Hai yếu tố cần đạt để dập dịch Covid-19 tại Bắc Giang

Theo Giáo sư Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Hà Nội), Bắc Giang cần áp dụng phong tỏa triệt để và dập dịch từ trong lõi, không để virus lọt ra cộng đồng.

Sáng 18/5, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Y tế đến làm việc với tỉnh Bắc Giang về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Tại cuộc họp, Giáo sư Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Hà Nội), đánh giá tình hình Covid-19 ở Bắc Giang rất nóng. Dịch tiếp tục xảy ra tại các khu công nghiệp (KCN), tâm dịch hiện tại là Công ty Hosiden (thuộc KCN Quang Châu) với gần 200 trường hợp nhiễm virus.

Nguy cơ dịch từ KCN tràn ra cộng đồng rất cao

Qua quá trình điều tra, xét nghiệm diện rộng, Giáo sư Đặng Đức Anh nhận định Covid-19 không chỉ dừng lại ở tâm dịch Công ty Hosiden mà đã lan sang các KCN khác. Đây đều là những môi trường làm việc kín, đông, mật độ dày, chủng virus lây lan nhanh khiến tình trạng lây nhiễm tại các KCN rất nghiêm trọng, phức tạp.

Chính vì thế, ông Đức Anh cho rằng ngành y tế Bắc Giang phải coi toàn bộ công nhân tại Công ty Hosiden là F1, đưa đi cách ly tập trung ngay. Ông dự đoán thời gian tới, con số F0 sẽ rất lớn vì hết thời gian ủ bệnh, người nhiễm bắt đầu có triệu chứng.

Nghiêm trọng hơn dịch không chỉ dừng lại công ty này mà bắt đầu xâm nhiễm tới doanh nghiệp khác, KCN khác như Sang Quang, Quang Sơn, Đình Trám.

“Theo kinh nghiệm của chúng tôi, khi lây nhiễm trong khu công nghiệp, nó liên quan rất lớn tới cộng đồng. Có thể bây giờ chúng ta chưa nhìn thấy được. Bởi mối quan hệ dịch tễ giữa công nhân với cộng đồng dân cư rất khăng khít”, Giáo sư Đặng Đức Anh nhận định.

Ban ngày, công nhân làm trong các phân xưởng, nhà máy công nghiệp. Buổi tối, ngày nghỉ, họ sinh hoạt tại cộng đồng, nơi cư trú. Do đó, nó có mối quan hệ rộng, dịch tễ không đơn thuần trong khu công nghiệp. Do đó, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nhấn mạnh việc chống dịch đồng bộ ở KCN và cộng đồng, tuyệt đối không được bỏ qua một trong hai mặt trận này.

 Đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long dẫn đầu làm việc cùng ngành y tế, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang vào sáng 18/5. Ảnh: Đức Anh.

Đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long dẫn đầu làm việc cùng ngành y tế, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang vào sáng 18/5. Ảnh: Đức Anh.

Dập dịch từ trong lõi, chắt chiu từng giờ giãn cách xã hội

Tại khu công nghiệp Quang Châu (huyện Việt Yên), trao đổi cùng lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay quan điểm của Việt Nam là đánh chặn, đánh nhanh, phải quây rộng ngay để "co vào lõi của dịch, từ đó chỉ phong tỏa lõi của dịch".

“Nếu không không chặn được dịch, virus lây rất nhanh cộng thêm môi trường khu công nghiệp”, ông Long nhấn mạnh.

Tỉnh Bắc Giang đã thực hiện Chỉ thị 16, phong tỏa huyện Việt Yên, 3 xã của huyện Yên Dũng - nơi xuất hiện nhiều ca bệnh, yếu tố dịch tễ rộng.

Theo Giáo sư Đặng Đức Anh, điều quan trọng nhất khi áp dụng Chỉ thị 16 đó là thường xuyên, liên tục, thực chất và đúng nghĩa. Bởi đây là biện pháp chống dịch trên diện rộng, ngăn lây lan của dịch.

Chỉ thị 16 bản chất là giảm tới mức tối thiểu sự tiếp xúc, gặp gỡ giữa người với người qua cách ly. Chính quyền, nhân dân, xã hội phải chấp nhận thiệt hại về kinh tế rất lớn, nói cách khác bỏ ra nhiều tiền, nhiều sự hạn chế thường ngày để mua sự giãn cách, cách ly xã hội, ngăn chặn sự lây lan của virus.

Ông Đức Anh nhấn mạnh cách ly xã hội phải đúng nghĩa, phải chắt chiu từng ngày, từng giờ để thực hiện cách ly xã hội thực chất, hiệu quả nhất và duy trì liên tục. Nếu không làm được như vậy, phong tỏa sẽ là sự lãng phí, không xứng với giá to lớn mà chúng ta đang phải trả.

