'Hạm đội bóng tối' của Nga sắp phải hứng chịu đòn trừng phạt mạnh nhất từ Mỹ?
Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là sẽ tăng cường trừng phạt, đặc biệt là nhằm vào 'hạm đội bóng tối' của Nga, sau khi việc đàm phán hòa bình ở Đông Âu đi vào bế tắc.

Các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn nhiều khả năng sẽ được Mỹ ban hành nhằm vào "hạm đội bóng tối", đây là một mạng lưới tàu vận tải Nga dùng để lách các hạn chế do phương Tây áp đặt trong lĩnh vực xuất khẩu tài nguyên.

Hãng tin Fox News sau khi tham khảo một quan chức giấu tên trong Nhà Trắng cho biết, ông Trump tin Nga đang cố tình làm chậm tiến trình giải quyết cuộc chiến Ukraine, để đáp trả, Washington đang cân nhắc tăng cường sức ép lên Moskva.

Theo người đối thoại của Fox News, ông Trump cảm thấy không hài lòng vì cho rằng Nga đang "câu giờ", cố tình tránh các bước đi cụ thể hướng tới việc hạ nhiệt giao tranh.

Trước tình hình trên, Nhà Trắng đang thảo luận những biện pháp gây sức ép và giới chức Mỹ đặc biệt chú ý đến "hạm đội bóng tối" gồm hàng trăm tàu chở dầu của Nga đang hoạt động trên khắp các đại dương, giúp Moskva duy trì doanh thu từ xuất khẩu năng lượng.

Nguồn tin của Fox News cho biết, hiện nay việc kiểm soát tuân thủ lệnh trừng phạt vẫn chưa đủ, khi hiệu quả của những biện pháp hiện tại chỉ được đánh giá ở mức rất thấp là 3/10.

Washington muốn gây sức ép lên "hạm đội bóng tối" bởi khoảng 70% lượng dầu thô xuất khẩu của Nga thông qua nhóm tàu này, nhiều chiếc trong số đó nằm trong danh sách bị theo dõi nhưng vẫn tiếp tục hoạt động do cơ chế kiểm soát còn nhiều lỗ hổng.

Nhân vật giấu tên cho biết, chính quyền Mỹ có ý định siết chặt quản lý bằng cách tập trung vào việc đóng cửa hoàn toàn các kênh thương mại bị xem là bất hợp pháp đang được Nga sử dụng.

Dự kiến Mỹ sẽ mở rộng danh sách trừng phạt, đưa ra biện pháp hạn chế thứ cấp đối với cảng nước ngoài và doanh nghiệp có quan hệ với Hạm đội bóng tối của Nga, cùng với đó là tăng cường giám sát mọi tuyến đường biển.

Hành động này nếu được triển khai có thể giáng một đòn nặng nề vào kinh tế Nga vốn vẫn ổn định nhờ chương trình xuất khẩu năng lượng, bất chấp hàng nghìn lệnh trừng phạt đã được phương Tây ban hành.

Lập trường cứng rắn hiện nay của Mỹ liên quan đến những nỗ lực lớn của ông Trump nhằm chấm dứt cuộc xung đột Ukraine, bởi từ khi nhậm chức vào tháng 1/2025, Tổng thống Mỹ đã nhiều lần cam kết theo đuổi hòa bình, nhưng cách tiếp cận lại gây ra rất nhiều tranh cãi

Đầu tháng 3/2025, Washington đã đình chỉ viện trợ quân sự cho Kyiv trong thời gian ngắn, động thái này được hiểu là nỗ lực nhằm buộc Ukraine phải nỗ lực đàm phán.

Sau đó ông Trump đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Putin và đề xuất lệnh ngừng bắn trong 30 ngày nhưng Moskva đưa ra điều kiện đối ứng, bao gồm việc ngừng cung cấp vũ khí cho Kyiv, Mỹ đã từ chối và bày tỏ rõ sự không hài lòng.

Sau đó chiến sự vẫn diễn ra cực kỳ căng thẳng, điều này có thể củng cố thêm quyết tâm của ông Trump trong việc chuyển từ thuyết phục sang cưỡng chế thông qua áp đặt các lệnh trừng phạt.

Theo thông tin từ Nhà Trắng, ông Trump đang chuẩn bị đưa ra hành động quyết định. Trong khi đó, phía Nga cảnh báo mọi bước đi từ Mỹ sẽ làm tình hình phức tạp thêm và cam kết sẽ đáp trả mạnh mẽ.