Haiti rúng động vì vụ bệnh nhân bị bắn chết bên ngoài phòng cấp cứu

Tình trạng bạo lực leo thang ở Haiti, đặc biệt là tại thủ đô Port-au-Prince, đã khiến người dân đói khổ cùng cực. Nhiều người còn chấp nhận đặt cược tính mạng để rời khỏi nước này.

Tổ chức Bác sĩ Không Biên giới (MSF) hôm 18/8 cho biết các nhân viên của họ đã rất sốc trước “sự tàn bạo” xảy ra hôm 14/8 ở thủ đô của Haiti, khi các tay súng xông vào phòng cấp cứu, đưa một bệnh nhân, sau đó bắn chết.

"Trong phòng cấp cứu được hỗ trợ bởi Tổ chức Bác sĩ Không Biên giới, những người đàn ông trang bị súng ngắn này đã bắt giữ một bệnh nhân và lạnh lùng sát hại anh ta bên ngoài bệnh viện”, MSF cho biết trong một tuyên bố.

Theo MSF, đây là lần đầu tiên họ ghi nhận một vụ việc như vậy, đồng thời cảnh báo nếu xảy ra nhiều vụ bạo lực hơn, tổ chức sẽ buộc phải tạm thời đóng cửa cơ sở này để “đánh giá tình hình”.

Vụ việc này cũng nêu bật tình trạng bạo lực leo thang của Haiti trong những năm gần đây, đặc biệt là ở ngoại ô thủ đô Port-au-Prince, nơi những băng đảng thường xuyên đụng độ.

Cơn bão hoàn hảo của những tai ương

Theo CNN, các vụ xả súng tàn bạo xảy ra hàng ngày ở Port-au-Prince và khu vực xung quanh. Chẳng hạn, hồi đầu tháng 8, đội cảnh sát SWAT của Haiti cũng lao vào cuộc đấu súng ở Croix-des-Bouquets - khu vực do các băng đảng kiểm soát.

Trong 72 giờ, cảnh sát đã tiêu diệt thủ lĩnh của băng đảng 400 Mawozo và giải cứu 6 con tin. Nhưng 400 Mawozo vẫn chưa bị đánh bật khỏi khu vực này.

Thương tích, súng đạn và hoảng loạn là điều thường thấy ở khu dân cư do các băng đảng kiểm soát, khi một cuộc chiến toàn diện giữa cảnh sát và các nhóm tội phạm dường như đang xảy ra ở Port-au-Prince.

Theo Liên Hợp Quốc, tại khu vực Cité Soleil (Port-au-Prince), 10 ngày bạo lực trong tháng 7 đã khiến hơn 470 người chết, bị thương hoặc mất tích, sau khi băng nhóm G9 cố gắng mở rộng phạm vi hoạt động trong khu vực.

 Cảnh sát SWAT đứng theo dõi một chiến dịch chống băng đảng ở Croix-des-Bouquets. Ảnh: CNN.

Cảnh sát SWAT đứng theo dõi một chiến dịch chống băng đảng ở Croix-des-Bouquets. Ảnh: CNN.

Nhiều người dân chạy trốn khỏi Cité Soleil chỉ có thể nghỉ tại không gian ngoài trời của công viên giải trí Hugo Chavez. Chương trình Lương thực Thế giới cũng phân phát thực phẩm cho hàng chục người ở đây.

Ruồi phủ kín sàn bê tông đẫm nước mưa của một hội trường bậc dốc ngoài trời, nơi những đứa trẻ mới 4 tháng tuổi khó có thể ngủ.

"Tôi đã ngủ trong một vũng nước ở đây”, Natalie Aristel nói. "Họ đốt nhà tôi và bắn chồng tôi 7 phát", cô cho biết, ám chỉ các thành viên băng đảng.

"Tôi thậm chí không đủ khả năng để chi trả cho việc đến bệnh viện thăm anh ấy. Trong công viên này, ngay cả khi họ mang theo một số thức ăn, thì không bao giờ có đủ cho mọi người. Những đứa trẻ đang chết dần”, cô nói thêm.

Nhiều người khác đang mất tích. "Tôi có bốn đứa con, nhưng đứa con đầu lòng của tôi bị mất tích, và tôi không thể tìm thấy nó", một phụ nữ khác nói.

"Chúng tôi đã hoàn toàn bị nhà nước bỏ rơi và thậm chí phải trả tiền để sử dụng nhà vệ sinh", một người khác nói thêm.

Người dân địa phương đề cập đến một cơn bão hoàn hảo của những tai ương, và cảnh báo đất nước này đang ngày càng có dấu hiệu trên bờ vực của sự sụp đổ về mặt xã hội.

