Hải trình chí lược - tư liệu quý về Phú Yên đầu thế kỷ XIX

Cùng với Lịch triều hiến chương loại chí - tác phẩm được xem là 'bách khoa thư đầu tiên của Việt Nam', Hải trình chí lược là đóng góp quan trọng của Phan Huy Chú (1782-1840) đối với nền văn hiến nước nhà, đặc biệt là những ghi chép về tình hình biển đảo nước ta dưới thời vua Minh Mạng.

Hải trình chí lược (lược ghi trên hành trình vượt biển) được hoàn thành năm 1833, là kết quả sau chuyến đi công cán bằng đường biển của Phan Huy Chú cùng phái bộ đến Tân Gia Ba (Singapore) và Giang Lưu Ba (Batavia, Indonesia) vào mùa đông năm 1832. Đây được xem là một trong những tác phẩm sớm nhất ghi lại hành trình vượt biển đi về phương Nam, đến các nước vùng Hạ Châu/Nam Dương ở đầu thế kỷ XIX.

Bìa sách Hải trình chí lược

Bìa sách Hải trình chí lược

Tư liệu quý về biển đảo

Hải trình chí lược được viết bằng chữ Hán, gồm hai phần. Phần đầu ghi lại hải trình từ vùng biển Quảng Nam đến Côn Đảo trước khi rời lãnh hải nước ta để vào vịnh Thái Lan, đến Singapore. Phần sau ghi chép những điều tác giả quan sát được tại các nước lân bang. Tác phẩm có giá trị về nhiều mặt, trong đó, phần đầu là tư liệu quý về tình hình biển đảo nước ta cách đây gần 200 năm.

Mở đầu Hải trình chí lược, Phan Huy Chú lược ghi về vùng biển Quảng Nam và Quảng Ngãi với hai trọng tâm là Cù Lao Chàm và Cù Lao Ré (Lý Sơn). Ở phần về Bình Định, tác giả tập trung vào cửa Thời Phú, núi Vọng Phu và cửa Thị Nại. Phần về Phú Yên chiếm dung lượng tương đối lớn với hai địa danh chính là cửa tấn Vũng Lấm (hay còn gọi là Vũng Lắm) và núi Thạch Bi.

Trong nguyên văn của tác phẩm, Phan Huy Chú dùng hai chữ Hán “vịnh lâm” để ghi cho tên Nôm của địa danh là Vũng Lấm. Đây là nơi sông Cầu đổ ra biển, thông với vịnh Xuân Đài. Đây cũng là một trong những cửa biển lớn và gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của Phú Yên.

Tuy nhiên, trong phần ghi chép của Phan Huy Chú, ông chỉ tập trung miêu tả về đặc điểm địa lý tự nhiên của cửa biển này: “Cửa tấn Vũng Lấm của Phú Yên, bốn bên núi vây quanh, có một cảng cho thuyền đi qua. Trong cửa tấn rộng như cái đầm lớn. Trên bờ, nhà cửa vườn cây liên tiếp trù mật. Cảnh sắc cũng đẹp nhưng ngoài cửa tấn, nhiều núi, mỗi khi gió nổi lên thì sóng to cuồn cuộn, làm người ta kinh sợ”.

Tác giả cũng cho biết thuyền của phái bộ vào cửa Vũng Lấm một ngày, nửa đêm lại ra khơi và gặp gió lớn, “tiếng sóng như muôn ngựa phi dồn, thuyền bị nghiêng ngửa tới ba bốn lần rất là nguy hiểm”. Điều này để lại ấn tượng mạnh đối với tác giả, khiến ông ví von rằng sóng dữ của hồ Động Đình bên Trung Quốc cũng không bằng ở cửa tấn này.

Tự hào về hành trình Nam tiến

Ở phần viết về núi Đá Bia, bên cạnh một ít thông tin về đặc điểm hình thể, vị trí địa lý (“Núi Thạch Bi dựng đứng ở bờ biển, gần với núi Đèo Cả, là địa giới cuối cùng của Phú Yên”), tác giả Phan Huy Chú không quên nhắc lại sự kiện lịch sử vô cùng nổi tiếng gắn với địa danh này: “Đó là nơi Triều Lê trước đã khắc đá. Khi vua Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, bắt được chúa của họ là Trà Toàn, rồi khải hoàn. Bèn lấy đất ấy đặt làm Quảng Nam thừa tuyên, khắc bia đá trên bờ biển làm mốc giới”.

Vị trí đặc biệt của núi Đá Bia trên hành trình Nam tiến của dân tộc cũng được tác giả đề cập đến trong phần ghi tiếp sau đó: “Thời Hồng Đức thịnh vượng, cương giới đến đây. Từ núi này ra ngoài coi như vùng đất hoang bỏ đi. Từ khi triều đại nay (tức các chúa Nguyễn) tiếp tục cai trị, an định Nam Hà (tức Đàng Trong). Vua Thái Tông hoàng đế (tức chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần) đánh Chiêm Thành, lấy lại đất đặt làm hai phủ Diên Khánh, Bình Khang tức là Bình Hòa ngày nay trở vào. Các Thánh tiếp nối khai thác vào tận biển Nam”.

Kết thúc phần viết về Thạch Bi Sơn, cũng là phần về Phú Yên, tác giả không giấu được niềm tự hào sâu xa về hành trình Nam tiến mở cõi của các thế hệ tiền nhân: “Nhìn xa thấy cửa biển vách đá mà tưởng tượng thấy sự phân hợp cương thổ khác nhau, bất giác kính cẩn việc đời xưa”.

Có thể thấy, viết về vùng biển Phú Yên, Phan Huy Chú không chỉ cung cấp nhiều thông tin quan trọng mà còn thể hiện niềm yêu quý, tự hào sâu sắc của một nhà bác học lớn luôn nặng lòng với đất nước. Tác phẩm là một trong những nguồn tư liệu đương thời giá trị về Phú Yên đầu thế kỷ XIX.

Phan Huy Chú tự Lâm Khanh, hiệu Mai Phong, người làng Thụy Khuê (nay là Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội), là tác gia xuất sắc của dòng họ Phan Huy lừng lẫy, nhà khoa học, danh nhân văn hóa lớn của nước ta thời Nguyễn. Trong sự nghiệp trước thuật đồ sộ của ông,

Hải trình chí lược

có vị trí quan trọng trong bộ phận tác phẩm về biển đảo Việt Nam ở thời trung đại.

PHẠM TUẤN VŨ

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/94/321695/hai-trinh-chi-luoc-tu-lieu-quy-ve-phu-yen-dau-the-ky-xix.html