 Bắc Giang đang phải chịu áp lực lớn từ các ổ dịch Covid-19 trong khu công nghiệp. Ảnh: Phạm Thắng.

Bắc Giang đang phải chịu áp lực lớn từ các ổ dịch Covid-19 trong khu công nghiệp. Ảnh: Phạm Thắng.

Theo Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Bắc Giang cần đạt 2 điều để dập tắt dịch Covid-19 qua phong tỏa, giãn cách xã hội.

Thứ nhất, tỉnh phải khóa chặt vùng dịch ở bên trong, không cho dịch thoát ra bên ngoài. Điều cần nhìn thấy đó là nội bất xuất, ngoại bất nhập, đường xá vắng tanh, cửa hàng cơ bản đóng cửa, nhà nhà cài then. Chỉ có như vậy, chúng ta mới ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh.

Muốn đạt được điều này, không có cách nào khác, ngành y tế địa phương phải kiểm tra, giám sát, chế tài, xử phạt nghiêm minh, đảm bảo tất cả tuân thủ giãn cách xã hội, phòng dịch có hiệu quả.

Tổ Covid-19 cộng đồng phải phát huy nhiệm vụ quan trọng, đi từng ngõ, gõ từng nhà để phát hiện những ca bệnh nghi ngờ, còn ở trong các gia đình. Nếu phát hiện, bệnh nhân phải được đưa ngay ra khỏi gia đình, đi cách ly, chặn đứng nguồn lây, làm trong sạch cộng đồng.

Theo Giáo sư Đức Anh, điều này rút ra từ kinh nghiệm trong đợt dịch tại Hải Dương vào cuối năm 2020. Kết quả cần đạt được của Chỉ thị 16 đó là khóa nguồn dịch không cho lây từ trong ra bên ngoài.

Thứ hai, bên trong phải chống dịch quyết liệt, triệt để, dập tắt được ổ dịch, bảo vệ sức khỏe của người dân. “Chỉ có triệt tiêu nguồn lây từ bên trong thì sau này mới tháo được phong tỏa và đạt được sự an toàn”, vị chuyên gia khẳng định.

Khi số ca F0 tăng lên từng ngày, đồng nghĩa số F1 cũng tăng lên theo cấp nhiều hơn nữa. Do đó, các khu cách ly phải đảm bảo công suất. Mặt trận này cần chú ý để không xảy ra lây nhiễm chéo. Giáo sư Đức Anh cho hay đây là nhiệm vụ rất khó khăn không chỉ của riêng Bắc Giang mà còn nhiều tỉnh khác.

Theo ông Dương Trí Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế, việc phong tỏa toàn bộ huyện Việt Yên cũng nhằm giải quyết ổ dịch bên trong. Tất cả doanh nghiệp tại hai KCN Quang Châu và Vân Trung đã được yêu cầu dừng sản xuất, lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân 1 tuần/lần. Đây là nhóm nguy cơ rất cao, phải sàng lọc nhiều.

Một số công ty đang cung cấp thực phẩm, suất ăn cho hai KCN này cũng cần phải rà soát, xét nghiệm. Khi kiểm tra, doanh nghiệp nào có nguy cơ cao cần dừng sản xuất ngay và công bố thông tin rộng rãi để mang tính chất răn đe. Trong vòng 5 ngày, 20 đoàn kiểm tra sẽ rà soát hết toàn bộ doanh nghiệp.

Ông Dương cũng đề nghị tỉnh Bắc Giang lập danh sách toàn bộ công nhân ở các công ty (gồm tên, nơi ở, số điện thoại) để khi có ca dương tính, truy xuất được ngay.

Ngành y tế tỉnh phải xây dựng phương án cách ly 20.000 người, để tránh bị động, lúng túng như Hải Dương. Các khu cách ly phải có tổ giám sát lây nhiễm chéo, lấy chuyên gia, bác sĩ từ các bệnh viện, hàng ngày kiểm tra tất cả khu vực.

Bắc Giang là ổ dịch Covid-19 nóng nhất của Việt Nam với số ca mắc tăng cao mỗi ngày.

Chỉ sau 10 ngày (10-18/5) phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên tại Công ty TNHH Shinyoung (huyện Việt Yên), tổng số bệnh nhân liên quan các khu công nghiệp (KCN) tại Bắc Giang là 474 người, hàng chục nghìn trường hợp thuộc diện F1, F2.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định tình hình dịch ở Bắc Giang vẫn rất phức tạp, khó lường, còn nguy cơ lây nhiễm trong các khu cách ly.

Thiên Nhan - Đức Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hai-yeu-to-can-dat-de-dap-dich-covid-19-tai-bac-giang-post1216773.html