'Hai trụ cột' đồng hành với người lao động

Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum (Công ty Cao su Kon Tum), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam là đơn vị có đủ 3 mô hình quản lý: Cao su đại điền, hộ nhận khoán và hộ liên kết-khoán với gần 6.000 người lao động (NLĐ), trong đó 75% NLĐ là đồng bào dân tộc thiểu số.

Để giúp NLĐ yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống, Đảng ủy, Ban giám đốc Công ty đã triển khai nhiều giải pháp đồng hành hỗ trợ NLĐ.

Dẫn chúng tôi đến thăm các gia đình công nhân khi trời gần trưa, anh Diệp Anh Tuấn, Giám đốc Nông trường Thanh Trung (Công ty Cao su Kon Tum) dừng lại trước ngôi nhà có diện tích không lớn nhưng khang trang, thiết kế hiện đại, tiện dụng. Theo lời giới thiệu của anh, ngôi nhà hoàn thành đầu năm 2023 do chính anh tư vấn thiết kế, Công ty Cao su Kon Tum hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng.

 Anh Nguyễn Văn Huy (thứ hai, từ phải sang) trò chuyện với cán bộ Nông trường Thanh Trung (Công ty Cao su Kon Tum).

Anh Nguyễn Văn Huy (thứ hai, từ phải sang) trò chuyện với cán bộ Nông trường Thanh Trung (Công ty Cao su Kon Tum).

Anh Tuấn bộc bạch: "Công nhân, NLĐ còn nhiều vất vả, mình làm được gì cho họ thì làm. Nhất là ở thời điểm này, giá mủ cao su đang xuống thấp, giá cả các mặt hàng sinh hoạt lại tăng cao, khó lại càng thêm khó".

Chủ nhân của ngôi nhà là anh Nguyễn Văn Huy, bảo vệ Nông trường Thanh Trung, ở thôn Kon Rơ Lang, xã Đăk Blà, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Anh Huy đón chúng tôi với nụ cười hạnh phúc. “Mặc dù vợ chưa có việc làm, hai con còn nhỏ nhưng ngôi nhà mới giúp tôi yên tâm phần nào. Có an cư thì mới lạc nghiệp được”, anh Huy tâm sự.

Chị Y Ka, công nhân Nông trường Đăk Hring (Công ty Cao su Kon Tum), ở thôn 8, xã Đăk Hring (Đăk Hà, Kon Tum) cũng phấn khởi khi ngôi nhà mới được Công ty hỗ trợ xây dựng sắp hoàn thành. Gắn bó với nghề cao su đã 19 năm nhưng chồng không có việc làm ổn định, nương rẫy lại ít nên kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, ngôi nhà tạm đã xuống cấp từ nhiều năm nay mà chị chưa có điều kiện tu sửa hay xây mới. Nay được Công ty Cao su Kon Tum hỗ trợ 55 triệu đồng cùng với sự động viên của lãnh đạo các cấp, chị quyết định vay mượn thêm làm lại nhà mới.

“Không chỉ có hỗ trợ xây nhà mới, trong những năm qua, tôi còn được Nông trường và Công ty thường xuyên thăm hỏi, tặng quà lúc khó khăn, hỗ trợ đơn giá thời điểm giá mủ cao su thấp. Sự đồng hành, hỗ trợ của Công ty giúp NLĐ yên tâm, gắn bó với nghề, tích cực lao động sản xuất”, chị Y Ka chia sẻ.

Ngoài đặc thù có đủ 3 mô hình quản lý, Công ty Cao su Kon Tum còn có vườn cây rộng 9.600ha, phân tán trên địa bàn toàn tỉnh Kon Tum, trong đó, chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới. Công nhân, NLĐ đông đảo, nhiều thành phần dân tộc, tôn giáo nhưng Công ty Cao su Kon Tum vẫn quy tụ, đoàn kết, phát huy được tinh thần lao động hăng say, sáng tạo của họ nhờ dựa trên “hai trụ cột” là năng suất lao động và an sinh xã hội.

Theo ông Ngô Văn Mân, Phó tổng giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cao su Kon Tum, năng suất lao động, tiền lương, thu nhập là điều kiện tiên quyết giữ chân NLĐ. Trong nhiều năm qua, Công ty Cao su Kon Tum đã triển khai nhiều chủ trương, giải pháp, mô hình, cách làm hay để nâng cao năng suất, tiền lương, thu nhập cho NLĐ.

Đặc biệt là hỗ trợ, khuyến khích NLĐ gia tăng hiệu quả kinh tế trên diện tích vườn cao su tái canh và tích cực làm kinh tế trang trại để đa dạng nguồn thu nhập, giảm bớt khó khăn khi giá các sản phẩm cao su xuống thấp. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề; phát động phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và ứng dụng hàng trăm sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của cán bộ, công nhân viên, NLĐ vào sản xuất, kinh doanh. Hằng năm, Công ty đã xây dựng và phổ biến phương án thưởng đến 100% cán bộ, công nhân viên, NLĐ, gắn trách nhiệm của công nhân khai thác trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Cùng với đó là mở rộng đối tượng và đa dạng hóa các chương trình an sinh xã hội để hỗ trợ công nhân, NLĐ. Bên cạnh hỗ trợ tăng hiệu quả kinh tế trên diện tích vườn cao su, hỗ trợ tiền lương thời điểm giá mủ thấp, hỗ trợ sinh kế, Công ty Cao su Kon Tum còn huy động nhiều nguồn lực để xây dựng nhà công đoàn, "Nhà tình thương", tặng quà các dịp lễ, tết, khó khăn đột xuất cho công nhân, NLĐ mỗi năm hàng tỷ đồng. Chỉ tính từ năm 2022 đến nay, tổng các khoản tiền hỗ trợ là hơn 10,6 tỷ đồng.

Đồng thời, Công ty cũng phát huy tốt vai trò của công đoàn cơ sở trong đàm phán, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể với giám đốc doanh nghiệp; kiến tạo môi trường dân chủ, minh bạch, bảo đảm mọi quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và NLĐ. Chủ động khen thưởng đột xuất các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, trong khai thác mủ và mọi mặt hoạt động của đơn vị.

“Nhờ đó, 11 năm liên tục (2011-2022), Công ty Cao su Kon Tum đạt danh hiệu câu lạc bộ 2 tấn/ha của ngành cao su Việt Nam; thu nhập của NLĐ ổn định hơn 9 triệu đồng/người/tháng. Năm 2023, Công ty tiếp tục đặt ra mục tiêu phấn đấu vượt kế hoạch năm khoảng 7% và giữ vững danh hiệu câu lạc bộ 2 tấn/ha”, ông Ngô Văn Mân khẳng định.

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/hai-tru-cot-dong-hanh-voi-nguoi-lao-dong-745500