Hải trình mang Tết đến Nhà giàn (Bài 1)

>>> Bài 1: Những cột mốc giữa trùng khơi

Hai đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân vừa hoàn thành chuyến hải trình mang Tết đến Nhà giàn, kiểm tra trực sẵn sàng chiến đấu, động viên, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ (CBCS) đang làm nhiệm vụ nơi tiền tiêu Tổ quốc.

Thành viên đoàn công tác chụp hình với cán bộ chiến sĩ nhà giàn DKI/9. Ảnh: N.HÀ

Thành viên đoàn công tác chụp hình với cán bộ chiến sĩ nhà giàn DKI/9. Ảnh: N.HÀ

Đoàn công tác số 2 trên tàu Trường Sa 16 do đại tá Trần Chí Tâm, Phó tham mưu trưởng Vùng 2 Hải quân làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết các nhà giàn: DKI/9, DKI/20, DKI/21 (cụm Ba Kè); DKI/8, DKI/9 (cụm Quế Đường); DKI/7 (cụm Huyền Trân); DKI/2, DKI/16, DKI/17 và DKI/18 (cụm Phúc Tần). Đoàn số 1 do đại tá Trần Hồng Hải, Phó chính ủy Vùng 2 làm trưởng đoàn đến thăm, động viên các nhà giàn: DKI/15 (cụm Phúc Nguyên); DKI/11, DKI/12, DKI/14 (cụm Tư Chính), DKI/10 (bãi cạn Cà Mau), tàu trực, trạm radar, khối cơ quan dân chính đảng H.Côn Đảo.

Trước giờ khởi hành, thủ trưởng Vùng 2 đã cung cấp thông tin về các nhà giàn DKI. Theo đó, 35 năm trước, ngày 5-7-1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ra Chỉ thị số 180/CT về việc xây dựng cụm dịch vụ kinh tế - khoa học - kỹ thuật trên thềm lục địa phía Nam (gọi tắt là Nhà giàn DKI) thuộc đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện nay). DKI hiện thuộc sự quản lý của Tiểu đoàn DKI, Vùng 2 Hải quân nhằm khai tiềm năng và lợi thế tự nhiên ở thềm lục địa của Tổ quốc, phục vụ phát triển kinh tế trước mắt và lâu dài của đất nước.

Khu vực DKI nếu lấy bãi cạn Quế Đường là vị trí gần trung tâm nhất thì khoảng cách từ bãi Quế Đường đến Vũng Tàu là 254 hải lý; đến các đảo Tri Tôn của quần đảo Hoàng Sa khoảng 481 hải lý; đến đảo Trường Sa, quần đảo Trường Sa khoảng 99 hải lý. Khoảng cách từ bãi Quế Đường đến bãi Phúc Nguyên khoảng 32 hải lý; đến bãi Tư Chính khoảng 55 hải lý; đến bãi Phúc Tần 16 hải lý và đến bãi Ba Kè khoảng 74 hải lý…

Thúc giục từ hướng biển

Khu vực DKI nằm án ngữ đường hàng hải quốc tế quan trọng từ Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á và tuyến đường hàng hải chính qua biển Đông. Là khu vực biển có nguồn hải sản phong phú, trữ lượng lớn trong đó có nhiều loài thuộc dòng quý hiếm có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, có vai trò vô cùng quan trọng cả về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước. Song do điều kiện thời tiết, khí hậu, hải văn ở đây diễn biến rất phức tạp nên gây nhiều khó khăn cho các hoạt động tuần tra, kiểm soát, đóng quân, chốt giữ bảo vệ chủ quyền biển, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Thành viên đoàn công tác xuống xuồng sang nhà giàn

Thành viên đoàn công tác xuống xuồng sang nhà giàn

Trên thềm lục địa phía Nam hiện có tất cả 15 nhà giàn DKI. Ở đó, có CBCS của Tiểu đoàn DKI (Vùng 2 Hải quân) đóng quân, trực gác suốt ngày đêm. Gần 35 mùa xuân qua đi, các thế hệ CBCS nhà giàn đón Tết giữa biển khơi, vững vàng nơi muôn trùng sóng gió, đảm bảo bình yên cho đất liền đón những mùa xuân ấm… Những thông tin về tầm quan trọng của nhà giàn, nhất là những gian khó, vất vả của CBCS đang ngày đêm canh giữ biển, trời Tổ quốc đã thúc giục chúng tôi… ra biển.

