Hải trình mang Tết đến nhà giàn: Bài cuối: Vọng mãi tên anh - liệt sĩ giữa biển khơi
Chặng cuối của hải trình, chúng tôi được dự lễ tưởng niệm tri ân các liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Dù nhiều thành viên trong đoàn công tác đã được chứng kiến, trải nghiệm nội dung này trong các hải trình trước nhưng tất cả đều dậy sớm, chuẩn bị chỉn chu cho lễ tưởng niệm những liệt sĩ đã mãi mãi nằm lại trong lòng biển cả cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Thiêng liêng lễ tưởng niệm
Đúng 7 giờ sáng, tất cả thành viên đoàn công tác số 2 có mặt trên boong tàu, nghiêm trang dự lễ tưởng niệm.
Trung tá Lê Xuân Tâm, Trưởng ban Dân vận Vùng 2 Hải quân ôn lại những chiến công hào hùng của những người lính Nhà giàn DK1 đã ngã xuống trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Trung tá Lê Xuân Tâm nhấn mạnh: Chúng ta cảm phục sự hy sinh cao cả của cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Nhà giàn DK1/3 cụm Phúc Tần, khi cơn bão số 10 có sức gió giật trên cấp 12 đổ bộ vào khu vực Nam Biển Đông vào đêm 4, rạng sáng 5-12-1990. Dưới sự chỉ huy của trung úy, Trạm trưởng Bùi Xuân Bổng và thượng úy, Trạm phó chính trị Trần Hữu Quảng, các anh đã ra sức chống chọi với bão tố. Song, đêm đen ập xuống, bão mỗi lúc một mạnh lên, nhà giàn bị quật đổ, cuốn trôi cả 8 CBCS xuống biển. Và rồi 3 CBCS đã anh dũng hy sinh, đó là: Thượng úy Trần Hữu Quảng, Trạm phó chính trị; thượng úy chuyên nghiệp Trần Văn Là, nhân viên quân y và chiến sĩ cơ điện Hồ Văn Hiền. Trong cận kề giữa sự sống và cái chết, thượng úy Trần Hữu Quảng đã nhường chiếc phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình cho người chiến sĩ yếu nhất, nhường sự sống cho đồng đội, để rồi thanh thản đi vào cõi vĩnh hằng.
Sau hơn nửa tháng thực hiện hải trình trên biển, biên đội tàu của Vùng 2 Hải quân đã thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần cùng Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân và cả hậu phương, đất liền chăm lo Tết cho CBCS nơi tiền tiêu Tổ quốc. Ghi nhận nỗ lực của 2 đoàn công tác, Quân chủng Hải quân trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo cho các thành viên. Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân tặng giấy khen cho các thành viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ…
Chúng ta quên sao được tấm gương hy sinh anh dũng của liệt sĩ - chuẩn úy Lê Đức Hồng. Anh đã kiên trì bám trụ để giữ vững thông tin liên lạc, liên tục báo cáo chính xác diễn biến về Sở Chỉ huy quân chủng khi Nhà giàn DK1/6 cụm Phúc Nguyên bị nghiêng, rung lắc dữ dội trước cơn bão số 8 năm 1998. Quên sao được tấm gương hy sinh của đại úy, Trạm trưởng Vũ Quang Chương với tinh thần “còn người, còn nhà trạm”, kiên quyết bám trụ bảo vệ nhà trạm, cùng chuẩn úy Lê Đức Hồng liên tục báo cáo chính xác mọi diễn biến về Sở Chỉ huy; dự kiến những tình huống xấu nhất có thể xảy ra và tìm mọi biện pháp nhằm giảm thấp nhất thiệt hại về người và trang bị…
Vào thời điểm sức mạnh và sự tàn phá của cơn bão số 8 lên đến đỉnh điểm cũng là lúc Nhà giàn DK1/6 bị đổ, cả 9 CBCS nhà trạm bị hất tung xuống biển. Ngay sau đó, lực lượng tàu trực cấp cứu của Lữ đoàn 171 đã khẩn trương, tích cực tổ chức tìm kiếm, cấp cứu. Nhưng, đại úy Vũ Quang Chương, Trạm trưởng; chuẩn úy chuyên nghiệp Lê Đức Hồng, nhân viên ra đa và chuẩn úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn An, nhân viên cơ điện đã anh dũng hy sinh, mãi mãi ở lại trong lòng đại dương. Thân thể các anh đã hòa vào sóng biển…
“Ngỡ ngưng bom đạn chiến trường
Mà sao sinh tử vẫn thường xảy ra
Trong cơn hồng thủy phong ba
DK1- bản hùng ca lưu đời...
