Hầm chui thành 'hầm tử thần': Tổng thống Hàn Quốc ra chỉ đạo khẩn
Ít nhất 40 người thiệt mạng trong vòng chưa đầy 1 tuần mưa lớn ở Hàn Quốc.
Một năm sau khi Hàn Quốc tuyên bố tăng cường sẵn sàng ứng phó với thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra, các chuyên gia cho biết rằng nước này vẫn thực hiện chưa đủ công việc của mình, ngay cả khi lượng mưa bất ngờ và xối xả ngày càng lớn hơn được dự báo trong những thập kỉ tới.
Nhiều người thiệt mạng trong 1 tuần mưa lớn
Ít nhất 40 người thiệt mạng trong vòng chưa đầy 1 tuần mưa lớn - trong đó có 13 người thiệt mạng khi mưa lũ khiến họ mắc kẹt trong một đường hầm ở thành phố Cheongju - đặt ra những nghi ngờ về nỗ lực của đất nước này trong việc chuẩn bị cho những trận mưa lớn và cục bộ.
Theo Thông tấn xã Yonhap (Hàn Quốc), ít nhất 13 người thiệt mạng trong hầm chui ở Osong khi nước tràn vào, nhấn chìm nhiều phương tiện đang di chuyển trong hầm.
Các chuyên gia cho rằng cam kết chuẩn bị tốt hơn của nước này đã không được tuân thủ khi việc chi tiêu phụ thuộc quá nhiều vào quá tình phục hồi sau thiên tai chứ không phải là phòng ngừa thiệt hại trước thiên tai.
Jeong Chang-sam, giáo sư kỹ thuật tại Đại học Induk ở Seoul chuyên về thủy lợi cho biết, vấn đề phòng ngừa trước thiên tai là rất quan trọng để giảm thiểu thiệt hại về người và của nhưng lại thường bị bỏ qua.
Giáo sư Jeong nói rằng: "Nhiều người ưu tiên phản ứng nhanh hay phục hồi khẩn cấp,... nhưng đó là khi thảm họa khí hậu đã và đang diễn ra. Trong khi nếu bỏ tiền vào các dự án phòng ngừa thiệt hại thiên tai thì chi phí bỏ ra có thể chỉ bằng một nửa chi phí phục hồi.
Ông Jeong nêu ví dụ về kế hoạch lắp đặt các rào chắn điều khiển từ xa tại các đường chui, được thiết lập sau trận lũ lụt ở Busan khiến ba người lái xe bị mắc kẹt và thiệt mạng vào năm 2020. Kế hoạch này đã không được thực hiện ở nhiều khu vực dễ bị lũ quét, bao gồm cả Cheongju, ông nói .
Tổng thống Hàn Quốc chỉ đạo
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol hôm 17/7 đã nhắc lại lời kêu gọi mà ông đưa ra vào năm ngoái, khi lũ lụt vào tháng 8 do trận mưa lớn nhất tấn công Seol trong 115 năm qua đã làm tê liệt các khu thương mại và khiến các khu dân cư ở nơi có địa hình trũng, thấp ở Gangnam bị ngập lụt.
"Thời tiết khắc nghiệt sẽ xuất hiện thường xuyên hơn, vì vậy, chúng ta cần đối phó với chúng thường xuyên, và chúng ta cần loại bỏ suy nghĩ rằng mình không thể làm gì trước những tình huống bất thường như vậy," tổng thống Yoon phát biểu trong một cuộc họp ứng phó thảm họa.
Tổng thống Hàn Quốc cũng cho biết rằng, nước này cần một cuộc đại tu hoàn toàn, đồng thời cũng kêu gọi quyết tâm tuyệt đối của mọi người để cải thiện các biện pháp ứng phó.
Các quan chức cam kết chi tiêu nhiều hơn cho công tác phòng chống thiên tai sau khi nước này cam kết chi khoảng 1,6 tỷ USD vào năm 2022, cao hơn 20% so với số tiền đã chi trong năm trước, theo Bộ Nội vụ Hàn Quốc.
Hơn 1 triệu điểm dễ sạt lở, thời tiết ngày càng khắc nghiệt
Hàn Quốc có địa hình miền núi và sự phát triển đô thị khiến nhiều khu vực dễ phải đối mặt với tình trạng sạt lở đất, trong khi khả năng sẵn sàng ứng phó với thời tiết khắc nghiệt chưa được đáp ứng kịp.
Một nghiên cứu năm 2022 của Cục khí tượng Hàn Quốc cho thấy, chi phí thiệt hại tài sản và thương vong do thời tiết khắc nghiệt đã tăng gấp 3 lần so với mức trung bình hàng năm của thập kỉ trước.
Cheongju, nơi trận lũ quét khiến 13 người thiệt mạng, là một vùng ngoại ô mới phát triển, một trung tâm giao thông phục vụ thủ đô hành chính Sejong. Khu vực này nằm cạnh một con sông và vào ngày 15/7 một con đê đã bị vỡ ngay tại địa điểm đang được lên kế hoạch xây dựng thêm các cơ sở hạ tầng.
Jung Ki-cheol, một kỹ sư thủy văn tại Viện Môi trường Hàn Quốc, cho biết mặc dù lượng mưa trung bình hàng năm dự kiến sẽ không tăng đột ngột từ năm 2021 đến năm 2040, nhưng sự gia tăng mạnh của những trận mưa lớn có thể là do biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, thiệt hại thiên tai do lũ lụt sẽ tiếp tục gia tăng không chỉ do lượng mưa cực lớn mà số ngày mưa cũng tăng lên,” ông Jung cho biết trong một báo cáo được công bố vào tháng 12.
Jeong của Đại học Induk cho biết người dân tiếp cận chậm tới những thông tin lũ lụt và hệ thống cảnh báo cư dân còn thiếu hoặc có nhiều hạn chế.
Lee Su-gon, cựu giáo sư kỹ thuật dân dụng tại Đại học Seoul, ước tính có “hơn một triệu địa điểm” trên cả nước dễ bị sạt lở đất nhưng cho biết chỉ 1/10 trong số đó đang được theo dõi. Ông Lee cũng cho biết: "Hàn Quốc sử dụng 30% ngân sách thiên tai cho các biện pháp phòng ngừa và 70% ngân sách để khắc phục thảm họa." Ông Lee cho rằng, sự phân bổ này là chưa hợp lý và việc phòng ngừa cần ưu tiên hơn.