Mỹ phải đối mặt với "lửa và cuồng nộ" ở ngay sát biên giới của mình khi Hạm đội Thái Bình Dương Nga đến đó, các nhà phân tích Stewart và Tariq Tahir đến từ tạp chí The Sun của Anh nhận định.
Theo thông điệp của Bộ Quốc phòng Liên bang Nga, Hạm đội Thái Bình Dương của hải quân nước này đã tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn mang tên Umka 2022, mục đích để bảo vệ Bắc Cực, hoạt động diễn ra trên khu vực biển Chukchi.
Trong cuộc diễn tập, hai tàu ngầm hạt nhân là Omsk và Novosibirsk đã phóng tên lửa hành trình chống hạm Granit và Onyx. Theo các tác giả, việc tàu ngầm Nga xuất hiện gần biên giới Mỹ đã khiến Washington cảm thấy đặc biệt lo ngại.
“Lửa và cuồng nộ - Hải quân Nga đã tổ chức cuộc diễn tập quy mô lớn ngoài khơi nước Mỹ với sự tham gia của các tàu chiến và tàu ngầm hạt nhân như một lời cảnh báo gửi tới phương Tây”, các nhà phân tích mô tả cuộc tập trận.
Họ cũng nhận thấy rằng các tên lửa đã bắn trúng mục tiêu mô phỏng một nhóm tàu chiến của đối phương. Hơn nữa, đối tượng đã bị bắn trúng ở khoảng cách lên tới 400 km - một con số cực kỳ ấn tượng.
Hai nhà báo Stewart và Tahir nhắc nhở rằng Nga đã tăng cường đáng kể sự hiện diện quân sự ở Bắc Cực và tìm cách kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như bảo vệ những tuyến đường thương mại của nước này.
"Nga đã mở các căn cứ quân sự như những chốt tiền tiên, phạm vi kiểm soát của họ hiện đã vượt xa Vòng Bắc Cực, mục đích để củng cố quyền khống chế của mình đối với những vùng đất hoang băng giá giàu tài nguyên", ấn phẩm The Sun nói rõ.
Ngoài ra, Moskva tổ chức cuộc tập trận với màn thị uy của tàu ngầm hạt nhân chiến lược ngay sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga - bà Maria Zakharova tuyên bố: nếu Washington chuyển giao tên lửa tầm xa hơn cho Kyiv, Mỹ sẽ trở thành bên tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột Ukraine.
Theo hai tác giả của bài phân tích trên tờ The Sun, các cuộc diễn tập ở biển Chukchi có thể liên quan đến cảnh báo của bà Zakharova, nhằm thể hiện sức mạnh tấn công trước Hải quân Mỹ.
Trong thời gian gần đây, Hải quân Nga vẫn tập trung phần lớn tiềm lực chế tạo cho việc đóng mới tàu ngầm hạt nhân chiến lược và cả tàu ngầm tấn công thông thường, thay vì chế tạo tàu mặt nước cỡ lớn.
Đây là bước đi phù hợp của Moskva, bởi họ không thể tập trung vào việc đua sức mạnh trên mặt biển với Hải quân Mỹ và NATO khi nhận rõ thất thế sẽ thuộc về mình, thay vào đó, Nga dồn toàn lực cho lực lượng tác chiến dưới nước.
Những tàu ngầm mang tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo của Nga hiện vẫn là bài toán khó giải đối với NATO, khi chúng có khả năng tàng hình cao và sở hữu kho vũ khí vô cùng lợi hại.
Đối phó với những sát thủ dưới lòng biển sâu cho tới hiện nay và thậm chí cả trong tương lai gần, vẫn là nhiệm vụ bất khả thi đối với Hải quân Mỹ cũng như đồng minh.
Sắp tới, khi tàu ngầm hạt nhân siêu lớn Belgorod cùng ngư lôi Poseidon chính thức làm nhiệm vụ trực chiến, Nga lại càng nới rộng thêm khoảng cách với đối phương trong cuộc đua dưới lòng biển sâu.
Việt Dũng