Trong khi đó, giới phân tích tính toán lạm phát trong nước ở mức 30%, trong khi khí đốt trở nên khan hiếm. Liên Hợp Quốc đã cảnh báo bạo lực băng đảng có thể khiến những trẻ em trong các khu vực giao tranh có nguy cơ bị chết đói, vì cha mẹ chúng không thể tiếp cận thực phẩm hoặc đi làm.

Một nguồn tin của lực lượng an ninh Haiti ước tính rằng các băng đảng kiểm soát hoặc ảnh hưởng đến 3/4 thành phố Port-au-Prince. Tuy nhiên, Frantz Elbe, lãnh đạo Cảnh sát Quốc gia Haiti, bác bỏ khẳng định trên.

Tuy nhiên, không thể chối cãi rằng các bộ phận quan trọng trong cơ sở hạ tầng của nước này hiện hoàn toàn nằm trong tay nhóm tội phạm.

"Tôi có thể bị cá mập ăn thịt hoặc đến được Mỹ”

Bắt cóc diễn ra tràn lan và bừa bãi. Đây cũng là một trong số ít các ngành công nghiệp phát triển mạnh ở Haiti.

Sợ hãi trước tình hình bạo lực leo thang, nhiều người đã chọn cách di cư bất hợp pháp, bất chấp nhiều nguy hiểm. Trung tâm của hoạt động buôn người ở đất nước này là hòn đảo La Gonave.

Một tội phạm buôn người, tự giới thiệu mình là Johnny, bình tĩnh giải thích cách thức hoạt động kinh doanh. Do hành trình thường chỉ có một chiều, điều đó đòi hỏi con thuyền phải được mua đứt, với chi phí khoảng 10.000 USD, anh nói.

Để trang trải chi phí đó, Johnny cần ít nhất 200 khách hàng, và họ sẽ tập trung trong thân tàu tồi tàn này. "Nếu chết thì chúng ta sẽ chết. Nếu làm được thì chúng ta sẽ làm được", anh nói.

 Một chiếc thuyền ở La Gonave, Haiti. Ảnh: CNN.

Một chiếc thuyền ở La Gonave, Haiti. Ảnh: CNN.

Điểm đến cuối cùng là Mỹ. Cuba, quần đảo Turks và Caicos đôi khi có thể là những điểm dừng tình cờ trong chuyến đi.

Tổ chức Di cư Quốc tế đã báo cáo số lượng người Haiti buộc phải hồi hương tăng vọt trong bảy tháng đầu năm nay ở ba địa điểm trên.

Trong khi đó, Lực lượng Tuần duyên Mỹ cũng đã bắt giữ 6.114 người Haiti từ tháng 10/2021 đến cuối tháng 6. Con số này nhiều gấp 4 lần số lượng trong khoảng thời gian 10/2020-10/2021. Chỉ trong cuối tuần qua, Lực lượng Tuần duyên Mỹ đã giải cứu hơn 330 người di cư từ Haiti ở gần Florida Keys.

Các cuộc hành trình trước đây từ cửa biển này đã kết thúc trong bi kịch. Theo tiết lộ của Johnny, một chuyến đi gần đây mà anh tổ chức đã dẫn đến cái chết của 29 người.

“Con thuyền gặp sự cố về động cơ. Nước tràn vào bên trong thuyền. Chúng tôi kêu cứu, nhưng họ đã mất quá nhiều thời gian. Chiếc thuyền bị chìm trong khi tôi đang cố cứu người, khi có sự giúp đỡ thì đã quá muộn", anh nói.

Hai người dân địa phương khác, vốn đang tham gia vào hoạt động buôn người, cũng mô tả các chi tiết tương tự. Giới chức ở quốc gia lân cận như Bahamas, Turks và Caicos đã nhiều lần thông báo việc tìm thấy hài cốt của những người di cư, sau khi tàu thuyền bị lật trong vùng biển của họ.

Bất chấp rủi ro, nhiều người Haiti vẫn đang khao khát tìm một lối thoát. Người dân địa phương ở La Gonave nói với CNN rằng ít nhất 40 người muốn rời đi bằng thuyền đã ở trên hòn đảo này.

Một hành khách tiềm năng, từng là một giáo viên, đã mô tả lý do anh sẽ mạo hiểm tất cả để thực hiện chuyến đi.

"Tôi từng làm giáo viên, nhưng nó không đi tới đâu. Bây giờ, tôi đang chạy xe máy hàng ngày trong nắng và bụi. Khi lập gia đình, tôi làm sao có thể lo được", anh nói.

Anh cho biết đã tiết kiệm tiền trong một năm để thực hiện cuộc hành trình và không sợ điều kiện tồi tàn của con thuyền. "Tôi có thể bị cá mập ăn thịt hoặc đến được Mỹ”.

Vân Đinh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/haiti-rung-dong-vi-vu-benh-nhan-bi-ban-chet-ben-ngoai-phong-cap-cuu-post1347233.html