'Hai vạch' không khai báo, cách ly y tế có thể sẽ bị phạt tiền đến 10 triệu đồng

Mặc dù các biện pháp, kế hoạch, chính sách về phòng chống dịch bệnh đã có những thay đổi, thích ứng linh hoạt cho phù hợp với tình hình mới tuy nhiên vẫn không thể xem nhẹ tình hình dịch bệnh.

Có thể nói rằng chưa có khi nào dịch bệnh lại có tốc độ lây lan nhanh chóng như giai đoạn hiện nay, số ca mắc Covid-19 tăng lên từng giờ ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, do các nguyên nhân khác nhau khiến nhiều người chủ quan, coi nhẹ việc mắc bệnh, khi có triệu chứng thì không đi xét nghiệm, có tâm lý giấu bệnh. Thậm chí, có người biết mình dương tính nhưng đã không khai báo với cơ quan chức năng hoặc khai báo "không đến nơi đến chốn".

Nếu như ở thời điểm đại đa số người dân chưa tiêm vắcxin (năm 2020- 2021), số ca mắc và ca tử vong tăng cao, hậu quả của dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của người bệnh thì hành vi không khai báo y tế, khai báo không trung thực dẫn đến làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 240 hoặc Điều 295 (BLHS 2015) với mức hình phạt có thể đến 12 năm tù.

Thực tế trong những năm qua nhiều người đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì không khai báo y tế, khai báo gian dối dẫn đến làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Hành vi trốn tránh khai báo y tế nhằm che giấu "hai vạch" có thể bị phạt lên đến 10 triệu đồng (ảnh minh họa)

Hành vi trốn tránh khai báo y tế nhằm che giấu "hai vạch" có thể bị phạt lên đến 10 triệu đồng (ảnh minh họa)

Đến thời điểm này, khi vắcxin đã phủ kín hầu hết các địa phương, hậu quả của dịch bệnh bớt nghiêm trọng hơn, chủ trương về phòng chống dịch bệnh cũng đã có những thay đổi khiến việc xử lý đối với những người vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh cũng hạn chế hơn. Hiện nay quy định về cách xác định F1, F2 cũng đã khác trước, thời gian điều trị, cách ly đối với F0, F1 cũng đã khác trước, số ca mắc tăng cao khiến lực lượng y tế ở địa phương quá tải, rất khó khăn trong việc cập nhật thông tin số ca mắc mới. Trong khi đó, các cơ sở y tế cũng không thực hiện việc khoanh vùng, truy vết, xem xét trách nhiệm như trước đây nữa.

Số người ít triệu chứng hoặc không có triệu chứng chiếm đa số. Bởi vậy nhiều người đã coi nhẹ sự nguy hiểm của dịch bệnh Dẫn đến thời gian gần đây xuất hiện nhiều trường hợp có triệu chứng nhưng không đi xét nghiệm, thậm chí có thể có trường hợp xét nghiệm biết mình dương tính nhưng vẫn không khai báo với cơ quan chức năng mà tự điều trị, tự cách ly, thậm chí có thể còn không cách ly vẫn đi làm, đi lại bình thường làm thân đi cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Ts.Ls Đặng Văn Cường- Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, dù tình trạng y tế ở một số địa phương quá tải, việc khai báo gặp khó khăn hay người mắc bệnh nhưng ít triệu chứng hoặc không có triệu chứng thì việc khai báo về tình trạng dịch bệnh với cơ sở ý tế cũng là trách nhiệm bắt buộc theo quy định của luật phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Hành vi không khai báo tình trạng bệnh tật với cơ sở y tế có thể làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng nên hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 12 (Nghị định số 117/2020/NĐ-CP) về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Theo Ts.Ls Đặng Văn Cường, hành vi làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo Ts.Ls Đặng Văn Cường, hành vi làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo luật sư Cường, dịch bệnh ở Việt Nam đến nay vẫn chưa đạt đỉnh, số ca mắc tăng cao, chúng ta chưa thể coi dịch bệnh như cúm mùa, không thể xem nhẹ loại dịch bệnh này. Mặc dù các biện pháp, kế hoạch, chính sách về phòng chống dịch bệnh đã có những thay đổi, thích ứng linh hoạt cho phù hợp với tình hình mới tuy nhiên vẫn không thể xem nhẹ tình hình dịch bệnh. Mọi tổ chức cá nhân vẫn phải tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh đối với từng địa phương, từng khu vực, từng thời điểm trong đó việc khai báo y tế phải cách ly y tế là bắt buộc đối với những trường hợp theo luật định.

"Khi biết mình có triệu chứng mà không xét nghiệm, không cách ly là hành vi vi phạm pháp luật, hành vi làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với những người đã biết mình mắc bệnh rồi nhưng vẫn không áp dụng các biện pháp an toàn, không khai báo y tế, không thực hiện cách ly y tế thì không những vi phạm pháp luật mà còn vi phạm đạo đức xã hội.

Bởi lẽ, hành vi này có thể làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, đe dọa đến tính mạng sức khỏe của những người khác, kể cả những người thân của họ. Cho nên ngoài việc xem xét xử lý các trường hợp vi phạm thì cơ quan chức năng cần phải tuyên truyền để cho người dân nhận thức đúng đắn đầy đủ về tình hình dịch bệnh và có ý thức tốt hơn trong việc chấp hành các biện pháp, giải pháp phòng chống dịch bệnh trong giai đoạn hiện nay", luật sư Cường chia sẻ.

Điều 12. Vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế; Không báo cáo với Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan y tế dự phòng trên địa bàn về trường hợp mắc bệnh dịch theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Che dấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch; Không thực hiện hoặc từ chối thực hiện biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch.

Bình Minh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/hai-vach-khong-khai-bao-cach-ly-y-te-co-the-se-bi-phat-tien-den-10-trieu-dong-172220304095442513.htm