Hầm Hải Vân: 15 năm và sứ mệnh hoàn thiện công trình thế kỷ trên vai Đèo Cả sắp cán đích
ng 15 năm trước, sáng 5/6/2005, hầm Hải Vân - hầm đường bộ lớn nhất Đông Nam Á - chính thức được đưa vào sử dụng. Ngay thời điểm đó, công trình hầm đường bộ Hải Vân đã được đánh giá mang ý nghĩa quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế cho các tỉnh miền Trung và cả nước, là công trình giao thông quan trọng trên tuyến giao thông nối Hành lang kinh tế Đông - Tây giữa các nước Việt Nam -Lào - Thái Lan - Myanmar.
Tuy nhiên, để trở thành công trình tối ưu hoàn chỉnh, phải mất đến 15 năm sau và sứ mệnh đó đặt lên vai Tập đoàn Đèo Cả. Đích đến đã rất gần rồi.
Gía trị 15 năm
Những năm 80-90 của thế kỷ trước, đèo Hải Vân ngày nào cũng có tai nạn xảy ra và người chết, bị thương do lật xe trên đèo nhiều vô kể. Những am thờ cho người xấu số cứ thế mọc lên dày đặc dọc hai bên đường. Dù đường đèo Hải Vân được nâng cấp, sửa chữa, mở rộng nhưng ở đây, tử thần luôn rình rập những người vượt đèo.
Năm 2005, khi công trình hầm xuyên núi Hải Vân đưa vào vận hành, chặng đường đèo nổi tiếng này chấm dứt sứ mệnh thiên lý Bắc - Nam, Hải Vân Quan đơn thuần trở thành điểm du lịch. Thống kê mới nhất từ Ban quản lý vận hành hầm Hải Vân cho hay, từ khi khai thác ống hầm 1 đến nay, đã có 32.229.273 lượt xe qua hầm an toàn.
Căn nhà ông Nguyễn Văn Cận, một cán bộ lão thành cách mạng nằm cách không xa chân núi Hải Vân. Gần 90 tuổi đời, sống bên chân đèo, ông ở tuổi xế chiều lại được chứng kiến sự đổi thay không ngờ. Tuổi thanh xuân lao mình vào cuộc chiến, khi chiến trường lắng mùi khói súng ông Cận trở về quê. Vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và năm nay ông vừa nhận Huy hiệu 55 tuổi Đảng, nhưng đối với lão thành này, điều phấn khởi nhất đối là lần đầu tiên được đi xuyên núi Hải Vân vào năm 2005, khi hầm đường bộ Hải Vân đi vào vận hành sau nhiều năm xây dựng. “Điều kỳ diệu chỉ người dân Lăng Cô có người thân bên Đà Nẵng, cứ phải vượt đèo thăm nhau với thấy giá trị”, ông Cận nói.
“Lúc nhà nước chuẩn bị đào đường xuyên núi Hải Vân (hầm Hải Vân), tôi nghĩ không biết đến khi mô (nào) xong, cứ mong sống đến thời điểm đó để chứng kiến công trình. Vậy mà nay người Việt Nam mình chuẩn bị làm xong ống hầm thứ 2 nữa rồi. Người dân Lăng Cô sẽ được hưởng lợi công trình ni (này) đầu tiên”, ông Nguyễn Văn Cận tâm đắc.
Tập đoàn Đèo Cả và sứ mệnh hoàn chỉnh công trình thế kỷ
Ông Võ Ngọc Trung, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý vận hành hầm Hải Vân cho biết, 15 năm qua, đơn vị đã thực hiện cứu hộ kịp thời cho 11.858 phương tiện bị hỏng dừng trong hầm, cứu nạn kịp thời 130 phương tiện bị tai nạn trong hầm, 180 phương tiện bị tai nạn trên tuyến đường dẫn ngoài hầm, 58 phương tiện bị cháy trong hầm và 19 phương tiện bị cháy ngoài hầm… khi lưu thông qua hầm.
Tuy thời gian qua, Quản lý vận hành đã ứng trực giải quyết tai nạn rất tốt, có những cuộc giải cứu chỉ tính bằng phút. Tuy nhiên, ông Trung chia sẻ: “Mãi thế này không ổn, phải sớm có ống hầm 2”.
