Hai vấn đề doanh nghiệp bất động sản mong muốn được hỗ trợ
Các doanh nghiệp bất động sản mong muốn Chính phủ tiếp tục có những giải pháp đồng hành, hỗ trợ, tập trung vào hai vấn đề chính là thủ tục pháp lý và khai thông tín dụng.
Những mong muốn này được lãnh đạo nhiều doanh nghiệp bất động sản nêu ra tại hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ 2024, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì ngày 14/3.
Đại diện của những tập đoàn lớn như Vingroup, Sun Group, Geleximco, Novaland, Hưng Thịnh, Taseco, Becamex IDC, Phát Đạt đánh giá Chính phủ đã đưa ra những chỉ đạo sát sao, kịp thời hỗ trợ, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Trong giai đoạn tới, các doanh nghiệp bất động sản mong muốn Chính phủ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, đặc biệt trong hai vấn đề chính là thủ tục pháp lý và nguồn lực.
Ông Dennis Ng Teck Yow, Tổng giám đốc Novaland kiến nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ về các thủ tục pháp lý, bởi các dự án của tập đoàn dù đã bàn giao hay đang phát triển hay đang làm thủ tục phát triển đều ít nhiều gặp những vướng mắc pháp lý và vẫn chưa được hoàn thiện.
Với cụm dự án TP.HCM, hiện Novaland vẫn đang chờ đợi sớm nhận được kết luận từ thành phố nhằm tháo gỡ nốt những khó khăn pháp lý cuối cùng tại dự án chung cư Grand Manhattan, The Water Bay và Thạnh Mỹ Lợi.
Ông Dennis cho biết đây là các dự án Novaland cam kết nghiêm túc sẽ bố trí đầy đủ diện tích cho nhà ở xã hội và phần tái định cư. Do đó, việc tháo gỡ pháp lý ba dự án trọng điểm trên góp phần vào sự phát triển chung của TP.HCM.
Đối với các dự án Aqua City ở Đồng Nai, NovaWorld Ho Tram ở Bà Rịa – Vũng Tàu và NovaWorld Phan Thiet ở Bình Thuận, cơ bản các vướng mắc đều có hướng xử lý và đã hoàn thành một số thủ tục.
CEO Novaland mong Chính phủ chỉ đạo sớm hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bất động sản phát triển dự án đồng bộ đúng với chỉ tiêu được giao.
Đồng thời, ông kiến nghị Chính phủ có giải pháp giải quyết triệt để các vướng mắc về các thủ tục pháp lý chưa đồng bộ, các vướng mắc qua từng thời kỳ và không hồi tố, có chính sách giảm thuế và giãn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp bất động sản.
Ông Bùi Quang Anh Vũ, Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt cho biết, trong năm 2023, Phát Đạt đối mặt với những thách thức lớn liên quan đến nguồn vốn và thanh khoản.
Tuy nhiên, nhờ vào các giải pháp kịp thời và sự tin tưởng của các nhà đầu tư, Phát Đạt đã huy động vốn thành công thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, thu về số tiền hơn 670 tỷ đồng.
Vào cuối năm 2023, Phát Đạt đã trả khoản nợ trái phiếu doanh nghiệp với giá trị 2.500 tỷ đồng đúng hạn và trước hạn, đưa dư nợ vay trái phiếu về 0 đồng như cam kết với các cổ đông và nhà đầu tư.
Ông Vũ đề xuất một số kiến nghị với Chính phủ như tiếp tục có chính sách về gói tín dụng ưu đãi; hỗ trợ rút ngắn thời gian phê duyệt; tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giải ngân; giảm mặt bằng lãi suất cho vay gắn liền với tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng.
Ông đề xuất Chính phủ tích cực chỉ đạo và thành lập tổ công tác xử lý liên bộ ngành để hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp, nhằm tháo gỡ khó khăn một cách kịp thời.
Tương tự, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group mong muốn doanh nghiệp được tiếp cận vốn tín dụng có chi phí thấp hơn.
“Cụ thể là hiện nay sự chênh lệch giữa các khoản vay của ngân hàng thương mại cổ phần và ngân hàng thương mại nhà nước chênh khá lớn (từ 4-5%), doanh nghiệp mong muốn có sự thu hẹp khoảng cách này và nếu được thì các chi phí vay vốn giảm hơn nữa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi”, ông Trường chia sẻ.
Đại diện SunGroup cũng đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có những chính sách giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, quan trọng nhất là ổn định lãi suất huy động và lãi suất cho vay.
Ông Quảng Văn Viết Cương, Phó giám đốc Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp (Becamex) – một doanh nghiệp nhà nước, bày tỏ mong muốn các ngân hàng có những chính sách mới, có những gói tín dụng mới.
Ông Cương cho biết, việc tiếp cận tín dụng của Becamex là không khó nhưng một khó khăn mà nhiều doanh nghiệp bất động sản vướng mắc và Becamex cũng gặp khó phát hành trái phiếu vì khi doanh nghiệp phát triển hạ tầng thì đòi hỏi nguồn vốn rất lớn.
“Khi Becamex triển khai các dự án trên cả nước, rõ ràng dự án khi triển khai chậm hơn so với trước đây. Trước đây, chúng ta có chủ trương của Thủ tướng, chúng ta có luôn một hoạch định và thời gian, chúng ta tính được hiệu quả của dự án, thì thời gian sau này, các bước thủ tục về pháp lý thường kéo dài, cho nên dòng tiền và kế hoạch trả nợ gặp khó khăn”, ông Cương cho biết.
Đại diện Becamex mong các ngân hàng có những chính sách mới, có những gói tín dụng mới triển khai để các doanh nghiệp nắm bắt, để có cơ sở xây dựng và tạo điều kiện kết nối nguồn vốn tín dụng tốt nhất, đảm bảo lĩnh vực mới này phát triển.