'Đòn' thuế quan mới nhất của ông Trump không phải chiến thuật đàm phán
Khi công bố thuế quan đối ứng, ông Trump đã nói rằng thuế quan có thể gây ra 'một chút xáo trộn' trong nền kinh tế và thị trường.
"Ngày giải phóng" mà Tổng thống Mỹ Donald Trump ban đầu tuyên bố được lên kế hoạch vào ngày 1/4, nhưng sau đó ông đã nói với các phóng viên rằng ông lùi lịch lại 24 giờ để nó không bị coi là trò đùa Cá tháng Tư. "Sẽ không ai tin những gì tôi nói", ông nói khi giải thích về sự đẩy lùi này.
Theo đó, vào chiều 2/4, ông chủ Nhà Trắng đã công bố các mức thuế "có đi có lại" đối với hàng nhập khẩu từ hầu hết mọi quốc gia trên thế giới – bao gồm cả đồng minh và đối thủ, làm "dậy sóng" khắp nơi.
Gần như có tác động "ngay lập tức", các mức thuế quan "Ngày giải phóng" của ông Trump đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ trải qua một cú sốc chưa từng có kể từ đại dịch Covid-19.
Trên các thị trường tài chính khắp thế giới, cổ phiếu cũng đồng loạt lao dốc do lo ngại về sự tàn phá mà "đòn" thuế quan toàn cầu toàn diện của Tổng thống Trump có thể gây ra cho các nền kinh tế, bao gồm cả nền kinh tế của chính nước Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Sân bay quốc tế Miami, Florida, ngày 3/4/2025. Ảnh: Digital Journal
Chỉ số S&P 500 giảm 4,8%, nhiều hơn so với các thị trường lớn ở châu Âu và châu Á, đánh dấu ngày tồi tệ nhất kể từ khi thị trường sụp đổ do đại dịch vào năm 2020. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm tới 1.679 điểm (hay 4%) và chỉ số tổng hợp Nasdaq giảm 6%.
Các công ty nhỏ hơn của Mỹ đã phải chịu một số đòn giáng tồi tệ nhất, với chỉ số Russell 2000 của các cổ phiếu nhỏ hơn giảm 6,6%, giảm hơn 20% so với mức kỷ lục của chỉ số này.
Nỗi sợ hãi về sự kết hợp có khả năng gây hại của tăng trưởng yếu và lạm phát gia tăng do thuế quan vẫn còn trên Phố Wall.
Mọi thứ đều giảm, từ cổ phiếu của các công ty công nghệ lớn, đến giá trị của đồng USD so với các loại tiền tệ khác. Lợi suất trái phiếu chính phủ giảm khi các nhà đầu tư rời bỏ các tài sản rủi ro và đổ xô vào trái phiếu kho bạc trú ẩn an toàn.
Giá dầu giảm mạnh khoảng 7% xuống dưới 70 USD/thùng do lo ngại suy thoái kinh tế sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu. Vàng, một tài sản trú ẩn an toàn trong thời kỳ bất ổn, đã đạt đỉnh mới là 3.167,84 USD/ounce.
Khi công bố thuế quan đối ứng, ông Trump đã nói rằng thuế quan có thể gây ra "một chút xáo trộn" trong nền kinh tế và thị trường. Và bây giờ, khi 2 điều này gần như đang chịu ‘đòn giáng" tồi tệ nhất, Tổng thống Mỹ đã hạ thấp tác động của các khoản thuế quan toàn diện của mình.
"Các thị trường sẽ bùng nổ, cổ phiếu sẽ bùng nổ và đất nước sẽ bùng nổ", ông Trump nói hôm 3/4 khi ông rời Nhà Trắng để bay đến Florida.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt dường như đã loại trừ khả năng Tổng thống Trump sẽ rút lại bất kỳ mức thuế nào trước khi chúng được thực hiện trong những ngày tới.
"Hôm qua, Tổng thống đã nói rõ rằng đây không phải là một cuộc đàm phán", bà Leavitt nói trên Đài CNN hôm 3/4.
Theo kế hoạch, tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ sẽ phải chịu mức thuế cơ bản là 10% bắt đầu từ ngày 5/4. Sau đó, bắt đầu từ ngày 9/4, khoảng 90 quốc gia và vùng lãnh thổ có trong danh sách mà ông Trump công bố sẽ phải chịu thêm một khoản thuế quan đối ứng, dao động từ trên 10% đến gần 50%.
Một số nhà lãnh đạo thế giới đã phản đối các mức thuế quan mới nhất. Trong khi một số hứa hẹn các biện pháp đối phó nhanh chóng, những người khác yêu cầu một cơ hội đàm phán để tránh chiến tranh thương mại toàn diện.
Ukraine – quốc gia có nền kinh tế bị tàn phá bởi xung đột quân sự – nằm trong nhóm các quốc gia chịu mức thuế quan đối ứng cơ bản là 10%. Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Yulia Svyrydenko hôm 3/4 cho biết thuế quan mà Mỹ áp đặt đối với Kiev là "phức tạp, nhưng không nghiêm trọng".
"Mức thuế quan mới của Mỹ có ý nghĩa gì đối với Ukraine? Nó phức tạp, nhưng không nghiêm trọng", bà Svyrydenko cho biết trong một tuyên bố trên X hôm 3/4.
Lưu ý rằng quốc gia Đông Âu phải chịu mức thuế quan chung 10%, bà Svyrydenko cho biết không có mức thuế quan cao hơn riêng biệt nào được áp dụng đối với Ukraine như trường hợp của nước láng giềng Moldova hoặc EU.
Bộ trưởng Svyrydenko cũng cho biết Ukraine đã mua 3,4 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ trong khi giá trị xuất khẩu sang đó chỉ là 874 triệu USD vào năm ngoái.
"Do đó, bây giờ chúng tôi có cơ hội để đồng ý về các điều kiện khác – tuyên bố của Mỹ chỉ rõ khả năng này", bà Svyrydenko nói với hãng thông tấn Anadolu. Kiev sẽ nỗ lực để "đảm bảo các điều kiện tốt hơn cho Ukraine", bà nói thêm.
Minh Đức (Theo Hindustan Times, Anadolu, TIME)