Đúng 9 giờ 20 ngày 9-1-2024, biên đội tàu của Vùng 2 đã đưa chúng tôi đến với CBCS trên các nhà giàn DKI, các tàu trực thực hiện hải trình mang mùa xuân ra biển. Thời tiết cuối năm, biển động, ảnh hưởng từ các đợt gió mùa Đông Bắc nên sóng to, sức gió lớn, dòng chảy mạnh, con tàu vận tải ngàn tấn trở nên nhỏ bé giữa đại dương mênh mông. Những đợt sóng cao 5-6m không chỉ ập lên mạn, boong tàu mà còn tràn cả vào phòng ngủ của thành viên đoàn công tác.

Hơn nửa tháng thực hiện hải trình trên biển, chỉ có nhà giàn DKI/9 và DKI/21 thuộc cụm Ba Kè là đoàn công tác được trực tiếp đặt chân chạm mốc chủ quyền; được thăm, động viên, tìm hiểu cuộc sống của CBCS nơi trùng khơi Tổ quốc; các nhà giàn còn lại phải thực hiện phương án chúc Tết khác.

Ngày đầu tiên xuất phát, thành viên đoàn công tác ai cũng háo hức, vui vẻ nhưng đi biển cuối năm không hề dễ dàng, ngay cả với những người “dày dặn kinh nghiệm sóng gió” trong khi đó, đoàn lại có khá nhiều thành viên lần đầu “ra khơi” nên càng vất vả… Phóng viên Xuân Tươi, Báo Vĩnh Long tâm sự: “Lâu nay cứ nghe nói là say sóng mệt hơn say tàu xe. Giờ mới thấm thía và mới biết, CBCS đang ngày đêm canh giữ các nhà giàn DKI ở thềm lục địa vất vả ra sao”.

Chạm mốc sống chủ quyền Tổ quốc

Sau gần 3 ngày vượt sóng, tối 11-1, đoàn công tác số 2 trên Tàu Trường Sa 16 đã có mặt tại khu vực biển thuộc cụm Ba Kè. Đây là khu vực bãi ngầm có các nhà giàn DKI/9, DKI/20, DKI/21. Thành viên đoàn công tác ai cũng háo hức để được đặt chân đến một trong số những nhà giàn đang sừng sững giữa biển khơi như để được đặt chân tới nơi “chân trời Tổ quốc”, được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các Nhà giàn và thấu hiểu hơn cuộc sống của CBCS đang thực hiện nhiệm vụ tại đây.

Đại diện Báo Đồng Nai tặng quà chúc Tết nhà giàn DKI/21

Đại diện Báo Đồng Nai tặng quà chúc Tết nhà giàn DKI/21

Gần 7 giờ 30 sáng 12-1, tôi là thành viên trong nhóm thứ 3 được xuống xuồng để qua Nhà giàn DKI/9. Thời tiết và sức gió càng lúc càng mạnh ở khu vực Ba Kè khiến trưởng đoàn công tác phải hạ lệnh cho phương án “cẩu người lên nhà giàn”.

Khi xuồng vận chuyển chúng tôi gần đến chân nhà giàn thì bộ phận cẩu trục của Nhà giàn đã sẵn sàng chờ lệnh và lựa sức gió để lần lượt cẩu từng người lên. So với chuyến hải trình đầu năm 2023, Xuân Giáp Thìn tôi lại được trải nghiệm lên nhà giàn bằng một phương pháp mới: ngồi lên cẩu và đu đưa giữa sóng biển. Một cảm giác thực sự “phiêu” nhưng lúc đó trong tôi chỉ duy nhất niềm tự hào, hãnh diện vì được đến, được chạm và bước vào nhà - cột mốc sống bảo vệ chủ quyền giữa bốn bề sóng nước.

Từ Chỉ huy trưởng Phan Văn Mung hay Chính trị viên Đồng Xuân Phong cùng CBCS trên nhà giàn đón chúng tôi đúng với tình cảm của “người trở về”…

Nguyệt Hà

Bài 2: Đón xuân trên nhà giàn

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202401/hai-trinh-mang-tet-den-nha-gian-bai-1-6453c7d/