Haiti chìm trong khủng hoảng
Năm 2024, đất nước Haiti bất ổn do tình trạng bạo lực băng đảng. Tại thời điểm này, đại diện Liên hợp quốc (LHQ) và nhiều Đại sứ quán, các tổ chức cứu trợ quốc tế phải dời khỏi thủ đô Port-au-Prince.
Tuy nhiên, bất chấp việc các băng nhóm vũ trang đã mở rộng quyền kiểm soát tại thủ đô Port-au-Prince, dẫn đến các cuộc đụng độ dữ dội với cảnh sát và người dân sử dụng dao rựa để tự vệ, thì phát ngôn viên Stephane Dujarric của Tổng thư ký LHQ vẫn tuyên bố: “LHQ không rời bỏ Haiti. Cam kết của chúng tôi với người dân Haiti vẫn không thay đổi".
Theo LHQ, từ ngày 11 đến 20/11, ít nhất 220 người đã thiệt mạng, nâng tổng số người thiệt mạng trong năm 2024 lên con số hơn 1.500. Bạo lực đã khiến hơn 41.000 người phải rời bỏ nhà cửa chỉ trong vòng 2 tuần, nâng tổng số người bị di dời tại Haiti lên hơn 700.000 người, tính từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) nhìn nhận đây là mức di dời chưa từng thấy kể từ khi các cơ quan nhân đạo bắt đầu ứng phó với cuộc khủng hoảng tại Haiti vào năm 2022.
Ông Miroslav Jenca - Trợ lý Tổng thư ký LHQ, phát biểu tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an rằng, do sự lộng hành của các băng nhóm bạo lực nên việc trợ giúp người dân gặp rất nhiều khó khăn. Tổ chức Bác sĩ Không biên giới (MSF) tuyên bố tạm ngừng các dịch vụ y tế thiết yếu tại Port-au-Prince sau khi nhân viên và bệnh nhân bị đe dọa. Tổ chức Food for the Poor (FFTP), một đơn vị cung cấp lương thực tại Haiti cũng không thể tiếp tục giao hàng do các rào chắn của băng đảng và tình trạng bất ổn tại các cảng.
Lực lượng Hỗ trợ an ninh đa quốc gia (MSS) do Kenya dẫn đầu với 430 cảnh sát đã được triển khai từ tháng 6 để hỗ trợ cảnh sát Haiti. Tuy vậy vẫn không thể kiểm soát tình hình bạo lực leo thang. Bà Monica Juma - Cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống Kenya đã kêu gọi LHQ xem xét chuyển “Phái bộ an ninh quốc tế” hiện tại thành “Phái bộ gìn giữ hòa bình” chính thức của LHQ để có thể mang lại nhiều nguồn lực hơn nhằm đối phó với xung đột băng đảng đang leo thang tại Haiti.
Trong khi đó, người đứng đầu cơ quan nhân quyền LHQ Volker Turk cho rằng thực trạng gia tăng bạo lực gần đây là "điềm báo về những điều tồi tệ hơn sắp xảy ra" và bạo lực băng đảng phải được ngăn chặn ngay lập tức. Không thể đứng nhìn một quốc gia chìm trong sự hỗn loạn.
Hiện có khoảng 200 băng đảng trên khắp Haiti. Loạn băng đảng hoành hành suốt nhiều năm qua, gây ra cảnh chết chóc khắp nơi, trong khi chính quyền bất lực. Quá nhiều vụ giết chóc đã xảy ra trong năm nay, trong đó vụ thảm sát vào ngày 3/10 là hết sức bi thảm. Các tay súng băng đảng Gran Grif trang bị súng trường tự động đã xông vào thị trấn Pont-Sondé (tỉnh Artibonite) lúc sáng sớm rồi xả súng, giết chết 70 người, trong đó có 10 phụ nữ, 3 trẻ sơ sinh. Nhóm này đã đốt 450 ngôi nhà buộc hơn 6.000 người phải chạy trốn.