Hương trầm quyện gió tỏa quanh
Vòng hoa đất mẹ dệt thành huân chương
Sống không mưu lợi tầm thường
Hồn thiêng thanh thản ở nơi vĩnh hằng...”.
“Dẫu biết vinh quang nào mà chẳng có mất mát hy sinh; hạnh phúc nào mà không phải đổi bằng mồ hôi, nước mắt. Sự ra đi của các anh thật thanh thản mà rất đỗi vinh quang. Song, để lại phía sau là nỗi đau tột cùng của gia đình, đồng bào, đồng chí; để lại nỗi nhớ khôn nguôi của những người mẹ, người cha, người vợ; hằn trong ký ức thơ ngây của những đứa con hàng ngày đau đáu bên cánh cửa đợi trông, mong các anh về. Nỗi đau ấy, niềm thương nhớ ấy vẫn đeo đuổi ngày đêm không thể xóa nhòa…
“Một cái chết để muôn ngàn lần sống. Tên của các anh vang vọng mãi giữa thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, trong triệu triệu trái tim của người dân Việt Nam. Tự hào người chiến sĩ hải quân, tự hào người chiến sĩ Nhà giàn DK1 luôn vững tay súng canh giữ biển trời của Tổ quốc…” - trung tá Lê Xuân Tâm xúc động nghẹn ngào.
Tiếp nối sự nghiệp giữ biển
Tiếp nối truyền thống hào hùng, đã và đang có sự tiếp nối của rất nhiều thế hệ trẻ lên đường tòng quân giữa mùa xuân, tiếp tục sự nghiệp giữ vững chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.
Viết đến đây, tôi lại nhớ về câu chuyện của Phó thuyền trưởng tàu Trường Sa 16 Phạm Hồng Quân, một sĩ quan trẻ đầy bản lĩnh. Cha mẹ của anh Quân đều công tác trong ngành Hải quân, lúc nào cũng bận rộn, có khi đi cả tháng không về nhà. Khi bước chân vào nghề, anh Quân càng hiểu và thương cha, mẹ hơn; đồng thời, anh tự hứa với chính mình phải nỗ lực nhiều hơn nữa để tiếp nối thế hệ cha ông. Cấp ủy, Chỉ huy tàu Trường Sa 16 đang có văn bản đề xuất thăng quân hàm trước niên hạn đối với Phạm Hồng Quân bởi những thành tích mà anh và tập thể cấp ủy, Chỉ huy tàu Trường Sa 16 đã đạt được.
Đại tá Trần Chí Tâm, Phó tham mưu trưởng Vùng 2 Hải quân, Trưởng đoàn công tác số 2 trên tàu Trường Sa 16 khẳng định: “Thành công của chuyến hải trình là sự tổng hợp tình đoàn kết quân dân gắn bó. Các thành viên của đoàn cùng nhau chia sẻ khó khăn, động viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân giao. Tôi mong rằng, sau hải trình, các nhà báo sẽ lan tỏa nhiều hơn nữa hình ảnh đẹp về người chiến sĩ hải quân kiên trung, can trường, bản lĩnh giữ vững chủ quyền Tổ quốc từ hướng biển”.
Một hải trình vượt sóng thành công, các thành viên đoàn công tác đã nỗ lực cùng nhau đưa đầy đủ hương vị Tết đến với CBCS các nhà giàn, tạo động lực tinh thần to lớn, góp phần giúp họ yên tâm chắc tay súng, vững chân sóng, bảo vệ vững chắc từng cột mốc chủ quyền giữa trùng khơi.