề theo xu hướng của thị trường. Từ đó tạo được cơ chế cạnh tranh trong việc học và đào tạo.
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, con số 2 triệu lao động thanh niên thất nghiệp, chưa qua đào tạo là rất lớn, thể hiện sự lãng phí đối với lực lượng lao động trẻ, cũng như bất cập trong công tác đào tạo nghề cho thanh niên hiện nay.
Theo ông Nam, để giải quyết tình trạng này, các đơn vị đào tạo cần phối hợp với các tổ chức nghiên cứu khảo sát thị trường việc làm để hướng người lao động học những ngành nghề thị trường đang có nhu cầu; phối hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội tổ chức tuyển dụng đào tạo nghề cho thanh niên. Ngoài ra, tập trung đào tạo các kỹ năng cho thanh niên, giải quyết những trở ngại mà doanh nghiệp e ngại.
Theo các chuyên gia chính sách công, trong bối cảnh này cần có các giải pháp hỗ trợ khẩn cấp cho thanh niên, đồng thời thay đổi phương thức đào tạo nghề để thu hút lực lượng lao động trẻ tham gia quá trình đào tạo.