Băng đảng Gran Grif có khoảng 100 thành viên, hoạt động ở địa bàn Artibonite. Hồi tháng 1/2023, băng này từng tấn công một đồn cảnh sát, giết chết 6 nhân viên.
Loạn băng đảng bùng phát tại quốc gia vùng Caribe bắt đầu vào tháng 5/2020, đặc biệt sau khi Tổng thống nước này, ông Jovenel Moise, bị ám sát đầu tháng 7/2021, gây nên một cuộc chiến băng đảng liên miên và đẫm máu, cảnh chết chóc khắp nơi. Việc chính quyền liên tục bị xáo trộn là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến xáo trộn xã hội và nạn bạo lực, cướp bóc.
Cũng từ việc loạn băng đảng bạo lực có vũ trang, nền kinh tế Haiti sụp đổ. Nông dân bị cưỡng bức, tống tiền khiến họ phải rời bỏ ruộng nương, giá gạo tăng vọt gây ra tình trạng khan hiếm lương thực đã đẩy 5 triệu người Haiti vào tình trạng đói kém nghiêm trọng. Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) không ngừng cảnh báo về tình trạng thiếu hụt lương thực và vật tư y tế nghiêm trọng tại Haiti khi các băng đảng chặn cướp hàng viện trợ nhân đạo.
Tới nay gần một nửa dân số Haiti đang phải vật lộn để tự nuôi sống bản thân, trong đó một số khu vực cận kề nạn đói. "Nạn đói tại Haiti gia tăng gây ra cuộc khủng hoảng an ninh đang tàn phá đất nước" - ông Jean-Martin Bauer, Giám đốc Chương trình Lương thực thế giới của LHQ tại Haiti nói. Hệ thống Phân loại Giai đoạn an ninh lương thực tích hợp (IPC) của LHQ - thang đo được LHQ và các chính phủ sử dụng để đánh giá nạn đói - cho biết trong một báo cáo rằng khoảng 4,97 triệu người trong tổng dân số khoảng 11,5 triệu người của Haiti đang phải đối mặt với khủng hoảng hoặc ở mức độ tồi tệ hơn của tình trạng mất an ninh lương thực.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình hình sức khỏe và nhân đạo ở thủ đô của Haiti, vốn đang trở nên tồi tệ hơn do các băng nhóm vũ trang đã kiểm soát gần 80% thành phố này.
“Bất ổn chính trị và kiểm soát thiếu hiệu quả của chính quyền đã khiến cho Haiti rơi vào khủng hoảng. Đáng tiếc là quốc gia này không phải là điểm nóng xung đột vũ trang nên không nhận được sự quan tâm cần thiết của cộng đồng quốc tế. Năm 2024 đầy bạo lực đã đi qua, nhưng vẫn không nhìn thấy lối thoát vào năm tới. Hơn bao giờ hết, Haiti cần nhận được sự giúp đỡ lập tức của cộng đồng quốc tế để lập lại trật tự và không để có thêm những con người đói khát phải dời bỏ quê hương” - đại diện Chương trình Lương thực thế giới kêu gọi.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), trong bối cảnh bạo lực gia tăng trên khắp Haiti, số lượng trẻ em ở đất nước này bị các nhóm vũ trang tuyển dụng đã tăng 70% trong năm 2024. "Sự gia tăng này là chưa từng có, cho thấy cuộc khủng hoảng bảo vệ trẻ em ngày càng trầm trọng hơn ở hòn đảo Caribe này" - UNICEF cho biết trong một tuyên bố, đồng thời cảnh báo sự gia tăng đột biến trong việc tuyển dụng trẻ em đã được thúc đẩy bởi tình trạng bạo lực leo thang, đói nghèo lan rộng, thiếu giáo dục và cơ sở hạ tầng quan trọng gần như sụp đổ. "Đó là điều không thể chấp nhận và phải được đảo ngược "- Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell tuyên bố.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/haiti-chim-trong-khung-hoang-10295644.html