Hàm Rồng chiến thắng, bản anh hùng ca bất tử

60 năm chiến thắng Hàm Rồng, bản anh hùng ca bất tử ấy vẫn vang vọng, để lại những bài học quý giá và ý nghĩa sâu sắc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Tối 3/4, tại TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng (ngày 3 và 4/4/1965 - 3 và 4/4/2025). Tham dự lễ kỷ niệm có các đại biểu là lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, những người đã trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Hàm Rồng và đông đảo nhân dân đã về tham dự.

Các lãnh đạo Trung ương, tỉnh cùng cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, những người đã trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Hàm Rồng dự lễ kỷ niệm.

Các lãnh đạo Trung ương, tỉnh cùng cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, những người đã trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Hàm Rồng dự lễ kỷ niệm.

Đây là dịp để chính quyền nhân dân tỉnh Thanh Hóa gặp gỡ, tri ân các thế hệ cha, anh đã sống và chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đồng thời, giáo dục truyền thống yêu nước tới đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hôm nay.

Ông Nguyễn Doãn Anh, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Ông Nguyễn Doãn Anh, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Trong diễn văn khai mạc lễ kỷ niệm, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, ông Nguyễn Doãn Anh, đã khái quát lại "cuộc đụng đầu lịch sử" giữa quân và dân ta với đế quốc Mỹ xâm lược. Với âm mưu cắt đứt tuyến chi viện chiến lược Bắc – Nam, từ năm 1964 đến 1973, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã trực tiếp chỉ đạo các phương án đánh phá cầu Hàm Rồng – một mắt xích trọng yếu trên tuyến vận tải huyết mạch.

Trong hai đợt chiến tranh leo thang ra miền Bắc, không quân Mỹ đã huy động tới 2.924 lượt máy bay, thực hiện 1.096 trận đánh, ném tổng cộng 71.600 tấn bom (tương đương 11.526 quả), bắn 600 tên lửa, 2.840 quả rốc-két, 2.178 quả đạn pháo kích, cùng hàng trăm bom bi và thủy lôi.

Tại lễ kỷ niệm, cựu chiến binh Lê Xuân Giang, nguyên Chính trị viên Đại đội 4, Trung đoàn 228, Mặt trận Hàm Rồng đã phát biểu ôn lại những ngày tháng hào hùng không thể nào quên cùng quân và dân tỉnh Thanh Hóa chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng.

Tại lễ kỷ niệm, cựu chiến binh Lê Xuân Giang, nguyên Chính trị viên Đại đội 4, Trung đoàn 228, Mặt trận Hàm Rồng đã phát biểu ôn lại những ngày tháng hào hùng không thể nào quên cùng quân và dân tỉnh Thanh Hóa chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng.

Đặc biệt, trong trận đánh ngày 3 và 4/4/1965, quân dân Thanh Hóa trên mặt trận bảo vệ cầu Hàm Rồng đã bắn rơi 47 máy bay, bắt sống 2 tên giặc lái. Riêng tại chiến trường cầu Hàm Rồng, trong 2 ngày đã bắn rơi 31 máy bay Mỹ, lập kỷ lục về thành tích tiêu diệt máy bay Mỹ trên bầu trời miền Bắc Việt Nam.

Tính chung cả 2 lần phá hoại miền Bắc, quân, dân "đất lửa" Hàm Rồng đã bắn hạ 117 máy bay, bắt sống nhiều giặc lái, giữ vững cầu, lập nên một kỷ lục bảo vệ cầu chưa từng có trong lịch sử thế giới.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Ngô Thị Tuyển, nhân chứng bảo vệ cầu Hàm Rồng 60 năm trước.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Ngô Thị Tuyển, nhân chứng bảo vệ cầu Hàm Rồng 60 năm trước.

Những chiến công của quân và dân Hàm Rồng được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen: "Giỏi lắm! Nhân dân Hàm Rồng giỏi. Công nhân Hàm Rồng giỏi. Nông dân Hàm Rồng cũng giỏi. Cả bộ đội, dân quân Hàm Rồng đều giỏi. Cố gắng sản xuất và chiến đấu giỏi hơn nữa, đánh thắng giặc Mỹ xâm lược".

Đế quốc Mỹ đã phải cay đắng thú nhận, "đây thực sự là hai ngày đen tối của không lực Mỹ". Còn với quân và dân ta, đó là 2 ngày xác lập kỷ lục cho trận chiến chưa có trong tiền lệ để bảo vệ một cây cầu khiến dư luận nước Mỹ xôn xao, bạn bè yêu chuộng hòa bình trên thế giới khâm phục.

Các tiết mục văn nghệ tái hiện hình ảnh quân, dân Thanh Hóa bảo vệ cầu Hàm Rồng năm xưa.

Các tiết mục văn nghệ tái hiện hình ảnh quân, dân Thanh Hóa bảo vệ cầu Hàm Rồng năm xưa.

Hàm Rồng chiến thắng không chỉ là niềm tự hào của nhân dân Thanh Hóa, của dân tộc Việt Nam, đó còn là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân, của ý chí kiên cường, bản lĩnh vững vàng, trí tuệ Việt Nam. Chiến thắng Hàm Rồng đã tiếp thêm niềm tin, ý chí để quân, dân cả nước tiếp tục tiến lên đánh thắng đế quốc Mỹ và tay sai, giành độc lập tự do, thống nhất đất nước.

Chương trình nghệ thuật được thể hiện bằng hình thức sân khấu hóa với những hoạt cảnh hóa thân các nhân vật có thật trong lịch sử, kết hợp với các ca khúc đã đi cùng năm tháng và một số ca khúc viết về Tổ quốc, về Đảng, Bác Hồ, về Hàm Rồng, Thanh Hóa trong chiến đấu và trong công cuộc dựng xây quê hương đổi mới, giàu mạnh.

Chương trình nghệ thuật được thể hiện bằng hình thức sân khấu hóa với những hoạt cảnh hóa thân các nhân vật có thật trong lịch sử, kết hợp với các ca khúc đã đi cùng năm tháng và một số ca khúc viết về Tổ quốc, về Đảng, Bác Hồ, về Hàm Rồng, Thanh Hóa trong chiến đấu và trong công cuộc dựng xây quê hương đổi mới, giàu mạnh.

"Hàm Rồng chiến thắng đã trở thành tượng đài bất tử, minh chứng cho tinh thần quật khởi của dân tộc Việt Nam trước mọi kẻ thù xâm lược. Đây cũng là thất bại lớn đầu tiên của không quân Mỹ trên bầu trời miền Bắc, là sự khẳng định về sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân Việt Nam.

60 năm đã đi qua nhưng sự kiện Hàm Rồng chiến thắng mãi là bản anh hùng ca bất tử, để lại những bài học quý giá, có ý nghĩa sâu sắc cho các thế hệ hôm nay và mai sau!", Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Doãn Anh khẳng định.

Ngọc Hưng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ham-rong-chien-thang-ban-anh-hung-ca-bat-tu-169250404061542106.htm