Hai vợ chồng đều đóng bảo hiểm, được hưởng chế độ thai sản thế nào khi vợ sinh con?

Anh Nguyễn Văn Hưng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) hỏi: Vợ tôi vừa sinh cháu thứ hai vào ngày 14/8/2020. Tôi và vợ hiện đang đóng bảo hiểm bắt buộc, liên tục từ tháng 4/2013 đến nay tại công ty trên địa bàn thành phố Hà Nội. Vậy, tôi xin hỏi là tôi và vợ tôi được hưởng những chế độ nào? thời gian giải quyết trong bao lâu?

Nội dung anh hỏi, Phòng Truyền thông và phát triển đối tượng Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cho biết: Căn cứ Điều 31, Điều 34, Điều 38, Điều 39, Điều 41, Điều 101, Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13, vợ chồng anh tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc liên tục từ tháng 4/2013 đến nay và vợ anh vừa sinh con.

Như vậy, vợ chồng anh chị đủ điều kiện hưởng các chế độ khi sinh con gồm: Chế độ thai sản khi sinh con và chế độ dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau thai sản.

Cụ thể:

1. Đối với giải quyết chế độ thai sản khi sinh con

a) Thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 34:

“1. Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng.

2. Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:

a) 5 ngày làm việc;

b) 7 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;….

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.

Thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại các khoản 1, 3, 4, 5 và 6 Điều này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần”.

Đồng thời, tại Khoản 2 Điều 39 quy định thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.

b) Mức hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 39, theo đó:

- Mức hưởng 1 tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp có ngày lẻ thì mức hưởng 1 ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày.

- Mức hưởng 1 ngày đối với trường hợp lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày;

- Trợ cấp một lần khi sinh con: Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.

c) Hồ sơ và thời hạn giải quyết

* Hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con bao gồm:

- Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con;

- Danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe do người sử dụng lao động lập (mẫu số 01B-HSB)

* Trường hợp lao động nam nghỉ việc khi vợ sinh con:

- Bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh của con và giấy xác nhận của cơ sở y tế đối với trường hợp sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;

- Danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe do người sử dụng lao động lập (mẫu số 01B-HSB)

* Thời hạn giải quyết: Tối đa 6 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định

2. Chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản: Được quy định tại Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13

a) Thời gian hưởng

Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 5 ngày đến 10 ngày.

- Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên;

- Tối đa 7 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật;

- Tối đa 5 ngày đối với các trường hợp khác.

Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.

b) Mức hưởng: Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.

c) Hồ sơ và thời hạn giải quyết: Hồ sơ theo quy định tại khoản 3 Điều 100, khoản 5 Điều 101 Luật Bảo hiểm xã hội là Danh sách 01B-HSB do đơn vị sử dụng lao động lập.

* Thời hạn giải quyết: Tối đa 6 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định

B.D

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/hai-vo-chong-deu-dong-bao-hiem-duoc-huong-che-do-thai-san-the-nao-khi-vo-sinh-con-112335.html