Dự án mở rộng hầm đường bộ qua đèo Hải Vân hơn lúc nào hết lại được trông đợi sớm hoàn thành để đưa vào vận hành góp giảm thiểu tai nạn giao thông, góp phần phát triển thông thương hai miền Nam - Bắc. Tầm quan trọng của việc sớm xây dựng ống hầm thứ 2 tại Hải Vân được đặt ra và xem như cuộc “giải cứu” từ trong lòng núi.
Dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân với giai đoạn 1 sửa chữa, nâng cấp hầm Hải Vân hiện tại (hầm Hải Vân 1) và cải tạo đoạn tuyến quốc lộ 1 qua đèo Hải Vân. Giai đoạn 2, mở rộng hầm lánh nạn hiện tại thành hầm giao thông (hầm Hải Vân 2) với quy mô 4 làn xe và mở rộng cầu, đường dẫn quy mô 4 làn xe. Giai đoạn một đã hoàn thành. Giai đoạn 2 đang băng về đích. Dự kiến cuối năm 2020 này sẽ đưa vào vận hành.
PGS.TS. Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, (Bộ Xây dựng) cho rằng: “Do dự báo lưu lượng xe qua hầm là rất thấp nên giai đoạn 1, hầm Hải Vân được thiết kế cho phép lưu thông hai chiều trong một ống hầm. Sự phát triển của đất nước, kinh tế tăng trưởng cũng làm gia tăng với tốc độ cực nhanh vượt qua thời gian dự báo điểm mãn tải hầm Hải Vân 1 sau năm 2025 đã đặt ra nhu cầu cấp bách cần hoàn thành ống hầm thứ hai. Để giảm thiểu tối đa những yếu tố gây tại nạn, để tránh ách tắc giao thông, để an toàn hơn, tiết kiệm thời gian lưu thông qua hầm thì khi ống hầm thứ 2 đi vào vận hành sẽ giải quyết được những vấn đề đó”.
PGS.TS Trần Chủng cho rằng: “Việc lưu thông 2 làn xe chạy cùng chiều trong ống hầm sẽ khắc phục tối đa các hạn chế về tổ chức giao thông và quản lý vận hành của hầm Hải Vân 1 như hiện nay. Mặt khác, khi dòng xe cùng chiều lưu thông trong một ống hầm, không khí trong hầm luôn được lưu thông nhờ hiệu ứng pít tông nên không cần thiết bị lọc bụi tĩnh điện, thiết bị hút khí độc, cấp khí tươi và vì thế, theo tính toán chi phí vận hành có thể giảm 40% so với hầm Hải Vân 1”.
Bộ GTVT cũng đã đánh giá việc triển khai giai đoạn 2 của dự án sẽ góp phần đảm bảo năng lực vận hành, khai thác hầm Hải Vân trong thời gian tới, đặc biệt trước đà tăng trưởng lưu lượng phương tiện 10-15%/năm, ngăn ngừa tình trạng quá tải ở ống hầm Hải Vân 1 hiện nay, đồng thời đồng bộ quy mô 4 làn xe trên toàn tuyến QL1.
Qua gần 4 năm thi công với khoảng 600.000 mét khối đá được vận chuyển, hơn 6,2 km đường hầm được đục thông, đến nay, các hạng mục như đào, gia cố, bê tông vỏ hầm, bê tông mặt đường, nền đường, đường bảo dưỡng... cơ bản hoàn thiện. Cùng với đó, những cây cầu, đường dẫn hai đầu Bắc - Nam cũng thảm nhựa hơn 90% khối lượng.
Hệ thống thiết bị cơ điện, hệ thống giao thông thông minh, phòng cháy chữa cháy... đa phần được đặt hàng từ châu Âu đã tập kết trên 90%, trong đó lắp đặt trong hầm gần 70%.
Tại cửa hầm phía Bắc thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế, hệ thống đèn chiếu sáng, rãnh thoát nước, ốp gạch vòm và ngách thông giữa 2 hầm cũng đang được thi công hoàn chỉnh.
Cuối năm 2020, khi hệ thống hầm Hải Vân được hoàn thiện thì nhức nhối về điểm đen tai nạn tại Hải Vân sẽ được giảm thiểu tối đa, đẩy ký ức tang thương lùi vào quá khứ, rộng mở cơ hội giao thương cho Huế - Đà Nẵng, cho miền Trung và cho cả nước.