Hai vấn đề cần lưu ý qua số liệu thống kê doanh nghiệp quý I/2023

Trong quý I/2023, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường nhiều hơn số gia nhập, cho thấy, các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Những khó khăn này cần được nhận diện, phân tích và có giải pháp kịp thời để tháo gỡ.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong quý I/2023, cả nước có 33.905 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước (giảm 692 doanh nghiệp).

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm sâu ở 2 nhóm ngành: nông, lâm nghiệp - thủy sản và công nghiệp - xây dựng; chỉ tăng ở nhóm ngành dịch vụ, nhưng lại giảm rất sâu ở ngành bất động sản.

Đáng chú ý, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm không phải do tinh thần khởi nghiệp của doanh nhân bị yếu đi, cũng không phải do nguồn cơ sở (số trang trại, hợp tác xã, tổ sản xuất - kinh doanh hay số cá thể sản xuất - kinh doanh còn ít…), mà chủ yếu do thiếu vốn, một phần do nguồn vốn xã hội bị “chôn” vào các kênh tiền ảo, bất động sản, vàng, trái phiếu doanh nghiệp. Trong khi đó, lãi suất cho vay dù đã giảm, nhưng vẫn còn cao, tốc độ tăng tín dụng trong 3 tháng đầu năm thấp so với cùng kỳ năm trước (1,61% so với 4,03%).

Ngoài thiếu vốn, nguyên nhân khiến số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm còn do nhu cầu hấp thụ và lựa chọn ngành, lĩnh vực để khởi nghiệp gặp khó khăn. Đối với các doanh nghiệp thành lập mới, tổng vốn đăng ký mới và vốn đăng ký bình quân cũng giảm trên 30% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh các doanh nghiệp thành lập mới, quý I ghi nhận 23.041 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 10% (giảm 2.560 doanh nghiệp) so với cùng kỳ năm 2022.

Tính chung, cả nước có 56.946 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong quý I/2023, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2022. Sự sụt giảm diễn ra ở cả 3 nhóm ngành, nhưng giảm sâu hơn ở 2 nhóm ngành kinh tế thực là nông, lâm nghiệp - thủy sản và công nghiệp - xây dựng; trong nhóm ngành dịch vụ, giảm sâu ở các ngành vận tải kho bãi, kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ.

Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh lại tăng 20,1% (tăng 7.139 doanh nghiệp) so với cùng kỳ năm 2022. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể cũng tăng 13,1% (tăng 1.479 doanh nghiệp) so với cùng kỳ năm 2022. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tăng 6,5% (tăng 282 doanh nghiệp) so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, có tổng cộng hơn 60.000 ngừng kinh doanh và ra khỏi thị trường, tăng 17,5% (tăng 8.900 doanh nghiệp) so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn so với cùng kỳ những năm trước. Tình trạng doanh nghiệp tạm dừng hoặc ra khỏi thị trường diễn ra ở cả 3 nhóm ngành, trong đó tập trung ở 2 nhóm ngành kinh tế thực; còn trong nhóm ngành dịch vụ thì chủ yếu tập trung ở ngành bất động sản, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thông tin và truyền thông…

Do số doanh nghiệp gia nhập thị trường ít hơn số doanh nghiệp rời khỏi thị trường, nên số doanh nghiệp đang hoạt động trong quý I/2023 giảm 3.095 doanh nghiệp so với cuối năm 2022, chỉ còn khoảng 919.629 doanh nghiệp.

Từ những con số được nêu và phân tích ở trên, có 2 vấn đề cần lưu ý.

Thứ nhất, so sánh kết quả này với mục tiêu đến năm 2025, cả nước có 1,5 triệu doanh nghiệp đang hoạt động, căn cứ diễn biến trong vài năm gần đây và quý I năm nay, có thể, một lần nữa, mục tiêu về số doanh nghiệp đang hoạt động sẽ không đạt được. Trên cơ sở đó, cần có những chính sách điều chỉnh và thúc đẩy phù hợp.

Thứ hai, rà soát các yếu tố đang tác động đến sự khởi nghiệp và sự phát triển của doanh nghiệp. Trong các yếu tố này, cần đặc biệt quan tâm đến vốn, bao gồm cả lượng vốn và lãi suất. Về lượng vốn, chủ yếu là kênh tín dụng và chứng khoán. Hiện nay, tín dụng tăng chậm; chứng khoán còn bất ổn; lãi suất cho vay vẫn còn ở mức cao so với tỷ suất lợi nhuận chung của các doanh nghiệp.

Để khuyến khích tinh thần khởi nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, cần tiếp tục ban hành các chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả và đồng bộ.

Minh Nhung

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/hai-van-de-can-luu-y-qua-so-lieu-thong-ke-doanh-nghiep-quy-i2023-d187246.html