Trận mưa đêm 14/10 đã khiến hơn 12.000 m3 đất đá tràn xuống khu vực hầm Hải Vân, bít toàn bộ miệng hầm số 1, 2 phía nam Hải Vân, thuộc TP Đà Nẵng. Chủ đầu tư buộc phải đóng cửa hầm, giao thông qua đây tê liệt hoàn toàn.
Ông Võ Ngọc Trung, Phó giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (đơn vị khai thác và vận hành hầm), cho biết từ đêm 14/10, đơn vị này đã huy động công nhân, máy móc, dốc toàn lực dọn dẹp, chiều tối ngày 15/10 thông tuyến.
Khối lượng đất đá lớn trải dài khoảng 200 m trước cửa hầm. "Công tác dọn dẹp được thực hiện khẩn trương, nhưng khối lượng đất đá quá lớn, phủ dày nên phải làm theo kiểu cuốn chiếu, không thể nhanh hơn được", ông Trung nói thêm.
Đến trưa 15/10, nước vẫn tiếp tục đổ từ trên núi xuống khu vực cửa hầm.
Một số hạng mục cống thoát nước của dự án hầm Hải Vân bị hư hại, sạt lở.
Đất đá dồn ứ dưới gầm cầu trước cửa hầm. "Hy vọng không còn mưa, vì dòng chảy đã bị che lấp, nước rất khó thoát", một công nhân cho biết.
Một số xe tải không di chuyển kịp khi đất đá tràn về nên bị mắc kẹt trước cửa hầm Hải Vân.
Sau khi dọn dẹp, đơn vị vận hành đã cho lưu thông hai chiều phía hầm số 2, nhưng lượng phương tiện qua đây hạn chế với tần suất 20-30 phút một lượt.
Hàm trăm xe cộ dồn ứ ở hầm Hải Vân vì sự cố.
Theo Phó giám đốc Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả, nguy cơ đất đá tràn xuống khu vực hầm vẫn còn vì lượng đất đá còn rất nhiều ở khu vực suối phía trên dự án.
Hầm đường bộ Hải Vân. Ảnh: Google Maps.
Hầm đường bộ Hải Vân thuộc dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua đèo Cả - quốc lộ 1, tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa (bao gồm các hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông và Hải Vân) với tổng chiều dài toàn tuyến 31,95 km.
Dự án được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT với tổng mức hơn 26.150 tỷ đồng do Tập đoàn Đèo Cả làm nhà đầu tư.
Văn Quang - Đoàn Nguyên